Điều gì xảy ra với kho Bitcoin bí mật của Chính phủ Mỹ?
Trong những năm gần đây, Chính phủ Mỹ đã tổ chức những phiên đấu giá Bitcoin và các tiền ảo khác. Tuy nhiên, Washington có vẻ như không giỏi trong việc chọn thời điểm để làm việc này...
Theo hãng tin CNBC, Chính phủ Mỹ từng bán 500 đồng Bitcoin cho công ty Riot Blockchain vào năm 2018 với giá chỉ khoảng 5 triệu USD. Trị giá của số Bitcoin này ở thời điểm hiện tại là hơn 23 triệu USD.
Trước đó, vào năm 2014, Chính phủ Mỹ bán 30.000 đồng Bitcoin cho nhà đầu tư mạo hiểm, tỷ phú Tim Draper với giá 19 triệu USD. Nếu để đến hiện tại, số Bitcoin này có thể mang về cho quốc khố Mỹ 1,3 tỷ USD.
Chính phủ Mỹ có được những số Bitcoin trên là do tịch thu trong các vụ triệt phá đường dây tội phạm. Tất cả tiền ảo thu được bằng hình thức này đều được Chính phủ liên bang tiến hànhd đấu giá.
“Các cuộc đấu giá tài sản mà nhà chức trách Mỹ tịch thu trong các vụ án thường có những mặt hàng như tàu thuyền, ô tô và tiền ảo”, ông Jarod Koopman, Giám đốc phụ trách đơn vị tội phạm mạng của Thuế vụ Mỹ (IRS), nói với CNBC.
Sắp tới, Chính phủ Mỹ sẽ đấu giá một lô tiền ảo trị giá 56 triệu USD tịch thu trong một vụ lừa đảo Ponzi liên quan đến chương trình cho vay tiền ảo BitConnect. Không giống như những cuộc bán đấu giá tiền ảo trước đây, khi số tiền thu về được phân phối cho các cơ quan chính phủ khác nhau, tiền thu về từ cuộc bán đấu giá tiền ảo sắp tới sẽ được hoàn lại cho các nạn nhân trong vụ lừa đảo.
Hoạt động tịch thu và bán đấu giá tiền ảo của Chính phủ Mỹ đang tăng nhanh, đến mức Washington phải nhờ cậy khu vực tư nhân giúp quản lý và bán kho tiền ảo.
Về cơ bản, Mỹ có các công cụ chống tội phạm để truy vết và bắt giữ tiền ảo liên quan đến hoạt động phạm tội, cho dù tiền ảo được thiết kế để chống lại sự theo dõi của các cơ quan thực thi pháp luật. Tuy nhiên, “Chính phủ Mỹ thường chậm hơn vài bước so với các phần tử tội phạm nếu nói đến sáng tạo và công nghệ”, ông Jud Welle – một cựu công tố viên liên bang về tội phạm mạng – phát biểu.
“Đây không phải những việc mà công chức liên bang được đào tạo bài bản”, ông Welle nói, nhưng dự báo rằng trong khoảng 3-5 năm nữa, các cơ quan thực thi pháp luật của Chính phủ Mỹ sẽ được cập nhật các kiến thức và kinh nghiệm về truy vết và bắt giữ tiền ảo.
Quy trình liên quan đến tiền ảo trong hệ thống thực thi pháp luật của Mỹ bao gồm ba phần: truy vết và tịch thu; thanh lý; và phân bổ số tiền thu được từ việc bán tiền ảo đó.
Theo ông Koopman, phần thứ nhất thường là nỗ lực của nhiều cơ quan, bao gồm Cục Điều tra Liên bang (FBI), Bộ An ninh nội địa, Mật vụ, Lực lượng Phòng chống ma tuý, hoặc Cục Điều tra tội phạm về rượu, thuốc lá, vũ khí và chất nổ.
“Nhiều vụ, nhất là trong lĩnh vực an ninh mạng, đã trở thành những cuộc điều tra liên ngành, vì không một cơ quan riêng lẻ nào có thể làm được”, ông Koopman nói. Trước đây, ông Koopman từng tham gia phá những vụ án an ninh mạng lớn như vụ Silk Road hay vụ AlphaBay vào năm 2017, mà kết quả là phá được một chợ online lớn của giới tội phạm.
Việc tịch thu tiền ảo cũng có sự tham gia của nhiều cơ quan khác nhau để đảm bảo giám sát đầy đủ. Các ví phần cứng sẽ được sử dụng để chứa tiền ảo. “Những chìa khoá mật sẽ được cất giữ tại trụ sở cơ quan để đảm bảo an toàn”, ông Koopman cho hay.
Mấy năm qua, Chính phủ Mỹ đã tịch thu nhiều tiền ảo chưa từng thấy.
“Trong tài khoá 2019, chúng tôi thu giữ số tiền ảo trị giá 700.000 USD. Năm 2020, con số tăng lên 137 triệu USD. Và trong năm nay, số tiền ảo tịch thu được đã lên tới 1,2 tỷ USD”, ông Koopman nói với CNBC hồi tháng 8 về tài khoá kết thúc vào ngày 30/9.
Đến nay, Chính phủ Mỹ đã tịch thu và đấu giá tổng cộng 185.000 đồng Bitcoin. Số Bitcoin này có trị giá khoảng 8,6 tỷ USD nếu tính theo giá Bitcoin ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, phần lớn số Bitcoin này được bán ở mức giá thấp hơn nhiều.
Hồi tháng 7, sau hơn 1 năm tìm kiếm, Bộ Tư pháp Mỹ đã thuê công ty Anchorage Digital có trụ sở ở San Francisco làm đơn vị lưu trữ tiền ảo mà các cơ quan thực thi pháp luật liên bang tịch thu trong các vụ án. Anchorage cũng chịu trách nhiệm giúp Chính phủ Mỹ tiến hành đấu giá những tài sản này. Trước đó, việc này được Chính phủ Mỹ giao cho một công ty khác là BitGo.
Khi được hỏi vì sao không chọn thời điểm giá tốt nhất để bán tiền ảo, ông Koopman nói đó không phải là mục tiêu của Chính phủ Mỹ. “Chúng tôi không cố gắng tận dụng thời điểm trên thị trường”, ông nói.
Tháng 11/2020, Chính phủ Mỹ thu giữ số Bitcoin trị giá 1 tỷ USD liên quan đến vụ Silk Road. Tuy nhiên, vụ án này vẫn đang treo, nên số Bitcoin đó đang được cất trong một ví kỹ thuật số.