Đề xuất ngân sách bố trí gần 5.000 tỷ đồng hoàn trả 4 dự án BOT đang "thoi thóp"
Trong bối cảnh 4 dự án BOT đang “thoi thóp” do doanh thu sụt giảm mạnh, chỉ đạt dưới 30%, gây phá vỡ phương án tài chính khiến doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, Bộ Giao thông vận tải đề xuất bố trí 4.786 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước để hoàn trả cho doanh nghiệp...
Tại báo cáo của Bộ Giao thông vận tải gửi Chính phủ về đề xuất giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT, có 4 dự án BOT sụt giảm doanh thu lớn, phá vỡ phương án tài chính.
4 DỰ ÁN “LAO ĐAO" VÌ DOANH THU SỤT GIẢM MẠNH
Một là, tại dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Km1738+148 - Km1763+610, theo hợp đồng dự án ký kết, nhà đầu tư có trách nhiệm huy động vốn đầu tư đoạn tuyến với quy mô 2 làn xe, tổng mức đầu tư 836 tỷ đồng.
Sau khi hoàn thành đưa vào khai thác, nhà đầu tư được thu phí tại trạm Km1747 trên đường Hồ Chí Minh để hoàn vốn đầu tư với thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 20 năm.
Dự án được hoàn thành đưa vào khai thác từ năm 2015. Nhà đầu tư bắt đầu thu phí hoàn vốn tại trạm Km1747 từ tháng 11/2015.
Quá trình khai thác, trên cơ sở kiến nghị của UBND tỉnh Đắk Lắk và các bộ, ngành, được sự chấp thuận của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải phê duyệt đầu tư tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ theo hình thức đầu tư công năm 2016.
Đáng chú ý, vào tháng 12/2019 sau khi hoàn thành đưa vào khai thác tuyến đường này, đa số các phương tiện chuyển sang sử dụng tuyến tránh Buôn Hồ do không phải mất phí nên dẫn đến doanh thu thu phí của dự án bị sụt giảm rất lớn, phá vỡ phương án tài chính.
Hai là, đối với dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối hai tỉnh Thái Bình và Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư khoảng 1.709 tỷ đồng, theo hợp đồng dự án, nhà đầu tư được sử dụng trạm thu phí cầu Thái Hà để hoàn vốn. Thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 16 năm 7 tháng.
Dự án hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 4/2018, nhà đầu tư bắt đầu thu phí từ tháng 2/2019.
Kể từ thời điểm thu phí cầu Thái Hà đến nay, doanh thu thực tế chỉ đạt khoảng 14,8% so với phương án tài chính hợp đồng BOT, dẫn đến phá vỡ phương án tài chính, nguy cơ phá sản cho nhà đầu tư.
Nguyên nhân chính do sau khi dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 39A và dự án xây dựng cầu Hưng Hà vượt sông Hồng hoàn thành, hầu hết các phương tiện đều chọn tuyến đường không thu phí.
Ba là, dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc.
Dự án có chiều dài khoảng 85,7 km, tổng mức đầu tư khoảng 1.303 tỷ đồng được khởi công từ tháng 3/2015.
Đến tháng 9/2019 hoàn thành đưa vào khai thác cầu đường sắt Bình Lợi; đối với hạng mục cải tạo luồng sông Sài Gòn chưa thể triển khai thi công do nhà đầu tư không kêu gọi được nguồn vốn tín dụng.
Theo hợp đồng ký, sau khi hoàn thành, nhà đầu tư được thu phí phương tiện đường thủy nội địa thông qua các cảng đường thủy nội địa (cảng Bến Súc, cảng An Sơn, cảng Rạch Bắp) để thu hồi vốn. Thời gian thu phí khoảng 20 năm 9 tháng.
Tuy nhiên, "quá trình thực hiện dự án, UBND tỉnh Bình Dương điều chỉnh quy hoạch cảng thủy nội địa, không xây dựng cảng Bến Súc, chưa triển khai cảng Rạch Bắp, cảng An Sơn mới xây dựng được một phần. Do đó, khi dự án BOT hoàn thành không thể tổ chức thu phí để hoàn vốn đầu tư", Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.
