16:29 05/04/2022

 Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động trong doanh nghiệp nhỏ và vừa

Nhật Dương

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các địa phương sắp xếp, bố trí nguồn lực, kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường triển khai hoạt động đào tạo nghề cho lao động trong doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Việc này để thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động trong doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, có hiệu lực từ 15/10/2021.  

Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đào tạo nghề cho lao động trong doanh nghiệp nhỏ và vừa; sắp xếp, bố trí nguồn lực, kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị của địa phương; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng kế hoạch, triển khai hoạt động đào tạo nghề cho lao động trong doanh nghiệp nhỏ và vừa bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

Việc tổ chức hoạt động đào tạo nghề cho lao động trong doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư số 32/2018/TT- BLĐTBXH hướng dẫn việc hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động của doanh nghiệp nhỏ và vừa được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.

Trước đó, để hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo nghề cho người lao động, khôi phục sản xuất do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Nghị quyết 68 (gói 26.000 tỷ đồng) cũng quy định chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động. Theo đó, người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Mức hỗ trợ tối đa là 1.500.000 đồng/người lao động/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng.

Tuy nhiên, thông tin về kết quả của chính sách này, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chưa thể tổ chức đào tạo tập trung được, số lao động được đào tạo chưa nhiều.

“Thời điểm hiện nay các doanh nghiệp đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để chuẩn bị đào tạo, chúng tôi cũng đang chỉ đạo các địa phương gấp rút tổng kết Nghị quyết 68 để báo cáo Chính phủ dự kiến trong tháng 4, lúc đó sẽ có số liệu cụ thể”, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nói và cho rằng, trong bối cảnh thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, công tác đào tạo nghề cho người lao động trong các doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn trong thời gian tới.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện thị trường lao động phục hồi rất nhanh chóng. Tuy nhiên, vấn đề cần phải quan tâm trong bối cảnh hiện nay là đang thiếu tạm thời lao động phổ thông và lao động có trình độ cao, trong đó, chủ yếu là thiếu lao động trình độ cao.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng từng nhấn mạnh, cần phải chú trọng ổn định lao động trong nước, kể cả lao động giản đơn, lao động trình độ cao, từ đó giải quyết những vấn đề căn cơ về chính sách, về lực lượng lao động, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tránh tình trạng chắp nối như hiện nay, dẫn tới hiệu quả lao động không cao.