10:49 05/07/2023

Doanh nghiệp game Việt lo mất hoàn toàn khả năng cạnh tranh trên chính sân nhà

Nếu để ngành công nghiệp game ở Việt Nam suy yếu, thậm chí sụp đổ thì đó là điều rất đáng tiếc, bởi không chỉ vì đây là ngành mà Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng mà còn đi ngược lại chủ trương về phát triển về công nghiệp số, kinh tế số…

Việt Nam vẫn là một thị trường rất béo bở trong mắt các doanh nghiệp game nước ngoài - Ảnh minh họa.
Việt Nam vẫn là một thị trường rất béo bở trong mắt các doanh nghiệp game nước ngoài - Ảnh minh họa.

Nỗi lo trên được nhiều lãnh đạo doanh nghiệp game Việt bày tỏ tại hội thảo “Góp ý Đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 5/7/2023. Ngoài ngành game, hội thảo trên còn có sự tham gia của đại diện các ngành như nước giải khát và thuốc lá, những ngành cũng thuộc diện bị áp dụng (hoặc tăng thuế) thuế tiêu thụ đặc biệt (theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)”).

NGÀNH GAME VIỆT CÓ NHIỀU TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN NHƯNG CHƯA ĐƯỢC KHUYẾN KHÍCH

Trong tham luận gửi tới hội thảo, ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến, VNGGames, cho rằng, đầu tiên cần khẳng định trên thế giới, ngành game là trụ cột trong ngành nội dung số và kinh tế số . Theo ước tính từ Newzoo, tổng doanh thu ngành game năm 2022 trên thế giới đạt 184 tỷ USD và dự kiến năm 2023 sẽ đạt 194 tỷ USD. Cũng theo báo cáo này, năm 2022 trên thế giới có khoảng 3,2 tỷ người chơi game.

Bản chất của trò chơi điện tử trực tuyến nói chung là sáng tạo nội dung trên môi trường Internet để phục vụ cho nhu cầu giải trí của mọi người trong xã hội, và vì thế nên được đối xử bình đẳng như những phần khác của ngành công nghiệp giải trí, giống như phim ảnh, ca nhạc...

Hội thảo “Góp ý Đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)” do VCCI tổ chức sáng 5/7.
Hội thảo “Góp ý Đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)” do VCCI tổ chức sáng 5/7.

Ở các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Tây Ba Nha và nhiều nước khác, trò chơi trực tuyến không chỉ được thừa nhận như là một ngành kinh tế quan trọng, mà còn được xác định là mũi nhọn để xuất khẩu văn hoá ra thế giới. Và vì vậy, những quốc gia này có rất nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển ngành công nghiệp trò chơi trực tuyến.

Gần đây, một số quốc gia khác như Singapore, Các tiểu vương quốc Arab thống Nhất UAE, Jordan,... cũng đã có nhiều sáng kiến, nhiều chính sách thu hút các tập đoàn, các công ty game đến đặt trụ sở và hoạt động. Họ không muốn chậm chân trong ngành công nghiệp được dự đoán sẽ sớm chạm mốc doanh thu 200 tỷ USD này.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, đại diện liên minh các nhà sản xuất và phát hành game Việt Nam, cũng cho rằng, nhiều quốc gia phát triển xem nó như một trụ cột trong quá trình phát triển kinh tế số. Hoạt động của ngành game sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của các sản phẩm bổ trợ khác, có thể chia làm các loại: (1), nhân lực ngành công nghệ thông tin; (2), sáng tạo nội dung (Nhân lực ngành sáng tạo, thiết kế, quảng cáo); (3), thiết bị phần cứng (PC, Mobile, Chip xử lý); (4), truy cập internet (mạng viễn thông).

Theo ông Nghĩa, ngành game luôn nằm trong nhóm tiên phong về đổi mới sáng tạo trong ngành công nghiệp số. Các công ty trong ngành luôn là tiên phong trong việc áp dụng các công nghệ, các phương thức làm việc tiến bộ để phục vụ người dùng. Một ví dụ điển hình là game, cùng với thương mại điện tử đã tác động mạnh mẽ đến việc thanh toán không sử dụng tiền mặt ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, cho rằng Việt Nam dù có nhiều tiềm năng để phát triển ngành game, tuy nhiên phải đối mặt với nhiều định kiến, chưa thực sự được khuyến khích phát triển. Vì vậy doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn và có tốc độ phát triển còn hạn chế.

