09:38 01/03/2023

Doanh nghiệp công nghệ thông tin làm gì để giữ nhịp tăng trưởng trong khó khăn?

Nhĩ Anh

Trong bối cảnh thị trường khó khăn, các doanh nghiệp cung cấp phần mềm và dịch vụ số phải điều chỉnh chiến lược, tập trung nhiều hơn vào tập khách hàng hiện tại và tối ưu chi phí hoạt động vận hành, giúp khách hàng ứng dụng hiệu quả hoạt động, nâng cao sức cạnh tranh...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, năm 2023 là một năm khó khăn với nền kinh tế thế giới. Ngành phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin cũng sẽ bị tác động ảnh hưởng lớn khi các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước cắt giảm đầu tư.

Vậy làm thế nào để các doanh nghiệp phần mềm và cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin có thể duy trì và giữ nhịp tăng trưởng? Câu hỏi này đã được đại diện các doanh nghiệp trong ngành chia sẻ tại hội thảo do Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin (Vinasa) tổ chức chiều ngày 28/2/2023. Hội thảo nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện 20 năm Sao Khuê.

ĐIỀU CHỈNH CHIẾN LƯỢC, TẬP TRUNG VÀO KHÁCH HÀNG HIỆN CÓ, TỐI ƯU CHI PHÍ

Nhìn từ khía cạnh cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho các doanh nghiệp trong nước, ông Lê Hồng Quang, Phó tổng giám đốc thường trực Công ty Cổ phần MISA, cho rằng, môi trường kinh doanh đang thay đổi từ cạnh tranh bằng sản phẩm (sử dụng mũi nhọn là tính năng sản phẩm) trước đây sang cạnh tranh so sánh sản phẩm dịch vụ (sử dụng mũi nhọn là các dịch vụ đi kèm) và hiện nay là cạnh tranh bằng trải nghiệm trong suốt hành trình.

Trước sự thay đổi này, các doanh nghiệp như MISA luôn nghiên cứu đánh giá xu thế để thay đổi phương thức sản xuất, bán hàng, marketing phù hợp

Ông Quang khẳng định, doanh nghiệp xác định lấy khách hàng làm trung tâm và có hành động cụ thể, chú trọng thiết kế các gói giải pháp đồng bộ, tích hợp các giải pháp để giải quyết tổng thể, trọn vẹn nhu cầu đặt ra, giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng và hiệu quả kinh doanh.

Các chuyên gia, doanh nghiệp chia sẻ tại hội thảo
Các chuyên gia, doanh nghiệp chia sẻ tại hội thảo

Cùng với đó thay đổi đào tạo nhân sự lấy khách hàng làm trung tâm. Khi khách hàng có giá trị thì sẽ mang lại doanh thu cho doanh nghiệp. Ngoài ra cần thay đổi thiết kế quy trình công cụ tự động để cải tiến trải nghiệm khách hàng trên môi trường số và gia tăng năng suất kinh doanh.

Điều quan trọng nhất đối với những doanh nghiệp trong lĩnh vực phần mềm và cung cấp giải pháp dịch vụ công nghệ thông tin phải hiểu nhu cầu của khách hàng, những bài toán mà doanh nghiệp đang gặp phải. Trong bối cảnh khách hàng khó khăn thì các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cũng khó khăn. Thực tế có nhiều khách hàng lớn đang triển khai dự án nhưng đã xin dừng lại.

 
Trong bối cảnh thị trường khó khăn, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cần có sự điều chỉnh chiến lược, tập trung nhiều hơn vào tập khách hàng hiện tại và tối ưu chi phí hoạt động vận hành, hạn chế rủi ro là ưu tiên trong việc tìm kiếm khách hàng mới.

Từ phân tích trên, ông Quang cho hay, doanh nghiệp xác định tập trung, chú trọng vào các khách hàng đang hiện hữu, giúp họ ứng dụng hiệu quả, hoạt động tốt, nâng cao sức cạnh tranh, từ đó có thể phát triển cung cấp các dịch vụ khác để mang lại nguồn thu. Điều này sẽ dễ dàng hơn so với việc đầu tư phát triển các sản phẩm dịch vụ mới.

Đặc biệt, càng khó khăn càng phải tập trung vào xây dựng và đào tạo đội ngũ nhân sự bán hàng theo hướng chuyên gia tư vấn để giữ được năng suất tăng trưởng, ông Quang nói.

