Doanh nghiệp Châu Âu quan tâm đến các dự án đổi mới sáng tạo của TP.HCM
TP.HCM đã giới thiệu tới các doanh nghiệp Châu Âu 20 dự án tiêu biểu mà thành phố đang mời gọi đầu tư…
Thông tin tại diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Châu Âu 2022, do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức vào sáng 30/6/2022, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết thành phố đang đẩy mạnh phát triền hạ tầng, giáo dục, y tế - bệnh viện, giao thông. Đây là các lĩnh vực mà các doanh nghiệp Châu Âu có thể hợp tác đầu tư.
Tính đến nay, đã có 25/27 nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) đầu tư với 2.263 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 22,41 tỷ USD, chiếm 5,5% tổng vốn đăng ký tại Việt Nam. Vốn đầu tư tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo; sản xuất, phân phối điện khí, nước, điều hòa; kinh doanh bất động sản; thông tin và truyền thông, bán buôn, bán lẻ, khai khoáng, vận tải kho bãi.
Riêng tại TP.HCM, có hơn 1.000 dự án đầu tư trực tiếp của các nhà đầu tư EU với tổng số vốn đầu tư đạt 6,45 tỷ USD, chiếm hơn 12% tổng số vốn đầu tư trực tiếp tại thành phố.
Nhận định về cơ hội đầu tư tại TP.HCM, ông Philipp Rosler, Trưởng đoàn doanh nghiệp châu Âu, cho biết nhu cầu tìm kiếm thông tin, kết nối thương mại của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, đặc biệt tại TP.HCM là rất lớn. Các doanh nghiệp EU đặc biệt quan tâm đến định hướng và các dự án thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo của TP.HCM, bởi đây là lĩnh vực mà hai bên có lợi thế bổ sung cho nhau.
Về các lĩnh vực mà TP.HCM đang kêu gọi đầu tư, theo ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, hiện có 197 dự án thuộc 10 lĩnh vực với nhiều chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu và tiền thuê đất. Trong đó, bao gồm 30 dự án hạ tầng giao thông; 12 dự án môi trường; 8 dự án công nghiệp; 7 dự án nông nghiệp; 17 dự án thương mại – dịch vụ; 54 dự án chỉnh trang và xây dựng nhà ở, tái định cư; 11 dự án giáo dục; 6 dự án y tế; 31 dự án văn hóa – thể thao và 21 dự án du lịch.
Cụ thể, về thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ miễn, giảm 10% trong 15 năm đối với dự án đầu tư mới vào khu kỹ thuật – khu công nghệ cao (điểm a, Điều 15 NĐ số 218/2013/NĐ-CP); dự án đầu tư mới vào lĩnh vực công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển trong khu công nghệ cao (NĐ số 218/2013/NĐ-CP).
Miễn, giảm thuế suất 10% không quá 30 năm khi đáp ứng một trong các các tiêu chí, như: sản xuất sản phẩm hàng hóa có khả năng cạnh tranh toàn cầu, doanh thu đạt trên 20.000 tỷ đồng/năm chậm nhất sau 5 năm kể từ khi có doanh thu từ dự án đầu tư; sử dụng thường xuyên trên 6.000 lao động được xác định theo quy định của pháp luật về lao động.
Ưu đãi đầu tư đặc biệt thuế suất từ 5% – 9% trong thời gian từ 30-37 năm và miễn trong thời gian từ 5-6 năm và giảm từ 10-13 năm cho doanh nghiệp có dự án đầu tư có tác động lớn đến phát triển kinh tế – xã hội, có vốn đầu tư trên 3.000 tỉ đồng, giải ngân ít nhất 1.000 tỉ trong 3 năm, có trung tâm R&D… Trong đó, mức ưu đãi cao nhất là miễn 6 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 13 năm – (QĐ số 29/2021/QĐ-TTg).
Song song đó, TP.HCM miễn thuế cho hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án, sử dụng trực tiếp cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, phát triển hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ, vật tư xây dựng trong nước chưa sản xuất được. Đồng thời, miễn thuế xuất khẩu cho sản phẩm công nghệ cao.
Về chính sách ưu đãi tiền thuê đất, giá thuê đất được tính theo bảng giá đất của thành phố; miễn giảm tiền thuê đất theo chính sách ưu đãi đặc biệt (Điều 7, QĐ 29/2021/TTg) và giảm 50% mức ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư (từ 1%-3% tổng vốn đầu tư).
20 dự án tiêu biểu TP.HCM mời gọi đầu tư.
Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) đã giới thiệu 20 dự án tiêu biểu, trọng tâm thành phố mời gọi đầu tư.
Cụ thể, dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài tổng vốn đầu tư gần 16.000 tỷ đồng; đường vành đai 4, tổng vốn đầu tư hơn 59.300 tỷ đồng; dự án nhà máy xử lý nước thải Bắc Sài Gòn, tổng mức đầu tư hơn 6000 tỷ đồng; xây dựng khu khám, điều trị dịch vụ tại khu 2 của bệnh viện Nguyễn Tri Phương với tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng; trung tâm dịch vụ công nghệ cao với mức đầu tư gần 2.200 tỷ đồng…