Cụ thể, Việt Nam cùng với Đông Nam Á được xem là thị trường mới nổi, với lượng người dùng Internet lớn và đang tăng nhanh. Mức tăng trưởng doanh thu ngành game ở Đông Nam Á từ 2020-2025 trung bình ước tính là 8.2% mỗi năm, chỉ số này ở Việt Nam là gần 9%. Doanh thu dự kiến toàn từ ngành game ở thị trường Việt Nam 2022 là 0,8 tỷ USD, Việt Nam vẫn xếp sau các nước trong khu vực như Indonesia (1,8 tỷ USD), Thailand (1 tỷ USD), Malaysia (0,9 tỷ USD), Philippines (0,85 tỷ USD). Tuy nhiên, với tỉ lệ tăng trưởng trung bình 9% 1 năm, cao hơn trung bình của khu vực, cùng với lượng người dùng lớn. Việt Nam vẫn là một thị trường rất béo bở trong mắt các doanh nghiệp nước ngoài.

“Tuy vậy, trong suốt nhiều năm qua ở Việt Nam, xã hội và cộng đồng vẫn dành cho game cái nhìn không thật sự thiện cảm, cho rằng trò chơi trực tuyến chứa các nội dung không lành mạnh, bạo lực, ảnh hưởng lệch lạc, tiêu cực tới giới trẻ, không được khuyến khích phát triển như các ngành giải trí – sáng tạo nội dung số khác” ông Nghĩa giãi bày.

RẤT ĐÁNG TIẾC NẾU NGÀNH GAME VIỆT SUY YẾU, THẬM CHÍ SỤP ĐỔ

Kinh doanh trò chơi điện tử trực tuyến là một ngành kinh doanh có điều kiện. Tất cả các game muốn kinh doanh đều phải được thẩm định nội dung bởi cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành (cụ thể là Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông). Bên cạnh việc phải đảm bảo các yêu cầu về yếu tố nội dung, trò chơi trực tuyến khi đưa ra thị trường luôn có sự phân loại độ tuổi rất rõ ràng và khuyến cáo người dùng trước khi sử dụng.

Hầu hết những nội dung không lành mạnh, lệch chuẩn đều đến từ các game được phát hành trái phép trên lãnh thổ Việt Nam. Những game này không bị quản lý bởi các cơ quan quản lý chuyên ngành, đồng thời cũng không đóng bất cứ khoản thuế nào cho nhà nước Việt Nam.

Đại diện các doanh nghiệp game và ngành game cho rằng, trong nhiều năm qua, doanh nghiệp phát triển game nội địa phải chịu sự cạnh tranh cực kỳ gay gắt từ các tập đoàn game và công nghệ toàn cầu, và dần mất đi sức cạnh tranh ngay trên chính sân nhà. Thực tế, theo thống kê của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, có không đến 20 doanh nghiệp game Việt Nam đang còn hoạt động thường xuyên trên tổng số hơn 200 doanh nghiệp đã đăng ký. Bên cạnh việc nhiều doanh nghiệp Việt rời bỏ thị trường thì cũng có nhiều doanh nghiệp phải đang dần bán mình cho các công ty nước ngoài.

Theo ông Lã Xuân Thắng, các doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với nhà nước, phải cạnh tranh với những doanh nghiệp nước ngoài không phải thực hiện bất cứ nghĩa vụ nào. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chỉ còn khoảng 15% số doanh nghiệp game Việt Nam đã đăng ký còn hoạt động. 85% đã ngừng hoặc chuyển hoạt động ra nước ngoài để được hưởng các cơ chế ưu đãi toàn diện từ thủ tục, hạ tầng cho đến thuế suất.

Ông Thắng chia sẻ từ chính hoạt động sản xuất và kinh doanh của VNG. Cụ thể, năm 2022, doanh thu của VNG giảm 12% so với năm 2021, tổng số thuế mảng game năm 2022 nộp cho ngân sách nhà nước là khoảng 758 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2021 (khoảng 883 tỷ đồng). Số lượng nhân viên mảng sản xuất và kinh doanh game năm 2022 giảm 11% xuống còn 1.132 người và năm 2023 tiếp tục giảm xuống còn khoảng 980 người (giảm 13%).

Do vậy, theo ông Thắng, nếu chồng thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, với những ý kiến đã nêu ở phần trên, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ mất hoàn toàn khả năng cạnh tranh trên chính sân nhà. Thị phần sẽ thuộc về các sản phẩm lậu, không phép và dẫn đến công tác quản lý về nội dung, văn hoá, tài chính,… sẽ trở nên rất nặng nề.

“Nếu để ngành công nghiệp game ở Việt Nam suy yếu , thậm chí sụp đổ thì đó là điều rất đáng tiếc. Không chỉ vì đây là ngành mà Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng mà còn đi ngược lại chủ trương về phát triển về công nghiệp số, kinh tế số của Đảng, Chính phủ, nhiều bộ ngành đã và đang nỗ lực trong thời gian qua”, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến, VNGGames nhìn nhận.