Chia sẻ quan điểm này để duy trì tăng trưởng, ông Hoàng Trung Thiên Vương, đồng sáng lập kiêm Giám đốc marketing Base.vn cho rằng, trong giai đoạn thị trường sôi nổi, chiến lược các doanh nghiệp là tăng trưởng dựa vào tìm kiếm khách hàng mới.

Tuy nhiên trong bối cảnh thị trường khó khăn, phòng thủ hơn là mạo hiểm thì các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cần có sự điều chỉnh chiến lược, tập trung nhiều hơn vào tập khách hàng hiện tại và tối ưu chi phí hoạt động vận hành, hạn chế rủi ro là ưu tiên trong việc tìm kiếm khách hàng mới.

Trong giai đoạn tối ưu, doanh nghiệp cần tập trung tối ưu quản trị theo 4 chỉ số: tổng doanh thu một công ty tạo ra hàng tháng từ người dùng; tỷ lệ khách hàng rời bỏ; tổng giá trị mong đợi từ khách hàng trong suốt quá trình sử dụng và quản trị chi phí tiếp cận khách hàng.

Một vấn đề sống còn với các nhà cung cấp dịch vụ ngay cả khi thị trường đang tăng trưởng nóng cũng như trong giai đoạn khó khăn chính là việc giảm tỷ lệ khách hàng rời bỏ. Muốn vậy, doanh nghiệp phải chú trọng phân khúc khách hàng, tối ưu luồng chăm sóc khách hàng…

Trong quản trị chi phí tiếp cận khách hàng, các doanh nghiệp phải tối ưu hóa phễu marketing và sale, giảm chi phí, số hóa các điểm chạm, đo lường đánh giá, tối ưu cải thiện từng điểm chạm.

Các doanh nghiệp cần xác định các chỉ số cần cải thiện và đưa ra hành động để giải quyết tốt nhất, từ đó đo lượng đánh giá quá trình thực hiện. Đồng thời không ngừng cải thiện nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, nhất là trong bối cảnh hiện nay, ông Vương chia sẻ.

NIỀM TIN VÀO CƠ HỘI CHUYỂN ĐỔI SỐ

Nhận định ngành công nghệ thông tin  đang đứng trước có hội rất lớn, bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VINASA cho rằng hiện nay, từ Chính phủ tới các cấp bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước cho đến tư nhân đang có hành động thực tế, tích cực thúc đẩy chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ để tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình kinh doanh, tăng trải nghiệm khách hàng.

Doanh nghiệp công nghệ thông tin làm gì để giữ nhịp tăng trưởng trong khó khăn? - Ảnh 1

Không chỉ ở trong nước, thị trường quốc tế cũng đang mở ra những cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin. Ngoài Nhật Bản, thị trường Mỹ đang có mức tăng trưởng và phát triển tốt. Đơn cử như với FPT, nếu như những năm trước thị trường Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn chiếm tới 56% doanh thu thì đến năm 2022, doanh thu thị trường Mỹ đã ngang bằng thị trường Nhật Bản. 

Ở thị trường châu Âu, các nước tìm kiếm các đối tác cung cấp dịch vụ từ thị trường khác để lấp khoảng trống.

Điều đó cho thấy, các doanh nghiệp trong ngành phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin đang có những cơ hội rất lớn để mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu, niềm tin khách hàng để tăng tốc phát triển bền vững, giúp doanh nghiệp khẳng định uy tín, chất lượng.

Dưới góc nhìn của các doanh nghiệp cũng có chung nhận định, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, song các doanh nghiệp công nghệ số vẫn có cơ hội rất lớn. Vấn đề là phải tìm cách vượt qua khó khăn để thành công.

Theo ông Quang, cơ hội thị trường hiện nay là rất lớn. Chuyển đổi số được xác định là động lực, một trong những trọng điểm để Việt Nam đạt được các mục tiêu tăng trưởng. Theo đó người dân giao dịch, thanh toán, mua bán trao đổi trên môi trường số. Các doanh nghiệp ứng dụng các hệ thống điều hành, giao dịch trao đổi mua bán trên môi trường số…

Để duy trì tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn hiện nay, doanh nghiệp cần có niềm tin vào xu thế chuyển đổi số và tự tin có thể vượt qua. Chuyển đổi số đang là một ngành mũi nhọn được chú trọng thúc đẩy ở Việt Nam nên các doanh nghiệp trong ngành cần tận dụng cơ hội này, ông Quang nói.