Điểm mới tuyển sinh của trường đại học kinh tế, ngân hàng, kiến trúc
Do kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 áp dụng theo chương trình mới, nhiều trường đại học đã điều chỉnh tổ hợp xét tuyển, mở mới các ngành học...

Theo thông tin từ Đại học Kinh tế TP.HCM, năm 2025, nhà trường dự kiến tuyển sinh 7.980 chỉ tiêu (tăng 80 chỉ tiêu so với năm 2024), tương ứng 59 lựa chọn chương trình học tại TP.HCM và 600 chỉ tiêu, 15 chương trình học tại Vĩnh Long.
Đại học Kinh tế TP.HCM sẽ xét tuyển theo 5 phương thức, dành 40-50% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển thí sinh có kết quả học tập. Trường sử dụng 6 tổ hợp môn xét tuyển, tập trung vào nhóm học sinh có thành tích học tập giỏi, xuất sắc, sở hữu chứng chỉ tiếng Anh hoặc giải thưởng học sinh giỏi tỉnh, thành phố.
Đáng chú ý, ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025, trường này không đưa các môn học mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 vào xét tuyển là Tin học, Công nghệ, Giáo dục kinh tế và pháp luật.
Các phương thức khác gồm xét tuyển thẳng (1%); xét tuyển thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT của nước ngoài và có chứng chỉ quốc tế (2%); xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM, kết quả kỳ thi V-SAT (chỉ áp dụng cho cơ sở tại tỉnh Vĩnh Long và do Trường Đại học Cần Thơ tổ chức thi năm 2025) kết hợp với trình độ tiếng Anh quốc tế, chỉ tiêu 10-20%; xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT với số chỉ tiêu còn lại.
Đặc biệt, năm nay, trường mở mới 3 ngành học dẫn đầu xu thế thị trường lao động gồm: Phân tích dữ liệu (hướng kinh doanh và công nghệ), Quản trị bền vững doanh nghiệp và môi trường; Chương trình Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành Tài chính – Ngân hàng.
Nhà trường cũng đẩy mạnh đào tạo các ngành học lĩnh vực STEM ứng dụng với 18 chương trình đào tạo được thiết kế đào tạo theo định hướng đào tạo đa ngành, liên ngành, xuyên ngành: Phân tích dữ liệu; Arttech; Điều khiển thông minh và tự động hóa...
Năm nay, mức học phí không thay đổi nhiều. Cụ thể, mức học phí tín chỉ tiếng Việt từ 1.100.000 đến 1.300.000 đồng, học phí tín chỉ tiếng Anh bằng khoảng 1,4 lần tiếng Việt. Chương trình kế toán tích hợp có mức học phí tín chỉ tiếng Việt là 1.300.000 đồng/tín chỉ, học phí tín chỉ tiếng Anh là 1.900.000 đồng/tín chỉ.
Chương trình Cử nhân tài năng BBUS, Cử nhân ISB ASEAN Co-op có mức học phí tín chỉ tiếng Việt là 1.100.000 đồng/tín chỉ, học phí tín chỉ tiếng Anh là 1.900.000 đồng/tín chỉ, học phí tín chỉ Mode coop là 3.290.000 đồng/tín chỉ. Học phí tại UEH Mekong bằng 60% học phí tại TP.HCM.
Bên cạnh đó, trường cũng đưa ra nhiều chính sách học bổng nhằm thu hút thí sinh giỏi, xuất sắc.
Năm 2025, Học viện Ngân hàng dự kiến tuyển sinh hơn 3.600 chỉ tiêu dựa trên 5 phương thức xét tuyển, tăng 100 chỉ tiêu so với năm 2024.
Năm nay nhà trường tuyển sinh theo 5 phương thức: xét tuyển thẳng, xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT (20%), xét tuyển dựa trên kết quả chứng chỉ quốc tế (15%), xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực (20%), xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT (45%).
Với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT, Học viện Ngân hàng xét thí sinh có học lực giỏi năm lớp 12 và có điểm trung bình cộng 3 năm học của từng môn thuộc tổ hợp xét tuyển đạt từ 8 trở lên.
Với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả chứng chỉ quốc tế, ngoài điều kiện về học bạ như trên, thí sinh cần có một trong các chứng chỉ: SAT từ 1200 điểm trở lên, IELTS từ 6.0 trở lên, TOEFL iBT từ 72 điểm trở lên...
Với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực, học viện xét dựa vào kết quả V-SAT và điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (HSA).
Điều kiện nộp hồ sơ với V-SAT là thí sinh có tổng điểm 3 môn thuộc tổ hợp của ngành đăng ký xét tuyển đạt từ 300 trở lên. Điều kiện nộp hồ sơ xét tuyển với HAS là thí sinh có kết quả bài thi đạt từ 85 điểm trở lên.
Với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT năm 2025, thí sinh cần có tổng điểm thi THPT năm 2025 của các môn thuộc tổ hợp của ngành đăng ký xét tuyển đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng chung của Học viện. Năm 2024, ngưỡng đảm bảo chất lượng đối với phương thức xét tuyển dựa trên điểm thi THPT là 21 điểm.
Năm 2025, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội không xét tuyển sớm bằng học bạ, thay vào đó xét cùng thời gian với điểm thi tốt nghiệp THPT.
Thí sinh có thể sử dụng điểm trung bình 6 học kỳ của các môn trong tổ hợp xét tuyển để đăng ký vào các chuyên ngành như: Kỹ thuật cấp thoát nước, Kỹ thuật hạ tầng đô thị, Kỹ thuật môi trường đô thị; Công nghệ cơ điện công trình, Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông; Quản lý dự án xây dựng, Xây dựng công trình ngầm đô thị, Xây dựng dân dụng và công nghiệp; Công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng.
Trường áp dụng phương thức xét tuyển học bạ chung cho cả thí sinh tốt nghiệp năm 2025 và những năm trước đó. Điểm học bạ sẽ được nhập lên hệ thống xét tuyển chung, quy đổi về cùng thang điểm với điểm thi tốt nghiệp THPT.
Phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT áp dụng cho tất cả các ngành không có môn thi năng khiếu trong tổ hợp xét tuyển. Điểm xét tuyển được tính dựa trên tổng điểm ba môn trong tổ hợp và điểm ưu tiên (nếu có).
Do kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 áp dụng theo chương trình mới, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã điều chỉnh tổ hợp xét tuyển.
Theo đó, Môn Công nghệ được bổ sung vào tổ hợp xét tuyển các ngành: Kỹ thuật cấp thoát nước, Kỹ thuật hạ tầng đô thị, Kỹ thuật môi trường đô thị, Công nghệ cơ điện công trình, Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông… Môn Tin học được bổ sung vào tổ hợp xét tuyển các ngành: Công nghệ thông tin, Công nghệ đa phương tiện, Công nghệ game.