Định giá chưa hấp dẫn, thị trường vẫn chịu áp lực điều chỉnh?
Chứng khoán Việt Nam hiện kém hấp dẫn do lợi nhuận suy giảm. Lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng hiện ở mức 7,8%/năm. Trong khi đó, tỷ suất thu nhập trên giá (E/P) của VN-INDEX giảm còn 8,4% do kết quả kinh doanh Q4/22 thấp hơn kỳ vọng. Cùng với tỷ suất cổ tức 1,7%, tỷ suất lợi tức thị trường ước tính khoảng 10,1%...
VnDirect vừa có báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán tháng 3 với điểm nhấn so với lãi suất huy động hiện tại, thị trường chứng khoán vẫn chưa phải là kênh đầu tư hấp dẫn.
Lãi suất huy động có thể giảm nhẹ trong năm nay tuy nhiên thì khó có thể giảm mạnh khi Ngân hàng Nhà nước khả năng cao sẽ phải giữ nguyên lãi suất điều hành do áp lực tỷ giá và lạm phát vẫn hiện hữu, tăng trưởng tín dụng được định hướng ở mức cao 14% đòi hỏi các ngân hàng sẽ phải cân đối nguồn vốn.
Nếu so với tỷ suất thu nhập trên giá (E/P) của VN-INDEX hiện là 8,4% (chưa bao gồm tỷ suất cổ tức là 1,7%) thì lãi suất tiền gửi của một số ngân hàng nhỏ ở khoảng 9,5% là tương đối hấp dẫn cùng với rủi ro rất thấp. Trong bối cảnh thị trường cổ phiếu, trái phiếu, và bất động sản vẫn tồn tại những rủi ro nhất định thì tiền gửi ngân hàng vẫn sẽ là lựa chọn ưa tiên cho những nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro thấp và có nhu cầu thường xuyên/ngắn hạn về dòng tiền.
Về mặt định giá, thị trường chứng khoán Việt Nam kém hấp dẫn hơn do lợi nhuận thị trường suy giảm. Lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng hiện ở mức 7,8%/năm. Trong khi đó, tỷ suất thu nhập trên giá (E/P) của VN-INDEX giảm còn 8,4% (từ mức 9,5% trong T12/22) do kết quả kinh doanh Q4/22 thấp hơn kỳ vọng. Cùng với tỷ suất cổ tức 1,7%, tỷ suất lợi tức thị trường ước tính khoảng 10,1%.
Do đó, bộ đệm định giá (mức chênh lệch giữa tỷ suất lợi tức thị trường và lãi suất tiền gửi) giảm xuống còn 2,3% (-1,4 điểm % so với T12/22). Hiện tại, chỉ số VN-INDEX đang giao dịch tại mức 0,7 lần P/E trung bình 5 năm và 0,7 lần P/B trung bình 5 năm.
Trong bối cảnh chưa có nhiều thông tin vĩ mô và chính sách hỗ trợ cùng những rủi ro bên ngoài gia tăng , Vn-Index có thể chịu áp lực điều chỉnh trong T3 /2023.
Vùng hỗ trợ gần nhất của chỉ số Vn-Index là quanh vùng 1.000 điểm và vùng hỗ trợ mạnh là quanh 950 điểm. Trước rủi ro điều chỉnh ngắn hạn, nhà đầu tư nên ưu tiên quản trị rủi ro, chủ động giảm tỷ lệ đòn bẩy và cố phiếu.
Động lực tăng điểm bao gồm Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản (sửa đổi Nghị định 65 , giãn nợ, gói tín dụng cho nhà ở xã hội, v.v.). Rủi ro giảm điểm bao gồm quan điểm “diều hâu” hơn của Fed về chính sách tiền tệ, thông tin liên quan đến vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp.
Đầu tư công sẽ là câu chuyện hứa hẹn xuyên suốt năm 2023. Chính phủ đang đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm để hoàn thành ít nhất 95% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất chính thức được khởi công vào ngày 24/12/2022. Ngoài ra, đã có 14/25 dự án thành phần của cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 được khởi công trong 2 tháng đầu năm 2023.
Bên cạnh đó, xu hướng đầu tư xây dựng hạ tầng năng lượng sẽ được đẩy mạnh sau khi Quy hoạch điện 8 được phê duyệt chính thức. Các lựa chọn hàng đầu theo chủ đề này là: ACV, AST, C4G, PLC, PC1, và POW.
Theo dự báo, ngành Tiêu dùng/Bán lẻ sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất là 23,7% trong 2023 nhờ hầu hết các tác động tiêu cực đến tiêu dùng đã phản ánh trong kết quả kinh doanh năm 2022, và động lực phục hồi mạnh đến từ MWG (BHX có lãi), VRE (nền thấp trong 6T22 do gói hỗ trợ Covid-19).
Lợi nhuận ngành Hàng không trong năm 2023 sẽ chuyển từ âm sang dương nhờ lượng khách quốc tế từ Trung Quốc quay trở lại Việt Nam.
Bất chấp triển vọng chung của ngành là ảm đạm; Bất động sản nhà ở có thể tăng trưởng lợi nhuận khả quan trong năm 2023, chủ yếu nhờ VHM. Các ngành khác cải thiện tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2023 từ mức cơ sở thấp trong năm 2022, bao gồm Nông nghiệp (+18,9% svck), Điện (+18,7% svck), Vật liệu xây dựng (+16,7% svck).