15:46 07/04/2022

Đến lượt cổ phiếu ngân hàng đổ sập, VN-Index bốc hơi gần 21 điểm

Kim Phong

VIC và VHM không phải là hai cổ phiếu tạo sức ép lên VN-Index chiều nay, thậm chí còn có yếu tố nâng đỡ. VCB cùng nhiều cổ phiếu ngân hàng mới là những mã yếu đi đáng kể so với phiên sáng. Đặc biệt VCB bị ép giá đột biến...

VN-Index lao dốc do mất hết các trụ.
VN-Index lao dốc do mất hết các trụ.

VIC và VHM không phải là hai cổ phiếu tạo sức ép lên VN-Index chiều nay, thậm chí còn có yếu tố nâng đỡ. VCB cùng nhiều cổ phiếu ngân hàng mới là những mã yếu đi đáng kể so với phiên sáng. Đặc biệt VCB bị ép giá đột biến.

VCB chốt phiên sáng không quá yếu, chỉ giảm nhẹ 0,24% so với tham chiếu. Thậm chí nửa đầu phiên chiều cổ phiếu này còn nhích giá lên, quay trở lại tham chiếu lúc 1h30. Nửa còn lại của phiên, lực bán tăng vọt.

VCB lao dốc rất nhanh do lực bán tăng. Đến cuối đợt khớp lệnh liên tục giá đã tụt về 83.600 đồng, tức là giảm 1,2% so với tham chiếu. Đợt ATC cầu quá kém nên chỉ với 41.600 cổ bán ra, giá đã tụt tiếp xuống 83.000 đồng, chốt giảm tổng cộng 1,89% so với tham chiếu.

Mức giảm này của VCB cũng chưa phải là quá mạnh, nhưng vì vốn hóa lớn nhất thị trường nên mã này lấy đi tới gần 2 điểm của VN-Index. Hàng loạt cổ phiếu ngân hàng chiều nay cũng suy yếu nghiêm trọng so với phiên sáng. Tiêu biểu là BID bốc hơi 1,71% so với giá cuối phiên sáng, giảm tổng cộng 1,03% so với tham chiếu; VPB giảm 1,85%, chốt giảm 0,38% so với tham chiếu; TCB giảm 1%, chốt giảm 1,02%; STB từ tham chiếu thành giảm 1,39%...

Trong nhóm VN30, chỉ còn duy nhất 2 mã ngân hàng đóng cửa trên tham chiếu là ACB tăng 1,2% và MBB tăng 1,05%. Ngay cả hai cổ phiếu còn khỏe này thì giá cũng tụt xuống so với phiên sáng. Trong toàn bộ 27 mã ngân hàng ở các sàn, chỉ 6 mã còn xanh hôm nay, 17 mã giảm với 11 mã rơi trên 1%. Hai cổ phiếu ngân hàng giảm sâu nhất là KLB giảm 3,84%, SHB giảm 3,28%.

Đa số cổ phiếu nhóm tài chính hôm nay giảm mạnh.
Đa số cổ phiếu nhóm tài chính hôm nay giảm mạnh.

Một loạt blue-chips khác chiều nay cũng sụt giảm đáng kể: VRE giảm thêm 1,66%, đóng cửa dưới tham chiếu 2,83%; BVH giảm thêm 2,12%, chốt giảm 1,23%; GVR giảm thêm 1,63%, chốt giảm 1,89%; MSN giảm thêm 1,62%, chốt giảm 1,82%...

Chỉ có 6/30 mã của rổ blue-chips có phục hồi giá trong buổi chiều. Duy nhất 2 trụ là cải thiện đáng kể: VIC lấy lại được 2,19% so với giá cuối phiên sáng, thu hẹp mức giảm còn 1,24%. GAS hồi lên 0,71%, chốt còn giảm 0,79%. Như vậy VIC tuy đứng trong nhóm khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất nhưng thực tế lại cố gắng cân bằng cho chỉ số buổi chiều. VHM cũng vậy, không suy giảm so với giá chốt buổi sáng. Chỉ số lao dốc sâu hơn chiều nay là do ảnh hưởng của số lớn cổ phiếu khác, trong đó có sức nặng từ nhóm ngân hàng.

VN-Index chốt phiên sáng giảm 0,71% tương đương 10,81 điểm, đóng cửa giảm 0,97% tương đương 1,35% so với tham chiếu. VN30 cũng từ mức giảm 0,27% lao dốc mạnh thành giảm 0,97%. Đồng loạt các chỉ số khác cũng giảm sâu hơn, Midcap giảm 1,76%, Smallcap giảm 1,82%.

Độ rộng sàn HoSE cuối phiên sáng có 109 mã tăng/350 mã giảm nhưng kết phiên chỉ còn 89 mã tăng/372 mã giảm. Số mã sàn tăng lên 14, số mã giảm trên 2% tăng lên 140. Có thể thấy toàn bộ mặt bằng giá cổ phiếu đều thấp xuống trong buổi chiều, xác nhận áp lực điều chỉnh trên diện rộng chứ không phải do ép trụ.

Rổ VN30 buổi chiều cũng chỉ còn sót lại 6 mã tăng trong khi tới 23 mã giảm. ACB tăng 1,2%, FPT tăng 0,27%, KDH tăng 0,2%, MBB tăng 1,05%, PLX tăng 1,07% và POW tăng 1,52%. Không mã nào trong số này đủ lớn về vốn hóa để nằm trong Top 10. Nói tóm lại chiều nay VN-Index thất bại về khả năng giữ nhịp của blue-chips.

Dòng tiền buổi chiều khá yếu, hai sàn khớp lệnh thêm gần 10.268 tỷ đồng nữa, chỉ bằng xấp xỉ 58% buổi sáng. Tổng khớp sàn HoSE cả phiên giảm 12% so với hôm qua, đạt 25.314 tỷ đồng. Bất ngờ là cổ phiếu ngân hàng không giảm thanh khoản mà còn tăng nhẹ so với hôm qua. Điều đó nghĩa là phần giảm giao dịch đến từ các nhóm cổ phiếu khác.

Khối ngoại phiên chiều cũng vẫn bán ra khá mạnh, khoảng 183 tỷ đồng nữa, nâng tổng giá trị bán trên HoSE cả phiên lên 526,5 tỷ đồng. VHM bị bán ròng lớn nhất với 87,7 tỷ, HPG -85,3 tỷ, STB -72,4 tỷ và PVD -66,1 tỷ.