09:39 28/07/2025

Doanh nghiệp “dồn sức” cho du lịch MICE và du lịch xanh

Tường Bách

Tính chung 7 tháng đầu năm, Hà Nội đã đón hơn 18,3 triệu lượt khách, tăng 11,6%, trong đó khách quốc tế đạt hơn 4,2 triệu lượt. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 73.000 tỷ đồng, tăng gần 15%...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội, tổng lượng khách đến Hà Nội trong tháng 7 ước đạt 2,8 triệu lượt. Trong đó, khách quốc tế đạt hơn 553.000 lượt, với khoảng 390.000 lượt khách có lưu trú. Khách nội địa chiếm 2,25 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 10.680 tỷ đồng.

Hiện nay, Hà Nội có hơn 3.700 cơ sở lưu trú với hơn 71.000 phòng, cùng hệ thống dịch vụ ăn uống, mua sắm, giải trí đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.  Điểm đáng ghi nhận là hệ thống cơ sở lưu trú và dịch vụ đã được đầu tư tương đối đồng bộ, có khoảng 85 khách sạn – khu căn hộ đạt hạng từ 1 đến 5 sao.

GỠ KHÓ CHO TOUR DU LỊCH MICE

Dù kết quả tăng trưởng là tín hiệu tích cực, nhưng ngành du lịch Hà Nội không dừng lại ở những con số. Theo bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, trong tháng 8 và các tháng cuối năm, thành phố sẽ tập trung cho hàng loạt hoạt động chiến lược, không chỉ hướng đến kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, mà còn đặt nền móng cho một chu kỳ phát triển sản phẩm và thị trường dài hạn hơn.

Doanh nghiệp “dồn sức” cho du lịch MICE và du lịch xanh - Ảnh 1

Đặc biệt, tại Diễn đàn du lịch MICE Hà Nội do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức mới đây, Giám đốc Điều hành khách sạn Hà Nội Daewoo Erwin R. Popov đánh giá du lich thủ đô sở hữu nhiều cơ sở lưu trú cao cấp và các dịch vụ chất lượng là điều kiện để đón những đoàn khách lớn. “Hiện trong cơ cấu kinh doanh của khách sạn Hà Nội Daewoo, du lịch MICE luôn được coi trọng bởi loại hình du lịch đóng góp 50% doanh thu của khách sạn,” ông Erwin R. Popov nói.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, du lịch MICE mang lại doanh thu cao gấp 4 đến 6 lần so với những đối tượng khách khác. “Hà Nội từng tổ chức, đón nhiều đoàn khách quốc tế với số lượng lớn đến lưu trú dài ngày," ông Vũ Thế Bình nói. “Nhưng đến nay loại hình du lịch này vẫn chưa trở thành sản phẩm chủ lực của Hà Nội. Nguyên nhân là còn nhiều "điểm nghẽn" trong quá trình đầu tư khai thác tour cần tháo gỡ.

Phản ánh những khó khăn trong quá trình tổ chức các tour du lịch MICE, Giám đốc Công ty Du lịch AZA Nguyễn Tiến Đạt cho biết, mặc dù Hà Nội có các khách sạn 5 sao, các khu resort ở ngoại thành, song sức chứa vẫn khá khiêm tốn. “Nguyên nhân là bởi tất cả hội trường khách sạn 4 - 5 sao đều đã phục vụ đám cưới. Hoặc nếu tổ chức sự kiện 500 người trở lên thì gần như không tìm được địa điểm,” ông Nguyễn Tiến Đạt nêu ví dụ.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Câu lạc bộ du lịch MICE Việt Nam Nguyễn Anh Đức cho rằng những doanh nghiêp làm du lịch MICE thay vì chỉ tổ chức hội thảo, hội nghị nên gia tăng giá trị cho loại hình này. “Chẳng hạn như sau các buổi hội họp, sự kiện, đơn vị tổ chức có thể thiết kế cho khách trải nghiệm sản phẩm văn hóa, khám phá ẩm thực của Thủ đô…,” ông Nguyễn Anh Đức đề xuất.

Doanh nghiệp “dồn sức” cho du lịch MICE và du lịch xanh - Ảnh 2

Tại hội nghị "Triển khai công tác quản lý nhà nước về lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội", Sở Du lịch cho biết cùng với việc cải thiện hạ tầng, nâng cao tiêu chuẩn lưu trú và dịch vụ, ngành du lịch Hà Nội sẽ chú trọng kết hợp giữa MICE và các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, ẩm thực, thủ công truyền thống, giúp kéo dài thời gian lưu trú và gia tăng chi tiêu.