Theo tính toán của Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi, tổng giá trị đã đầu tư mà doanh nghiệp dự án muốn Nhà nước hoàn trả hơn 600 tỷ đồng.
Đây là khoản chi phí tối thiểu mà Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi muốn nhận lại để có tiền trả nợ cho UBND tỉnh Bình Dương gần 250 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu gần 160 tỷ đồng, trả lãi vay vốn chủ sở hữu gần 55 tỷ đồng) và thanh toán nợ khối lượng cho các nhà thầu gần 150 tỷ đồng.
Bốn là, về dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Việt Trì - Ba Vì nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32C, theo hợp đồng ký, nhà đầu tư có trách nhiệm huy động khoảng 1.462 tỷ đồng đầu tư dự án.
Dự án khởi công tháng 8/2016, hoàn thành đưa vào khai thác tháng 10/2018, thu phí từ tháng 1/2019. Thời gian thu hồi vốn khoảng 19 năm 10 tháng.
"Trải qua khoảng 3 năm thu phí, doanh thu thu phí chỉ đạt trung bình khoảng 30% so với doanh thu theo phương án tài chính hợp đồng", Bộ Giao thông vận tải cho biết và lý giải, nguyên nhân chủ yếu do hình thành các tuyến đường mới dẫn đến phân chia lưu lượng. Việc áp dụng chính sách vé tháng, vé quý cho các phương tiện cũng gây giảm doanh thu khoảng 8%.
Đặc biệt, tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội dự kiến sẽ đưa vào khai thác từ năm 2027. Bộ Giao thông vận tải cũng đang chuẩn bị triển khai đầu tư tuyến đường Hồ Chí Minh kết nối trực tiếp với cao tốc Hà Nội - Lào Cai.
Do đó, theo tính toán, sau khi đưa vào khai thác 2 tuyến đường này, việc kết nối liên vùng từ các tỉnh miền núi phía Bắc (Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ) đến Hà Nội và khu vực đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh phía Nam chủ yếu thông qua tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường Hồ Chí Minh, đường Vành đai 4 Thủ đô Hà Nội. Tuyến nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32C qua cầu Ba Vì - Việt Trì chỉ đáp ứng nhu cầu kết nối nội vùng.
Lưu lượng và doanh thu sẽ sụt giảm mạnh, gây phá vỡ phương án tài chính, doanh nghiệp có nguy cơ phá sản.
DÙNG NGÂN SÁCH ĐỂ XỬ LÝ BẤT CẬP
Để tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư, sau khi lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương liên quan và đề xuất của nhà đầu tư, Bộ Giao thông vận tải đề nghị bố trí vốn ngân sách nhà nước để chấm dứt hợp đồng dự án này.
Cụ thể, tại dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Km1738+148 - Km1763+610, triển khai kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại Thông báo số 137 ngày 23/11/2021, Bộ Giao thông vận tải có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị cho phép chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn và bố trí vốn nhà nước khoảng 703 tỷ đồng để hoàn trả cho doanh nghiệp BOT.
“Với dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Thái Hà, sau khi cân nhắc kỹ, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ cho phép chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và bố trí vốn nhà nước khoảng 2.049 tỷ đồng để thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án”, Bộ Giao thông vận tải thông tin.
Riêng dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị cho phép chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn và bố trí vốn ngân sách nhà nước khoảng 612 tỷ đồng, để thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và hoàn trả vốn vay của UBND tỉnh Bình Dương.
“Đối với việc cải tạo luồng sông Sài Gòn đoạn từ TP.HCM đến Bình Dương, Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu đề xuất cân đối nguồn vốn phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương triển khai thực hiện”, báo cáo nêu rõ.
Về dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Việt Trì - Ba Vì nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32C, trên cơ sở kiến nghị của Nhà đầu tư, kết quả rà soát, đánh giá của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải cũng kiến nghị Chính phủ cho phép chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn và bố trí vốn ngân sách nhà nước khoảng 1.422 tỷ đồng để thanh toán cho nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án.