15:49 15/01/2024

Điều 79 Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) thu hút sự quan tâm của nhiều Đại biểu Quốc hội và cử tri

Quang Trung

Ngày 15/1, trong khuôn khổ kỳ họp bất thường thứ 5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Đất đai (sửa đổi)...

Đại biểu Tạ Văn Hạ, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Tạ Văn Hạ, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam - Ảnh: Quochoi.vn

Tại phiên thảo luận, nội dung tại điều 79 của dự thảo luật về việc "Nhà nước thu hồi đất vì thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia và công cộng" nhận được sự quan tâm và tham gia cho ý kiến của nhiều đại biểu.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) nhận định về tên và các nội dung trong điều luật chưa thống nhất.

Cụ thể, "vì lợi ích quốc gia" và "công cộng" là những khái niệm rất lớn và rộng bởi đây vừa là mục tiêu, vừa là mục đích, có tính khái quát rất cao. Dù với phạm vi rộng như vây, các nội dung trong điều luật lại quy định các trường hợp thu hồi đất theo tính chất liệt kê.

“Ở đây chúng ta liệt kê gần 30 lĩnh vực được thu hồi đất. Với phạm vi rộng như thế, tôi cho rằng giữa tên điều với quy định như thế này chưa thống nhất. Do vậy, tôi đề nghị điều khoản này cần sửa đổi”, đại biểu Hạ phát biểu.

Theo ông, làm theo phương pháp liệt kê này khó liệt kê đầy đủ, đặc biệt có những điểm quan trọng đã không được liệt kê vào. Đại biểu đề nghị đổi tên điều luật luật thành "Các trường hợp Nhà nước thu hồi đất" bởi dự án phát triển kinh tế - xã hội nào bây giờ cũng nhằm mục đích lợi ích quốc gia, công cộng”. Hiện tại điều luật đã có 28 trường hợp Nhà nước thu hồi đất, sau này thiếu có thể bổ sung sau.

Cũng quan tâm tới điều luật 79, trong khoản 21 quy định thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở xã hội, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang), cho rằng Ban soạn thảo cần xem xét, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người sử dụng đất, nhà đầu tư và người quản lý phải đảm bảo đồng thuận việc thu hồi đất và có sự tách bạch rõ ràng từ mục đích sử dụng đất.

 Đại biểu Lê Thị Thanh Lam, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH, tỉnh Hậu Giang - Ảnh: Quochoi.vn
 Đại biểu Lê Thị Thanh Lam, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH, tỉnh Hậu Giang - Ảnh: Quochoi.vn

“Nếu dự án nào thực sự vì mục đích công cộng, vì quốc gia, vì an ninh, vì Nhà nước thì Nhà nước nên có thu hồi bằng cơ chế hành chính. Còn đối với các dự án nhà ở xã hội, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, ngay cả các đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện về chủ trương hoặc tài chính thì cần phải thỏa thuận với người sử dụng đất, thu hồi đất theo cơ chế thị trường”, đại biểu Lam kiến nghị.

Còn tại khoản 23 của điều 79 quy định “Nhà nước thu hồi đất đối với trường hợp thực hiện dự án khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung có quy mô lớn”, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (đoàn Quảng Ngãi) cho rằng cần định lượng mức độ và quy mô thế nào là lớn. Bởi ở các vùng miền khác nhau có thể nhận định khác nhau về mức độ, quy mô dự án.

“Việc quy định chung chung như vậy sẽ dẫn đến áp dụng tùy nghi, thực hiện không thống nhất hoặc không dám thực hiện vì sợ trách nhiệm hoặc đề nghị nghiên cứu quy định thực hiện dự án tập trung đồng bộ về kết cấu hạ tầng dùng chung từ khâu sản xuất đến chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản phục vụ trên phạm vi liên huyện hoặc liên vùng là phù hợp”, đại biểu Sương phân tích.

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Ảnh: Quochoi.vn

Tại khoản 26 của điều luật quy định trường hợp Nhà nước thu hồi đất cho dự án vùng phụ cận các điểm kết nối giao thông và các tuyến giao thông có tiềm năng phát triển và khoản 27 thu hồi đất cho dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với nhà ở, đại biểu Sương cũng cho rằng quy định như vậy là “chưa cụ thể, nội hàm chưa rõ”.

Do đó, đại biểu đề nghị xem xét quy định cụ thể để tránh việc mỗi nơi quy định khác nhau, người dân không đồng thuận dẫn đến việc thực hiện thu hồi đất thực hiện dự án khó khăn.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được thảo luận, cho ý kiến tại 3 Kỳ họp Quốc hội, 2 Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, 6 phiên họp chính thức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và được chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và trên 12 triệu lượt ý kiến của Nhân dân. 

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu sau kỳ họp thứ 6 gồm 16 chương và 260 điều (bỏ 5 điều, chỉnh lý 250 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6). Dự kiến, dự án luật sẽ được thông qua vào ngày 18/1 tại kỳ họp bất thường này.