Theo kế hoạch của Sở Du lịch Hà Nội, năm 2025, thành phố đặt mục tiêu đón khoảng 31 triệu lượt khách, trong đó có hơn 7,5 triệu lượt khách quốc tế, với tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 130.000 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu này, việc chuẩn hóa, đảm bảo an toàn tại các cơ sở lưu trú và phát triển mạnh dòng sản phẩm du lịch MICE được coi là hai trụ cột chiến lược.

ĐỂ DU LỊCH XANH TRỞ THÀNH BẢN SẮC

Bên cạnh đó, Hà Nội đang song song phát triển một hệ sinh thái điểm đến, sản phẩm, cộng đồng, truyền thông bền vững và đồng bộ. Hà Nội đã đẩy mạnh du lịch xanh trong nội đô với các sản phẩm sáng tạo như tour xe điện khám phá 28 tuyến phố cổ do Công ty Đồng Xuân tổ chức; tour đi bộ kiến trúc Pháp, tour xe đạp làng cổ Cổ Loa, Bát Tràng, Thăng Long tứ trấn… do Hanoitourist xây dựng.

Trong bối cảnh quốc tế ngày càng đánh giá cao trách nhiệm môi trường và tiêu chuẩn bền vững trong lựa chọn điểm đến, nếu Hà Nội kiên trì lộ trình xanh một cách nghiêm túc, không chỉ nâng tầm thương hiệu mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững cho ngành du lịch. 

Doanh nghiệp “dồn sức” cho du lịch MICE và du lịch xanh - Ảnh 3

Từ năm 2026, khách sạn, khu du lịch không lưu hành và sử dụng các sản phẩm từ nhựa sử dụng một lần gồm bàn chải đánh răng, dao cạo râu, tăm bông, mũ tắm; bao bì nhựa sử dụng một lần chứa, đựng như kem đánh răng, sữa tắm, sữa dưỡng thể, dầu gội, sữa dưỡng tóc... Lộ trình xanh còn được mở rộng tới các quán cà phê, nhà hàng, cửa hàng đồ uống trong khu vực Vành đai 1, từ cuối năm nay.

Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Quốc Trí khẳng định, không thể nói xanh khi chưa giảm thiểu được rác thải nhựa, giảm thiểu rác thải nhựa phải là yêu cầu tiên quyết để du lịch Việt Nam chuyển đổi xanh. Trong đó, ông Vũ Quốc Trí nhấn mạnh 4 vấn đề cốt lõi cần giải quyết là: Quy hoạch xanh; Quản lý điểm đến hiệu quả; Du lịch không rác thải nhựa và carbon thấp; Du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên.

Ở góc độ doanh nghiệp, TS. Phạm Hà, Chủ tịch LuxGroup, cho biết việc đầu tư vào thiết bị tiết kiệm năng lượng, xử lý rác thải, vật tư thân thiện môi trường… đòi hỏi chi phí cao và thời gian hoàn vốn dài. “Sản phẩm du lịch xanh giá thành cao nên khó cạnh tranh cũng như tiếp cận thị trường đại chúng. Các doanh nghiệp triển khai loại hình du lịch này chưa được hưởng ưu đãi về thuế, tín dụng, đấu thầu sản phẩm…, ”TS. Phạm Hà nêu thực tế.

Doanh nghiệp “dồn sức” cho du lịch MICE và du lịch xanh - Ảnh 4

Đồng tình, ông Phùng Quang Thắng, Phó chủ tịch thường trực Chi hội Lữ hành Việt Nam cho biết, hiện đã có một số doanh nghiệp đã triển khai hoạt động du lịch bền vững, hầu như đáp ứng đầy đủ các tiêu chí. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp triển khai sẽ gặp một số khó khăn như: thiếu nhân sự chuyên môn và kinh phí đầu tư ban đầu. Vì thế, để triển khai được cần sự đồng hành từ lãnh đạo đến nhân viên cộng đồng và du khách bắt đầu từ những việc nhỏ nhất.

 

Diễn ra từ ngày 26/9 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) Vietnam MICE Expo 2025 sẽ mang chủ đề “Di sản và công nghệ - Động lực phát triển du lịch MICE trong kỷ nguyên mới”. Sự kiện dự kiến thu hút hơn 800 doanh nghiệp cùng 1.500 đại biểu trong và ngoài nước.

Điểm nhấn của sự kiện gồm: Hội thảo chuyên đề “Di sản và công nghệ - động lực phát triển du lịch MICE trong kỷ nguyên mới”. Phiên kết nối B2B, khu trải nghiệm công nghệ… cùng với các hoạt động bên lề như giải VMA Pickleball Cup lần thứ nhất và giải chạy trực tuyến “Một vòng Việt Nam”.