10:16 30/01/2007

Dệt may trước nguy cơ bị kiện phá giá tại Mỹ

Quang Vang

Sau khi Việt Nam chính thức vào WTO, hàng dệt may của Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ không còn bị hạn chế về hạn ngạch nữa

Có nhiều khả năng sản phẩm dệt may và quần áo bị kiểm tra gồm: quần tây, áo sơ-mi, đồ lót, đồ bơi và áo len - Ảnh: Việt Tuấn.
Có nhiều khả năng sản phẩm dệt may và quần áo bị kiểm tra gồm: quần tây, áo sơ-mi, đồ lót, đồ bơi và áo len - Ảnh: Việt Tuấn.

Sau khi Việt Nam chính thức vào WTO, hàng dệt may của Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ không còn bị hạn chế về hạn ngạch nữa.

Tuy nhiên, theo Luật sư Douglas J.Heffner, Công ty luật Hunton&William (HW), dưới áp lực của các nhà sản xuất dệt may Hoa Kỳ, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) có khả năng áp đặt cơ chế giám sát hàng dệt may nhập khẩu từ Việt Nam và đưa ra các biện pháp chống bán phá giá.

Đây là một nguy cơ lớn, buộc các cơ quan Nhà nước, ngành và doanh nghiệp phải quan tâm nghiên cứu, tích cực chuẩn bị để sẵn sàng đối phó, nhằm tránh thiệt hại cho doanh nghiệp.

Vẫn theo ông Douglas J.Heffner, DOC sẽ theo dõi dữ liệu nhập khẩu, thu nhập dữ liệu liên quan đến sản xuất từ ngành dệt may của Hoa Kỳ và kiểm tra 6 tháng một lần để xác định liệu có cần thiết tiến hành một hay nhiều vụ kiện về phá giá hay không và sẽ tiếp tục theo dõi tình hình nhập khẩu sản phẩm dệt may và quần áo của Việt Nam đến năm 2008.

Có nhiều khả năng sản phẩm dệt may và quần áo bị kiểm tra gồm: quần tây, áo sơ-mi, đồ lót, đồ bơi và áo len. Thông thường, Hoa Kỳ sẽ chọn các nhà sản xuất, xuất khẩu lớn vào nước này để điều tra; đồng thời sẽ chọn một quốc gia có điều kiện sản xuất tương đương Việt Nam (như Bangladesh), để so sánh đối chiếu.

Sơ lược về điều tra chống phá giá

Thông thường DOC bắt đầu căn cứ vào đơn kiện của một nhà sản xuất, một nhóm các nhà sản xuất, hoặc một liên đoàn lao động Hoa Kỳ để tiến hành điều tra. Cá biệt, DOC có thể tự tiến hành điều tra. Sau khi vụ kiện được bắt đầu, điều tra chống phá giá sẽ bao gồm bốn giai đoạn: xác định sơ bộ về thiệt hại; xác định sơ bộ về bán phá giá; quyết định cuối cùng về bán phá giá; quyết định cuối cùng về thiệt hại.

Theo các quy định về thời gian, Uỷ ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) sẽ đưa ra quyết sơ bộ (45 ngày sau khi nhận được đơn kiện), quyết định cuối cùng (sau 280 ngày) và DOC ban hành lệnh áp dụng thuế chống phá giá (sau 287, hoặc 397 ngày nếu được gia hạn).

Nội dung ITC sẽ kiểm tra khi điều tra chống bán phá giá gồm: hàng nhập khẩu từ Việt Nam có làm cho nền công nghiệp Hoa Kỳ thiệt hại nghiêm trọng hoặc có nguy cơ thiệt hại nghiêm trọng? DOC sẽ đưa ra bảng câu hỏi (rất dài và chi tiết) cho các công ty được chọn (“bị đơn”) để trả lời với các nội dung: thông tin về tổ chức, phạm vi quản lý của Chính phủ đối với hoạt động xuất khẩu, nghiệp vụ kế toán, hoạt động kinh doanh và thông tin chung về doanh số bán hàng; thông tin về doanh số của hàng hoá đó tại Hoa Kỳ; các yếu tố sản xuất.

Thời hạn trả lời thông thường là 30 ngày, kể từ ngày DOC đưa ra bảng câu hỏi (có thể gia hạn thêm hai tuần).

