Đề xuất tăng vốn điều lệ cho VEC lên hơn 38 nghìn tỷ đồng
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề xuất nâng vốn điều lệ cho Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) lên hơn 38.000 tỷ đồng, từ mức 1.100 tỷ đồng ở hiện tại…
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa có văn bản trình Chính phủ phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024-2026 cho VEC để tăng cường năng lực tài chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các dự án lớn.
Theo kế hoạch sản xuất và đầu tư năm 2025 cũng như chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2035, VEC sẽ cân đối từ nguồn vốn chủ sở hữu thay thế nguồn vốn đầu tư công hiện nay để thực hiện nhiều dự án đường bộ cao tốc.
KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT KINH DOANH CỦA VEC
Trong đó, một số dự án nổi bật như tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành với số vốn hơn 7.547 tỷ đồng; đầu tư mở rộng đoạn cao tốc TP.HCM – Long Thành thuộc dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với tổng mức đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng; mở rộng đoạn Yên Bái - Lào Cai, thuộc dự án đường bộ cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng…
Về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong giai đoạn 2021-2023, tổng doanh thu của VEC đạt 20.556,76 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu thuần đạt 12.012,16 tỷ đồng, doanh thu hoạt động tài chính đạt 5.292,64 tỷ đồng, doanh thu khác đạt 3.251,95 tỷ đồng; tổng lợi nhuận trước thuế đạt 3.469,73 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước đạt 2.015,10 tỷ đồng và xếp loại doanh nghiệp trong giai doạn này đạt loại A. Như vậy, kết quả sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ và cấu trúc tài chính của VEC chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, vốn điều lệ rất thấp tác động tiêu cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của doanh nghiệp, trọng yếu đến việc tiêp cận tín dụng từ các tố chức tín dụng và định chế tài chính.
Vốn điều lệ là tài sản đảm bảo để một doanh nghiệp có thể huy động vốn cho các dự án của mình. Với vốn điều lệ hiện chỉ 1.115 tỷ đồng, theo quy định pháp luật hiện hành, VEC rất khó huy động ngân hàng cũng như khó phát hành trái phiếu công trình để đầu tư dự án đường bộ cao tốc có tổng mức đầu tư lớn.
Vốn điều lệ thấp khiến VEC không thể bảo đảm thực hiện ngành, nghề kinh doanh chính là đầu tư, phát triển và quản lý, vận hành, bảo trì hệ thống đường bộ cao tốc quốc gia.
Vì vậy, từ đề xuất của VEC, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho VEC giai đoạn 2024 - 2026 là 38.251 tỉ đồng.
VEC SẼ ĐƯỢC TĂNG VỐN NHƯ THẾ NÀO
Về phương án bổ sung vốn của VEC, mức vốn điều lệ phê duyệt gần nhất trước thời điểm xác định lại của công ty là 1.115 tỷ đồng theo Quyết định số 396/QD-UBQLV ngày 8/8/2023 của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Căn cứ theo Nghị định số 91/2015/NĐ-CĐ, VEC xác định mức và nguồn vốn đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024-2026 cụ thể như sau:
Thứ nhất, mức điều chỉnh đầu tư bổ sung vốn điều lệ được xác định từ Quỹ đầu tư phát triển tại doanh nghiệp (chiếm 30% lợi nhuận sau thuế). Trong Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 và Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển đến hết năm 2025 của VEC, nguồn vốn từ Quỹ đầu tư phát triển cân đối trong giai đoạn 2024-2026 là 1.562 tỷ đồng.
Theo Luật Phí và lệ phí năm 2015, phí sử dụng đường bộ chuyển sang giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh kể từ ngày 1/1/2017. Theo Luật Giá năm 2023, giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh, do trung ương quản lý và do Bộ Giao thông Vận tải định giá tối đa.
Như vậy, các khoản thu sử dụng đường bộ cao tốc do VEC đầu tư, khai thác thực hiện theo cơ chế giá dịch vụ. Quỹ đầu tư phát triển cũng sẽ được trích lập theo đúng quy luật của pháp luật.
Thứ hai, mức điều chỉnh vốn bổ sung xác định từ mức chênh lệch dự kiến tăng doanh thu của hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo các quy định của pháp luật, mức điều chỉnh tăng vốn điều lệ tối đa bằng 30% của mức chênh lệch dự kiến tăng doanh thu của hoạt động sản xuất, kinh doanh năm thứ ba tiếp theo (năm 2026) so với doanh thu thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh ghi trong Báo cáo tài chính của doanh nghiệp đã được kiểm toán của năm trước liền kề năm xác định điều chỉnh vốn điều lệ (năm 2023).
Dự kiến kế hoạch doanh thu năm 2026 của VEC là 6.463 tỷ đồng trong khi doanh thu năm 2023 là 4.768, do đó mức chênh lệch là 1.677 tỷ đồng. Mức điều chỉnh vốn điều lệ tối đa bằng 30% mức chênh lệch này tương ứng với 503 tỷ đồng. Tuy nhiên, VEC không đề xuất tăng vốn điều lệ từ nguồn dự kiến tăng doanh thu.
Thứ ba, mức điều chỉnh bổ sung vốn điều lệ từ ngân sách nhà nước. Mặc dù pháp luật về Đầu tư công chưa có nội dung quy định việc bố trí vốn cho các dự án và chuyển thành cấp vốn điệu lệ cho các doanh nghiệp nhà nước, nhưng Quốc hội đã có chủ trương tăng vốn điều lệ cho VEC trên cơ sở nguồn vốn vay từ năm 2022. Do đó, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 63/2022/QH15, giá trị 24.127 tỷ đồng được ghi nhận tại nguồn vốn vay được chuyển thành nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp phát.
Căn cứ chủ trương của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, VEC xác định giá trị 36.689 tỷ đồng tương ứng với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, cụ thể gồm:
(i) 10.062 tỷ đồng vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước đã được giải ngân và đưa vào kế hoạch vốn từ năm 2008 đến hết năm 2018;
(ii) 24.127 tỷ đồng vồn ODA tại các dự án đang thực hiện theo hình thức chuyển vốn vay về cho vay lại thành cấp phát ngân sách nhà nước;
(iii) 2.500 tỷ đồng vốn cấp phát từ ngân sách nhà nước cho dự án Nội Bài-Lào Cai, Cầu Giẽ-Ninh Bình được giải ngân giai đoạn 2009-2012.
Như vậy, nguồn vốn đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho VEC (36.689 tỷ đồng) là nguồn ngân sách nhà nước đã giải ngân để đầu tư xây dựng 5 dự án đường bộ cao tốc do VEC làm chủ đầu tư, đúng theo quy định pháp luật.
Như vậy, so với mức vốn điều lệ đã được phê duyệt trước thời điểm xác định lại (năm 2024), VEC tính toán mức tăng đầu tư bổ sung vốn điều lệ trong giai đoạn 2024-2026 là 38.754 tỷ đồng. Tuy nhiên, VEC đề xuất mức vốn điều lệ giai đoạn 2024 - 2026 không bao gồm 503 tỷ đồng xác định từ mức chênh lệch dự kiến tăng doanh thu của hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, mức tăng đầu tư bổ sung vốn điều lệ của VEC trong giai đoạn 2024 -2026 là: 38.251 tỷ đồng; kết hợp với vốn điều lệ hiện có của VEC là 1.115 tỷ đồng.
Vậy nên, mức vốn điều lệ xác định lại giai đoạn 2024 – 2026 là 39.366 tỷ đồng.