13:30 14/04/2022

DIGILIFE “nhảy” vào sân chơi mạng di động ảo tại Việt Nam

Hồng Vinh

Công ty DIGILIFE thuộc VNPAY vừa được cấp phép thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất không sử dụng băng tần số vô tuyến điện (mạng viễn thông di động ảo) trên phạm vi toàn quốc...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Công ty TNHH Dịch vụ số DIGILIFE Việt Nam thuộc VNPAY- Fintech hàng đầu trong lĩnh vực thanh toán điện tử tại Việt Nam) đã chính thức được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông và thiết lập mạng viễn thông công cộng trên phạm vi toàn quốc.

Đối với giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông (số giấy phép 63/GP-CVT, ngày cấp phép: 31/3/2022, ngày hết hạn 31/3/2032), doanh nghiệp được phép cung cấp trên mạng viễn thông di động mặt đất các dịch vụ viễn thông theo quy định trên phạm vi toàn quốc.

Doanh nghiệp phải tuân thủ theo đúng các điều khoản về phương thức cung cấp dịch vụ, hình thức thanh toán giá cước, kết nối và thuê kênh, tài nguyên viễn thông, giá cước, chất lượng dịch vụ, triển khai giấy phép và các nghĩa vụ khác theo đúng quy định tại giấy phép.

VNPAY được thành lập tháng 3/2007 là đối tác cung cấp giải pháp thanh toán điện tử uy tín và tin cậy cho các đơn vị, tập đoàn lớn, bao gồm hơn 40 ngân hàng, 5 công ty viễn thông và hơn 150.000 doanh nghiệp. Nổi bật là dịch vụ VNPAY-QR cho phép khách hàng sử dụng tính năng QR-Pay/VNPAY-QR trên ứng dụng Mobile Banking hoặc ví điện tử để thanh toán các giao dịch, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân mỗi ngày.

Doanh nghiệp viễn thông/mạng di động ảo (MVNO) là những nhà mạng không có băng tần, không có hạ tầng mạng mà phải thuê hạ tầng của các doanh nghiệp/nhà mạng sở hữu hạ tầng mạng (MNO) như Viettel, VNPT, MobiFone…để triển khai các hoạt động kinh doanh, bán sản phẩm, cung cấp dịch vụ ra thị trường.

Tính đến nay, Việt Nam có bốn công ty MVNO. Tháng 4/2019, Công ty Cổ phần Viễn thông Đông Dương Telecom ra đời dịch vụ viễn thông Itelecom, trở thành nhà mạng ảo đầu tiên với đầu số 087. Qua hơn hai năm phát triển, nhà mạng này cho biết đến tháng 12/2021 đạt gần 3 triệu thuê bao.

Hơn một năm sau, vào tháng 6/2020, Công ty Mobicast khai trương mạng di động ảo thứ hai ở Việt Nam với thương hiệu Reddi, đầu số 055 nhưng sau đó đã “bán mình” cho một công ty của Masan. Nhà mạng này hợp tác sử dụng hạ tầng, đầu số của VinaPhone.

Gần đây, Công ty Viễn thông ASIM cũng đã cung cấp mạng ảo thương hiệu Local (mylocal.vn) với thử nghiệm dựa trên đầu số của MobiFone.

Đáng chú ý, Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT mới đây cũng đề cập đến kế hoạch triển khai mô hình kinh doanh mạng di động ảo tại Việt Nam trong tài liệu phục vụ đại hội đồng cổ đông năm 2022.

Theo Fortune Business Insights, dự kiến doanh thu của MVNO đến năm 2028 sẽ khoảng 123,4 tỷ USD. Các chuyên gia từng nhận xét, trong bối cảnh thị trường viễn thông truyền thống đã bão hòa, các nhà mạng ảo mới ra đời sau nếu không có hướng đi mới, khác biệt, tìm được thị trường ngách thì sẽ rất khó cạnh tranh, tồn tại và phát triển.