Theo quy định của Luật Chống phá giá của Hoa Kỳ, tất cả các nhà sản xuất hoặc nhà xuất khẩu sẽ phải trả lời các câu hỏi của DOC đưa ra. Tuy nhiên, do nguồn lực giới hạn, Luật chống phá giá cho phép DOC giới hạn số bị đơn theo một trong hai cách: lựa chọn các nhẩn xuất lớn nhất (thường sẽ tìm cách điều tra các nhà sản xuất chiếm ít 60% lượng hàng xuất khẩu vào Hoa Kỳ); chọn nhóm mẫu (bao gồm các nhà xuất khẩu, nhà sản xuất hoặc các mặt hàng có giá trị thống kê mà DOC có được).

Phương pháp tính biên độ phá giá của nền kinh tế phi thị trường (của Việt Nam-theo Hoa Kỳ) được DOC tiến hành qua 9 bước: tính giá ròng cho mỗi đợt bán hàng; tính bình quân; tính giá trị thông thường; tính biên độ trên mỗi đơn vị nhân biên độ trên mỗi đơn vị; cộng tất cả các biên độ phá giá; chia tổng biên độ phá giá cho các đợt bán hàng; xác định biên độ chung có lớn hơn 2% hay không, nếu lớn hơn thì kết luận có bán phá giá; nếu biên độ phá giá chung nhỏ hơn 2% thì kết thúc điều tra.

Luật sư Edmund Sim, HW cho biết, rủi ro đối với các nhà sản xuất được DOC điều tra thể hiện trên các mặt: thuế chống phá giá bổ sung sẽ được áp dụng đối với việc bán hàng vào Hoa Kỳ; mặc dù nhà nhập khẩu nộp thuế chống phá giá, nhưng bên nhập khẩu sẽ gặp rủi ro dài hạn; tổn thất kinh doanh đối với các nhà sản xuất bị áp mức biên độ chống phá giá cao nhất (mức cụ thể tuỳ theo nhóm A, B, C, có thể từ 5 - 12%).

Chống lại cáo buộc bán phá giá

Để thực hiện chống lại các cáo buộc bán phá giá của DOC, theo ông Douglas J.Heffner, các doanh nghiệp Việt Nam cần thực hiện theo hai giai đoạn: kiểm tra ngăn chặn chống phá giá và thiết lập hệ thống kiểm soát chống phá giá.

Giai đoạn kiểm tra ngăn chặn nhằm cung cấp ước tính biên độ phá giá có thể có; đề ra các chiến lược kịp thời để giảm hoặc giảm thiểu biên độ phá giá. Thông qua các luật sư chuyên ngành, phương pháp giảm thiểu biên độ được dựa vào các yếu tố như mua đầu vào từ các nền kinh tế thị trường, thay đổi quốc gia xuất xứ, sử dụng các nhà máy mới hiệu quả, hợp tác với các nhà cung cấp, cước phí vận tải đường biển - đường bộ, diễn giải sai lệch về tài khoản, đặc điểm về sản phẩm của DOC.

Luật sư Edmund Sim lưu ý việc minh bạch và lưu giữ đầy đủ các chứng từ phù hợp là yếu tố tối cần thiết để minh chứng cho sự “trong sạch” của các doanh nghiệp Việt Nam đối với các nhà điều tra đến từ Hoa Kỳ. Việc không giữ lại các chứng từ phù hợp thường dẫn đến việc doanh nghiệp đó bị áp mức biên độ phá giá cao, thậm chí bị áp mức biên độ cấm bán phá giá.

Các doanh nghiệp Việt Nam thường không cụ thể hóa các con số thống kê, chẳng hạn như để đóng gói một kiện hàng phải mất thời gian bao lâu, chi phí nhân công đóng gói lẫn vật tư là bao nhiêu..., vì vậy sẽ khó thuyết phục các nhà điều tra về những chi phí, giá thành mà mình đưa ra và hậu quả là thường phải gánh chịu thiệt thòi.

Để kiểm soát, giảm thiểu rủi ro về biên độ bán phá giá, các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành may mặc nên nhập khẩu nguyên liệu từ các nước được công nhận có nền kinh tế thị trường; đồng thời có thể sử dụng các loại thùng đóng gói hàng bằng carton thay cho các chất liệu khác và sẽ làm giảm giá thành.