18:16 01/12/2022

Đề xuất tăng vốn bảo trì đường bộ năm 2023 lên gần 12.000 tỷ đồng

Anh Tú

Năm 2023, Cục Đường bộ Việt Nam trình Bộ Giao thông vận tải kế hoạch bảo trì với kinh phí 11.829 tỷ đồng, cao hơn mức gần 10.500 tỷ đồng được giao năm nay...

Đến ngày 15/11, vốn bảo trì đường bộ đã giải ngân 8.102 tỷ đồng, đạt 77%. Vốn bảo trì hàng năm mới đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu thực tế.
Đến ngày 15/11, vốn bảo trì đường bộ đã giải ngân 8.102 tỷ đồng, đạt 77%. Vốn bảo trì hàng năm mới đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu thực tế.

Báo cáo của Cục Đường bộ Việt Nam tại hội nghị giao ban kiểm điểm tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác tháng 11 triển khai nhiệm vụ tháng 12 cho thấy nhiều nhiệm vụ đang trên tiến độ về đích.

Về kế hoạch bảo trì đường bộ 2022, đến ngày 15/11, giá trị đã nghiệm thu hoàn thành là 9.031 tỷ đồng, đạt 86%; kinh phí đã giải ngân là 8.102 tỷ đồng, đạt 77%.

Cục đã thực hiện điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh tiến độ công trình các dự án sửa chữa định kỳ; chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án sửa chữa định kỳ năm 2022, tăng cường công tác quản lý chất lượng, tiến độ đảm bảo tiến độ giải ngân theo kế hoạch, phấn đấu đến 31/12/2022 hoàn thành 100% giải ngân vốn bảo trì.

Cục Đường bộ cho biết đã xây dựng kế hoạch bảo trì năm 2023 và trình Bộ Giao thông vận tải với kinh phí 11.829 tỷ đồng.

Về xây dựng cơ bản, Cục tập trung đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư 3 dự án chưa được phê duyệt dự án đầu tư, gồm 2 dự án đầu tư xây dựng và 1 dự án hệ thống công nghệ thông tin có tổng mức đầu tư dự kiến 15.061 tỷ đồng.

Về công tác quản lý vận tải, phương tiện, người lái, Cục Đường bộ phối hợp với Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) kết nối, tích hợp cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tổ chức tập huấn, triển khai mở rộng dịch vụ công mức độ 4 đổi giấy phép lái xe trên cổng dịch vụ công quốc gia trên phạm vi toàn quốc.

 

Đồng thời, "trình và quyết liệt theo sát Bộ Giao thông vận tải để hoàn thành phê duyệt bổ sung kế hoạch bảo trì năm 2023, giao dự toán chi năm 2023; hoàn thành rà soát, đề xuất công trình bổ sung năm 2023 để sử dụng hiệu quả nguồn vốn bảo trì", Cục Đường bộ cho hay.

Về phòng, chống thiên tai, Cục đã ban hành 2 công điện chỉ đạo các Khu Quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Đồng thời, ban hành 27 lệnh xây dựng công trình khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông bước 1 với kinh phí khoảng 35 tỷ đồng.

Ngoài ra, Cục Đường bộ tổ chức họp đàm phán, rà soát phương án tài chính của các hợp đồng BOT, để dừng thu phí đúng thời hạn. Ngày 23/11/2022, Cục Đường bộ có Công văn số 1246/CĐBVN-TC gửi nhà đầu tư Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (BVEC) yêu cầu giải quyết các nội dung tồn tại và dự kiến tạm dừng thu phí dự án BOT Quốc lộ 51 qua Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu từ ngày 17/12 tới đây.

Trong tháng 12/2022, Cục Đường bộ Việt Nam đặt mục tiêu hoàn thành nhiều nhiệm vụ trọng tâm.

Theo dõi, Cục Đường bộ sẽ chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công và vốn sự nghiệp kinh tế đường bộ năm 2022.

Quyết liệt chỉ đạo các Khu Quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải tăng cường công tác công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác hệ thống quốc lộ, cầu, hầm, phà bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt phục vụ tốt nhu cầu vận tải, nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết Dương Lịch, Tết Nguyên Đán và mùa Lễ hội Xuân Quý Mão.

Cùng với đó, tập trung đôn đốc các Ban Quản lý dự án hoàn thành phê duyệt dự án đầu tư, chủ trương đầu tư 3 dự án trước ngày 31/12/2022.

Cục Đường bộ cũng chỉ đạo xử lý kịp thời các bất cập phát sinh trong quá trình vận hành hệ thống thu phí điện tử tự động không dừng; kiểm tra, xác nhận thông số tài chính hợp đồng dự án BOT; họp đàm phán, rà soát phương án tài chính của các hợp đồng BOT, để dừng thu phí dự án BOT Quốc lộ 51 đúng thời hạn.

Ngoài ra, đơn vị sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành...