10:08 05/01/2024

Doanh nghiệp chưa được tuyển lao động Việt Nam sang Israel làm việc

Nhật Dương

Các doanh nghiệp dịch vụ không ký hợp đồng, tuyển chọn, tổ chức, hoặc tư vấn đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Israel cho đến khi có thông báo mới, theo đề nghị của Cục Quản lý lao động ngoài nước...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 4/1, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đã đưa ra khuyến cáo đối với các doanh nghiệp phái cử lao động sang thị trường Israel.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, thời gian gần đây, Cục đã nhận được báo cáo của một số doanh nghiệp về việc các tổ chức, cá nhân của Israel đề nghị hợp tác lao động theo hình thức tuyển chọn, tiếp nhận lao động Việt Nam thông qua các doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam.

Cục Quản lý lao động ngoài nước đồng thời nhận được hồ sơ đăng ký hợp đồng của doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở Israel.

Về vấn đề này, Cục Quản lý lao động ngoài nước thông tin các doanh nghiệp dịch vụ như sau: Theo quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Luật số 69/2020/QH14), khoản 13 Điều 7 quy định việc nghiêm cấm đi làm việc ở nước ngoài, hoặc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ở khu vực đang có chiến sự hoặc đang có nguy cơ xảy ra chiến sự.

Do đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước đề nghị các doanh nghiệp dịch vụ không ký hợp đồng, tuyển chọn, tổ chức hoặc tư vấn đưa người lao động đi làm việc tại Israel cho đến khi có thông báo mới.

Trước đó, ngày 15/10/2023, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có khuyến cáo, công dân Việt Nam cần lưu ý: “Nếu không thật sự cần thiết, không nên đến hoặc tránh đến Israel; nếu đang ở Israel thì cần có phương án sớm sơ tán an toàn người và tài sản đến nước thứ ba hoặc về Việt Nam…”.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2009, một số doanh nghiệp dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đã ký hợp đồng đưa lao động sang làm việc trong các trang trại nông nghiệp tại Israel theo quy chế lao động.

Người lao động được làm việc tại Israel với thời hạn tối đa 5 năm, thu nhập khoảng 1.000 USD/tháng với các điều kiện làm việc, sinh hoạt tương đối ổn định.

Tuy nhiên, từ năm 2011, Israel chủ trương chỉ tiếp nhận lao động từ các nước có ký Thỏa thuận hợp tác lao động với Israel thông qua Tổ chức Di cư quốc tế (không phù hợp với pháp luật Việt Nam), nên việc đưa lao động đi làm việc tại Israel bị gián đoạn.

Mặc dù vậy, phía Israel vẫn tiếp nhận sinh viên đang học năm cuối tại các trường Đại học Nông, Lâm nghiệp Việt Nam sang để thực tập, làm việc. Theo hình thức này, thực tập sinh sang thực tập tại Israel với thời hạn 10 tháng (không gia hạn), mức lương trên 1.000 USD/tháng. 

Mới đây, tại Nghị quyết số 225/NQ-CP về Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới, Chính phủ cũng yêu cầu cần thông tin đầy đủ, chính xác trên hệ thống thông tin truyền thông, mạng xã hội về thị trường lao động ở nước ngoài.

Trong đó, tập trung vào các thị trường có điều kiện làm việc tốt, an toàn, mức lương cao.

Cùng với đó, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến, mở rộng thị trường mới tiếp nhận lao động Việt Nam, song ưu tiên các thị trường có điều kiện làm việc tốt, an toàn và có mức thu nhập cao.

Về phía Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng cho biết, trong năm 2024 sẽ đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Đặc biệt là ổn định, duy trì các thị trường hiện có, phát triển, mở rộng thị trường có thu nhập cao, phù hợp với trình độ, kỹ năng của người lao động Việt Nam.

Đồng thời, Bộ cũng sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị nguồn lao động, thực hiện tốt công tác bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.