13:59 26/08/2024

Di sản “khổng lồ” của Tổng thống Biden về khí hậu và năng lượng

Bảo Huy

Tổng thống thứ 46 của Mỹ đã hành động nhiều hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào để ủng hộ năng lượng sạch, giúp Mỹ cắt giảm khí thải theo tốc độ mà biến đổi khí hậu toàn cầu đòi hỏi…

Di sản của Tổng thống Biden về biến đổi khí hậu đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ khi ông dừng cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vào cuối năm nay.
Di sản của Tổng thống Biden về biến đổi khí hậu đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ khi ông dừng cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vào cuối năm nay.

"Tổng thống Biden sẽ rời nhiệm sở với thành tích về khí hậu mạnh mẽ nhất trong số các tổng thống Mỹ.

Chính quyền Hoa Kỳ đương nhiệm đã thực hiện khoản đầu tư lớn nhất từ ​​trước đến nay vào năng lượng sạch, ban hành nhiều quy định giảm ô nhiễm từ ô tô và nhà máy điện, củng cố khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng năng lượng sạch và khẳng định lại vị thế dẫn đầu toàn cầu về khí hậu của Mỹ", Jason Bordoff, giám đốc sáng lập Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia (Mỹ), viết trên mạng xã hội X.

DẪN ĐẦU THẾ GIỚI VỀ ĐẦU TƯ, SẢN XUẤT NĂNG LƯỢNG SẠCH

Ngày 20/1/2021 - ngày đầu tiên nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra tín hiệu về ý định đặt vấn đề biến đổi khí hậu thành một ưu tiên hàng đầu. Ông đã để Mỹ tái gia nhập Thỏa thuận Paris sau khi người tiền nhiệm Donald Trump rút khỏi vào năm 2017.

Đây là một khởi đầu phát đi tín hiệu tích cực. Giờ đây, ông Biden tuyên bố sẽ rút khỏi cuộc đua tổng thống năm 2024 sau nhiều tuần chịu áp lực từ các cử tri và nhà lập pháp Dân chủ.

Không có tổng thống Mỹ nào trong lịch sử đạt được nhiều thành tựu như ông Biden trong việc thay đổi chính sách liên bang để ủng hộ việc cắt giảm khí thải nhà kính. 

Đạo luật Giảm lạm phát (Inflation Reduction Act), được thông qua vào năm 2022, là luật về khí hậu quan trọng nhất trong lịch sử Mỹ. Đạo luật chi tới hơn 1 nghìn tỷ đô la tín dụng thuế liên bang và hàng chục tỷ đô la tiền tài trợ và ưu đãi để sản xuất và triển khai từ năng lượng mặt trời và năng lượng gió đến các công nghệ khử cacbon trong công nghiệp.

Hầu hết các ưu đãi này sẽ được duy trì trong một thập kỷ sau khi luật được thông qua, mang lại cho các nhà phát triển, nhà đầu tư và nhà sản xuất năng lượng sạch của Mỹ mức độ chắc chắn lâu dài vốn rất thiếu trong các chính sách tín dụng thuế của những thập kỷ trước.

Chỉ riêng luật này đã mang lại kết quả nhanh chóng và đáng kinh ngạc. Hơn 100 tỷ USD đầu tư tư nhân đã được cam kết để xây dựng các nhà máy tại Mỹ sản xuất mọi thứ, từ tấm pin mặt trời đến pin EV.

Hơn 90.000 việc làm đã được tạo ra trong quá trình này, hầu hết là ở các tiểu bang do Đảng Cộng hòa lãnh đạo. Các cơ sở năng lượng sạch đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục. Lượng khí thải của ngành điện đang có dấu hiệu giảm.

"Nhờ có Joe Biden, nước Mỹ đã nắm bắt được cơ hội ngàn năm có một để dẫn đầu trong việc triển khai, đổi mới và sản xuất năng lượng sạch, mang lại nguồn năng lượng vô cùng cần thiết và tiết kiệm chi phí cho người tiêu dùng và doanh nghiệp vào thời điểm nhu cầu năng lượng đang tăng nhanh chóng". Alex McDonough từ tổ chức phi lợi nhuận về năng lượng sạch CE4A Action, cho biết trong một tuyên bố.

Ngoài IRA, Luật cơ sở hạ tầng thông qua vào năm 2021 với sự đồng thuận lưỡng đảng đã chuyển hàng tỷ đô la vào việc triển khai bộ sạc EV và dành 5 tỷ USD cho xe buýt trường học chạy bằng điện sạch. Luật này cũng thiết lập các ​trung tâm quy mô lớn nhằm mục đích khởi động các công nghệ khí hậu giai đoạn đầu như loại bỏ carbon và thúc đẩy hydro sạch.

THIẾT LẬP CHÍNH SÁCH CÂY GẬY CHO NĂNG LƯỢNG HÓA THẠCH

Ngoài những "củ cà rốt" trong chính sách khí hậu và năng lượng, chính quyền Tổng thống Biden cũng đã mở ra một hướng đi mới khi áp đặt những "cây gậy" mà các chuyên gia về khí hậu cho là cần thiết để hạn chế việc khai thác và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch làm nóng hành tinh một cách mất kiểm soát.

Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) đã đi đầu trong lĩnh vực này với việc hoàn thiện các quy định nhằm hạn chế khí thải mê-tan từ các hoạt động dầu khí, nhắm vào một loại khí nhà kính có tác động đáng kể đến tình trạng nóng lên toàn cầu trong ngắn hạn.

Tổng thống Biden phát biểu về biến đổi khí hậu và năng lượng sạch tại Lucy Evans Baylands Nature Interpretive Center and Preserve ở bang California vào ngày 19/6/2023.
Tổng thống Biden phát biểu về biến đổi khí hậu và năng lượng sạch tại Lucy Evans Baylands Nature Interpretive Center and Preserve ở bang California vào ngày 19/6/2023.

EPA đã cải tổ quy định về nhà máy điện sạch của chính quyền Obama, trước đó đã bị Tòa án Tối cao Mỹ bác bỏ, nhằm cắt giảm khí thải từ các nhà máy điện vào giữa những năm 2030, tạo nền tảng cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch đang diễn ra.

Cơ quan EPA dưới thời Biden cũng đã đặt ra các tiêu chuẩn khí thải cho xe cộ để thúc đẩy mục tiêu là một nửa trong số tất cả các loại xe hạng nhẹ được bán tại Mỹ phải là xe điện hoặc xe hybrid sạc điện vào năm 2030. Cơ quan này đã ban hành các tiêu chuẩn mới nghiêm ngặt về khí thải của xe hạng nặng ngay sau đó.

Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Biden cũng ban hành chính sách năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng thông qua Sáng kiến ​​Justice40. Theo đó ít nhất 40% lợi ích từ các khoản đầu tư năng lượng sạch của liên bang này phải dành cho các cộng đồng thiệt thòi đang chịu gánh nặng ô nhiễm.

Hàng chục tỷ đô la đang chảy vào các cộng đồng này để làm cho các tấm pin mặt trời có giá cả phải chăng hơn, cải thiện hiệu quả năng lượng và khắc phục tác hại đối với môi trường do ô nhiễm công nghiệp và nhiên liệu hóa thạch gây ra.

Nhờ những thành tựu về năng lượng sạch của Biden, Mỹ có vị thế tốt hơn nhiều để đáp ứng các cam kết về khí hậu của Thỏa thuận Paris, mặc dù vẫn chưa đạt được.

Ngoài ra, trước đó chính quyền Biden đã thúc đẩy đối thoại khí hậu giữa Mỹ và Trung Quốc - 2 nước phát thải carbon lớn nhất thế giới

Theo đó, từ cuối năm 2021 sau 30 lần gặp gỡ, hai đặc phái viên khí hậu của 2 nước đã đạt được bước đột phá trong Hội nghị COP Glasgow. Nếu trước đó Trung Quốc đã cam kết sẽ bắt đầu giảm lượng than sử dụng trong giai đoạn kế hoạch 5 năm lần thứ 15 (2026-2030) thì tại Glasgow, quốc gia tỷ dân đã đồng ý sẽ "nỗ lực hết sức" để giảm lượng than sử dụng sớm hơn. Cả hai nước sẽ cùng nhau làm việc để giảm lượng khí thải mê-tan trong thập kỷ này, theo Foreign Policy.

DI SẢN ĐỨNG  NGUY CƠ BỊ XÓA SỔ

Những di sản nói trên đang bị đe dọa trong cuộc bầu cử sắp tới. Cựu Tổng thống Donald Trump, ứng cử viên Đảng Cộng hòa, được dự đoán sẽ đảo ngược các quy định của chính quyền Biden về tiêu chuẩn khí thải dầu khí, phương tiện và nhà máy điện, đồng thời thúc đẩy nhiên liệu hóa thạch trở thành nguồn năng lượng chính của đất nước.

Dự án 2025, nền tảng chính sách có sự tham gia của một số cựu quan chức chính quyền Trump, đã vạch ra kế hoạch bãi bỏ IRA, đảo ngược quy định của EPA về khí thải carbon như một chất gây ô nhiễm. Dự án 2025 cũng có kế hoạch xóa bỏ nhiều cơ quan liên bang hỗ trợ công nghệ năng lượng sạch và khí hậu, bao gồm các văn phòng của Bộ Năng lượng – nơi đã chỉ đạo chi hàng tỷ đô la để xây dựng lưới điện sạch hơn và bền vững hơn.

Ngược lại, Phó Tổng thống Kamala Harris, ứng cử viên Dân chủ, được cho là có thành tích tốt về khí hậu. Bà đã đề xuất một kế hoạch khí hậu trị giá 10 nghìn tỷ USD trong quá trình tranh cử đề cử của đảng Dân chủ vào năm 2020 và là người ủng hộ Thỏa thuận Xanh Mới (Green New Deal) - một chương trình nghị sự lập pháp, chương trình này đã phải chùn bước trước sự phản đối của đảng Cộng hòa.

Mặc dầu vậy, bất kể kết quả bầu cử tháng 11 sắp tới như thế nào, các phần cốt lõi trong “di sản” khí hậu của Biden vẫn sẽ dễ bị thách thức về mặt pháp lý. Phần lớn các thẩm phán bảo thủ của Tòa án Tối cao, bao gồm ba thẩm phán do cựu Tổng thống Trump bổ nhiệm, đã ban hành một loạt các phán quyết làm suy yếu khả năng của các cơ quan liên bang trong việc quản lý khí thải nhà kính.