Điện năng và các nguồn năng lượng xanh là nguồn lực nền tảng, huyết mạch cho các mục tiêu phát triển
Năm 2025 Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt trên 8% và phấn đấu đạt tăng trưởng hai con số. Theo TS Chử Văn Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, một trong những nguồn lực có tính nền tảng và huyết mạch để đáp ứng nhu cầu, mục tiêu phát triển chính là điện năng và các nguồn năng lượng xanh, sạch...

Ngày 31/3/2025, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam và Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam tổ chức Diễn đàn Năng lượng Việt Nam năm 2025 với chủ đề “Giải pháp thúc đẩy phát triển nhanh các nguồn năng lượng mới kiến tạo kỷ nguyên kinh tế mới”.
NHU CẦU ĐIỆN NĂNG CHO MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN TĂNG MẠNH MẼ
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Chử Văn Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh “thế giới và Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ. Có thể thấy, chưa khi nào thế giới cùng một lúc vận động nhiều xu hướng phát triển như giai đoạn hiện nay. Có những xu hướng đã nhanh chóng trở thành cuộc cách mạng, trở thành kỷ nguyên phát triển mang tính toàn cầu, tất yếu, không thể đảo ngược, như: Cách mạng công nghiệp số, cách mạng công nghiệp xanh, kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI), kỷ nguyên thông minh, kỷ nguyên xanh…”.
Trong các xu thế tất yếu đó, Việt Nam đã định hướng rõ nét con đường phát triển và xác định phải giải nhiều bài toàn cùng một lúc để có thể đạt được các mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững kinh tế - xã hội đất nước. Từng bước hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra, Việt Nam đang chuẩn bị những điều kiện cần và đủ để sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới– Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Năm 2025 Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt trên 8% và phấn đấu đạt tăng trưởng hai con số. Giai đoạn từ năm 2026 đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt hai con số (tức từ 10% trở lên).
Cùng với đó là các cuộc cách mạng về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh với tốc độ và mức độ ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo ngày càng nhanh và phổ biến. Mới đây, Ban chỉ đạo Trung ương về phát triển Khoa học Công nghệ, Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số đã phát động phong trào và ra mắt nền tảng Bình dân học vụ số.
Theo TS. Chử Văn Lâm, để đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế cũng như đáp ứng sự thay đổi mang tính chiến lược về phương thức hoạt động (gồm từ học tập, lao động, sản xuất) chủ yếu dựa trên nền tảng số, đòi hỏi các nguồn lực phục vụ cho quá trình này phải có những điều chỉnh và hoạch định phù hợp, hiệu quả hơn.
“Một trong những nguồn lực có tính nền tảng và huyết mạch, đó chính là điện năng và các nguồn năng lượng xanh, sạch. Đáp ứng yêu cầu cấp bách phục vụ các mục tiêu phát triển, nhu cầu điện năng đã được các cơ quan quản lý và các chuyên gia tính toán cần phải tăng từ 12-16% mỗi năm”.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho rằng “điều này đòi hòi cần có sự điều chỉnh trong các chiến lược và quy hoạch phát triển điện và các nguồn năng lượng”.
THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN NHANH CÁC NGUỒN NĂNG LƯỢNG MỚI
Hiện nay, Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan chuyên trách đang tiến hành rà soát, sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định theo hướng tạo thuận lợi, thông thoáng, hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững chuỗi giá trị năng lượng, đặc biệt đối với các hạng mục đầu tư, phát triển các dự án năng lượng xanh, sạch tại Việt Nam.
Theo TS Chử Văn Lâm, “với vai trò độc lập của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam và Hiệp Hội Năng lượng sạch Việt Nam cùng với sứ mệnh thông tin của cơ quan báo chí, truyền thông kinh tế VnEconomy, chúng tôi cùng chủ trì tổ chức Diễn đàn Năng lượng Việt Nam năm 2025 với chủ đề ‘Giải pháp thúc đẩy phát triển nhanh các nguồn năng lượng mới”.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho biết diễn đàn hướng đến 3 mục tiêu quan trọng.
Thứ nhất, cập nhật các định hướng mới, những điều chỉnh về cơ chế, chính sách phát triển ngành công nghiệp năng lượng giúp các bên quan tâm, đặc biệt là các nhà đầu tư, doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ thông tin;
Thứ hai, tham luận ý kiến, trao đổi, phân tích đánh giá của các chuyên gia, các nhà đầu tư phát triển dự án về xu hướng và kinh nghiệm quốc tế, thực tiễn đầu tư và phát triển các dự án năng lượng tại Việt Nam gắn với các chủ trương, chiến lược của Việt Nam;
Thứ ba, đề xuất, hiến kế các giải pháp bao gồm cả giải pháp chính sách nhằm thực thi hiệu quả và phát huy vai trò đóng góp của chuỗi giá trị ngành công nghiệp năng lượng đối với các mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững kinh tế đất nước.
“Với cấu trúc thành các phiên tham luận và thảo luận cùng sự tham gia nhiệt thành của đại diện các ban, bộ ngành, các hiệp hội, chuyên gia và doanh nghiệp, TS. Chử Văn Lâm kỳ vọng Diễn đàn Năng lượng Việt Nam năm 2025 sẽ đạt được nhiều giá trị và ý nghĩa thiết thực với các bên liên quan”.