16:51 27/02/2024

Doanh nghiệp “bắt mạch” Hội An để kích cầu du lịch Quảng Nam

Tường Bách

Là điểm đến hàng đầu của khách quốc tế nhưng nhiều năm qua Quảng Nam vẫn đứng ngoài top 10 địa phương có doanh thu từ du lịch cao nhất cả nước. Điều này đòi hỏi nhiều hơn yếu tố “đúng” và “trúng” trong kích cầu du lịch...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của Dự án Du lịch Thụy Sĩ vì sự phát triển bền vững (ST4SD), lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm nay sẽ vượt mốc 2019. Ngành du lịch cũng sẽ chào đón sự trở lại mạnh mẽ của dòng khách Đông Bắc Á và thị trường nội địa. Bên cạnh đó là sự tăng trưởng mạnh của dòng khách mới đến từ Ấn Độ và Trung Đông.

MỤC TIÊU NĂM 2024

Trong bối cảnh đó, Quảng Nam cần có phương án kết nối để nắm bắt cơ hội, giúp ngành du lịch đi đúng hướng trong tiến trình phục hồi. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành du lịch Quảng Nam để thực hiện Nghị quyết số 82 ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Trong tháng 3/2024, chương trình kích cầu du lịch Quảng Nam sẽ được triển khai với quy mô lớn.

Đây là một điểm mới của du lịch địa phương khi triển khai kích cầu sớm thay vì bắt đầu vào mùa hè như trước. Theo Phòng Quản lý Du lịch (Sở VH-TT&DL), chương trình sẽ chú trọng xây dựng, triển khai thực hiện mạnh các gói kích cầu phù hợp với các thị trường khách trong các tháng thấp điểm của du lịch Quảng Nam. Các thị trường trọng điểm được xác định gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Úc, Anh, Mỹ, Đức, Ấn Độ cùng một số nước trong khu vực Đông Nam Á.

Đánh giá riêng về du lịch Hội An, trong năm 2023, điểm đến này trên đà phục hồi khi đón 4 triệu lượt khách. Trong đó khách quốc tế đạt hơn 3 triệu lượt, chiếm hơn 70%. Định hướng phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững, tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội cùng với cộng đồng doanh nghiệp du lịch nỗ lực giữ vững chất lượng dịch vụ đã giúp cho TP Hội An thu hút một lượng lớn khách du lịch. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Lanh, trong năm 2023, địa phương đưa ra chỉ tiêu thu về 120 tỷ đồng tiền bán vé. Tuy nhiên, thực tế đã xấp xỉ đạt 200 tỷ, vượt xa so với kế hoạch đề ra.

Trong năm 2023, Hội An trên đà phục hồi khi đón 4 triệu lượt khách.
Trong năm 2023, Hội An trên đà phục hồi khi đón 4 triệu lượt khách.

“Với Hội An, du lịch không chạy theo thị trường nào mà thành phố cố gắng đa dạng hóa các sản phẩm để có khả năng cung ứng và phục vụ đa đạng nguồn khách. Trong đó, đặc biệt cố gắng giữ cho được các thị trường truyền thống; thị trường có nguồn khách chất lượng, chi tiêu cao, lưu trú dài ngày”, ông Lanh nói. Theo Phó Chủ tịch TP Hội An, trong năm 2024, địa phương phấn đấu đón 4,3 triệu lượt khách. Trong đó khách quốc tế đạt hơn 3,2 triệu lượt, khách nội địa đạt hơn 1 triệu lượt. Doanh thu toàn ngành du lịch đạt 4.538,6 tỷ đồng.

Đặc biệt, ngành du lịch Hội An cũng đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm để phấn đầu hoàn thành trong năm như: Lập Đề án Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đêm; hoàn thành hồ sơ đề nghị công nhận Cù Lao Chàm là khu du lịch quốc gia; hoàn thành lập dự án phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp hữu cơ và nghề truyền thống tại xã Cẩm Hà; triển khai dự án phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn giá trị văn hoá bản địa và hệ sinh thái tự nhiên tại làng mộc Kim Bồng; xây dựng xã Tân Hiệp trở thành điểm đến xanh, đáp ứng tiêu chuẩn khung đánh giá của Bộ Tiêu chí du lịch xanh tỉnh Quảng Nam, nhằm thúc đẩy thực hành du lịch xanh tại TP Hội An...

ĐỀ XUẤT TỪ PHÍA DOANH NGHIỆP

Cuối tuần qua, đại diện lãnh đạo hơn 50 doanh nghiệp du lịch đã tham gia buổi gặp mặt đầu xuân với Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh. Trao đổi tại buổi gặp mặt, rất nhiều ý kiến doanh nghiệp đều bày tỏ sự lạc quan về quá trình phục hồi du lịch của Quảng Nam nói chung và Hội An nói riêng. Tuy nhiên, để khẳng định thương hiệu điểm đến, bên cạnh phát triển không gian du lịch, lực lượng lao động có tay nghề, nhất là các sản phẩm, dịch vụ đặc thù thì sự đồng hành của nhà nước giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp rất quan trọng.

Ngành du lịch Hội An cũng đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm để phấn đầu hoàn thành trong năm 2024.
Ngành du lịch Hội An cũng đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm để phấn đầu hoàn thành trong năm 2024.

Theo ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề trong dịch Covid-19, nhưng đến nay khả năng phục hồi của du lịch Hội An, Quảng Nam nhanh hơn những nơi khác. Dù vậy, khó khăn nhất hiện tại của doanh nghiệp là vướng cơ cấu nợ ngân hàng. Ngoài ra, trước những áp lực, cạnh trạnh của các điểm du lịch trong vùng thời gian qua, việc nâng cấp, đổi mới sản phẩm du lịch, dịch vụ trở thành yêu cầu mang tính cấp thiết nhằm không chỉ tạo ra sức hút mới mà còn hiện thực mục tiêu giảm áp lực lên phố cổ Hội An.

Theo ông Trần Văn Khoa, Giám đốc Công ty Du lịch Jack Tran Tours, tỉnh và thành phố nên quan tâm đầu tư xây dựng làng chài Cửa Đại (phường Cửa Đại) thành một ngôi làng bích họa như làng bích họa Tam Thanh (Tam Kỳ) nhằm giúp du khách hiểu hơn về một không gian văn hóa làng nghề hơn 400 năm tuổi, nơi khách có thể trải nghiệm các hoạt động văn hóa địa phương như đan lưới, bắt cá, trồng dừa nước, nghe hát bả trạo…, đồng thời mở ra sinh kế cho người dân có cơ hội làm du lịch.

Còn ông Lê Ngọc Thuận, chủ nhà hàng Shore Club An Bang Beach, thì địa phương cần sắp xếp lại không gian biển, tạo ra những khu vui chơi, giải trí hoặc những câu lạc bộ biển xứng tầm phục vụ như cầu nghỉ dưỡng của người dân và du khách trong nước, quốc tế. “Hiện tại, sản phẩm du lịch ở Hội An chủ yếu phục vụ khách châu Âu, trong khi khách châu Á như Hàn Quốc rất quan tâm đến thể thao biển nhưng chúng ta hầu như không có sản phẩm đáp ứng được nhu cầu này”, ông Thuận đề xuất.

Hội An đang thiếu những khu vui chơi, giải trí hoặc những câu lạc bộ biển xứng tầm cho khách châu Á.
Hội An đang thiếu những khu vui chơi, giải trí hoặc những câu lạc bộ biển xứng tầm cho khách châu Á.

Đồng quan điểm trên, ông Lê Quốc Việt - chủ khách sạn Santa Sea Villa Hội An cho rằng, với những tiềm năng và lợi thế biển, Hội An cần quy hoạch xây dựng một công viên bảo tồn biển và nghề cá Quảng Nam, bên trong bố trí thêm nhà hát trình diễn các tác phẩm dân ca dân vũ Quảng Nam. Riêng với hoạt động thể thao nước, nên phát triển các môn thể thao cảm giác mạnh như lướt sóng tại khu vực Nam Hội An, biến những hạn chế mùa đông thành lợi thế của du lịch biển vì thời điểm này sóng lớn phù hợp môn thể thao lướt sóng, giúp thu hút khách đến Hội An, Quảng Nam nhiều hơn.

Tại buổi gặp mặt, hầu hết ý kiến doanh nghiệp đều khẳng định, Hội An, Quảng Nam còn nhiều dư địa để phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc thù như tổ chức lễ hội đèn trời vào tháng 7 âm lịch, hội thi múa lân, sư rồng trong tháng 8 âm lịch (tương tự hội thi bắn pháo hoa Đà Nẵng), kể cả xây dựng Hội An trở thành “thành phố không trả giá” mang tính thương hiệu trong nước và toàn cầu, du khách có thể an tâm khi mua bất cứ hàng hóa gì từ sản phẩm đường phố đến các shop hàng, cửa hiệu, kích thích khách tiêu dùng, mua sắm.

Đặc biệt, có thể  đẩy mạnh công tác marketing du lịch dựa vào tâm lý và nhu cầu thị trường khách theo từng thời điểm nhất định. Nghiên cứu phát triển quà tặng lưu niệm gắn với các sản phẩm OCOP, thậm chí xây dựng chiến lược "Made in Hoi An" hoặc "Made in Quang Nam", giúp khách tăng sự lựa chọn mua sắm, nhất là với những quà tặng đặc trưng Quảng Nam…