08:48 06/09/2010

Điểm nóng tuần qua: Vẽ đường lách...

Vinh Nguyễn

1001 cách lách bản quyền bóng đá và một chiêu được coi là "thức thời" để trốn tránh sự quản lý game online

Biến quán game thành quán cafe, một kiểu "lách luật" được cho là thức thời.
Biến quán game thành quán cafe, một kiểu "lách luật" được cho là thức thời.
Trong lúc cuộc chiến bản quyền phát sóng giải Ngoại hạng Anh giữa các đài truyền hình còn chưa ngã ngũ, thì một số tờ báo đã “nhanh chân” chỉ đường cho người hâm mộ xem bóng đá bằng con đường Internet.

Và trong khi các nhà chức trách đang đau đầu giải bài toán game online gần trường học, thì lại có báo “kể lể” về một chiêu lách “rất hay” và “thức thời” của một quán game nhiều lần vi phạm quy định quản lý.

1001 chiêu lách K+

Theo một tờ báo, không cần tốn tiền đăng ký thuê bao truyền hình có kênh K+, người hâm mộ trái bóng tròn vẫn có cơ hội thưởng thức các trận bóng đá của giải Ngoại hạng Anh, giải Vô địch quốc gia Đức, giải Vô địch quốc gia Italy... trực tiếp miễn phí trên Internet.

Tờ báo này cho biết, người dùng trình duyệt Google Chrome có thể truy cập vào địa chỉ http://chrome... để truy cập và tải về máy tính một tiện ích chuyên dùng để xem bóng đá. Với tiện ích này, người dùng có thể xem trực tiếp các trận bóng trong ngày chỉ cần vài cú nhấp chuột.

Không chỉ hướng dẫn tỉ mỉ người dùng, tờ báo còn chứng minh đã thử nghiệm tiện ích này với gói cước Internet “bèo” nhất của một nhà mạng mà chất lượng vẫn “ngon”, còn nếu gói cước khá hơn, thì chất lượng hình ảnh mượt mà như xem tivi.

Trong khi đó, một tờ báo khác giới thiệu phần mềm Readon… mà theo bài viết, thì phần mềm này có ưu điểm tuyệt vời để thưởng thức các trận đấu bóng đá tại Giải Ngoại hạng Anh như: Tự động tổng hợp các kênh truyền hình trực tiếp các trận đấu trong ngày; có nhiều kênh truyền hình trực tiếp một trận đấu để bạn có thể lựa chọn...

Ngoài ra, đây là phần mềm cho phép bạn xem trực tuyến hàng nghìn kênh truyền hình của hàng chục nước trên toàn thế giới với chất lượng rất tốt. Không những vậy, phần mềm còn cung cấp cho người dùng hàng nghìn kênh radio trực tuyến hoàn toàn miễn phí. Ngoài ra, phần mềm này còn bắt được hơn 40 kênh truyền hình Việt Nam...

Tờ báo này cũng cho biết, đã thử nghiệm tiện ích với tốc độ đường truyền gói giá rẻ của một nhà mạng, nhưng chất lượng thu được khá tốt, không bị đứt quãng và mất tiếng.

“Thức thời” như… lách luật

Bắt đầu từ ngày 1/9, Hà Nội sẽ ngừng cung cấp dịch vụ đường truyền tới các đại lý Internet từ 23h hôm trước tới 6h sáng hôm sau và ngừng cấp dịch vụ cho các đại lý Internet nằm cách trường học dưới 200m.

Phát biểu tại cuộc giao ban công tác truyền thông chiều 31/8, ông Phạm Quốc Bản, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố, có nhắc tới một trường hợp cố tình vi phạm quy định quản lý game online, đó là quán Game Đạt 3.

Không biết, sau ngày 1/9, quán game này đã được siết chặt lại như thế nào, nhưng theo một tờ báo, quán này đã ra một chiêu mới, đặt biển “quán bán cafe nước giải khát, khách được truy cập Internet miễn phí”, mà theo phần mở đầu bài báo, thì đó là “một cách "lách" rất hay của chủ quán game Đạt”. Hoặc thậm chí là “rất thông minh và thức thời” khi bài báo trích lời thành viên diễn đàn Voz.

Theo tờ báo thì, “hầu như gamer (người chơi game) nào vào quán game cũng gọi một cốc nước uống (dù không phải là cafe), vì thế chỉ với một thay đổi nhỏ là 2 tấm biển dán giấy, game Đạt đã tiếp tục tồn tại mạnh khỏe như xưa".
 
“Đơn giản vì luật chỉ cấm "chủ quán Internet" cho học sinh sử dụng dịch vụ, hoàn toàn không cấm "chủ quán cafe". Như vậy là từ nay, nỗi lo lắng mất địa chỉ lui tới quen thuộc của gamer Hà Thành đã tạm qua đi, tuy nhiên nó có lâu dài hay không thì lại là chuyện khác”, tờ báo kết luận.