15:37 08/11/2021

Doanh nghiệp hàng tiêu dùng gia tăng phát hành trái phiếu, chỉ sau bất động sản

Giá trị phát hành của các doanh nghiệp nhóm hàng tiêu dùng là 7.284 tỷ đồng, chiếm 21% tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 10/2021...

Báo cáo mới đây của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, trong tháng 10/2021, nhóm doanh nghiệp hàng tiêu dùng đã vươn lên vị trí thứ 2, vượt qua nhóm ngân hàng và chỉ đứng sau nhóm bất động sản về giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

NHÓM DOANH NGHIỆP BẤT ĐỘNG SẢN DẪN ĐẦU VỀ PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU  

Cụ thể, tổng giá trị phát hành của nhóm bất động sản đạt 15.556 tỷ đồng, chiếm 45% tổng giá trị phát hành của cả thị trường trong tháng. Trong khi đó, giá trị phát hành của các doanh nghiệp nhóm hàng tiêu dùng là 7.284 tỷ đồng, chiếm 21%.

Cũng trong tháng 10/2021, có 42 đợt phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp trong nước và 4 đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị là 34.576 tỷ đồng. Các doanh nghiệp đã phát hành ra công chúng gồm: Công ty Cổ phần Glexhomes, Công ty Cổ phần điện Gia Lai, Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh và Công ty Cổ phần Vinhomes.

Đợt phát hành có giá trị lớn nhất trong tháng 10 là đợt phát hành 7.284 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Masan Meatlife, kỳ hạn 3 năm. Một đợt phát hành lớn khác có giá trị phát hành là 4.300 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Osaka Garden, với kỳ hạn 2 năm, lãi suất 10,32%/năm cho kỳ đầu tiên và thả nổi ở các kỳ sau với mục đích nhằm đặt cọc chuyển nhượng dự án. Công ty Cổ phần Vinhomes có đợt phát hành trái phiếu ra công chúng với giá trị 2.280 tỷ đồng, lãi suất cho 4 kỳ hạn đầu là 8,8%/năm, kỳ hạn 3 năm.

Bên cạnh đó, có một số đợt phát hành trái phiếu trong tháng 7-8 nhưng đến nay mới hoàn thành và công bố, nổi bật như: Công ty Cổ phần NOVA W SAND (200 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Địa ốc NOVA (1.000 tỷ đồng) và 3 đợt phát hành trái phiếu của Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ Thương (tổng cộng 1,162 tỷ đồng).

Được biết, trong 9 tháng đầu năm 2021, có tổng cộng 599 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước, trong đó có 582 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 350 nghìn tỷ đồng (chiếm 91% tổng giá trị phát hành), 14 đợt phát hành ra công chúng giá trị 12 nghìn tỷ (chiếm 3% tổng giá trị phát hành) và 3 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế tổng giá trị 1 tỷ USD. Nhóm các ngân hàng thương mại tiếp tục dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 132.3 nghìn tỷ đồng. Trong đó có 31.7 nghìn tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 (chiếm 24%), 75% trái phiếu phát hành kỳ hạn ngắn 2-4 năm. Nhóm bất động sản xếp vị trí thứ 2 với tổng khối lượng phát hành 126.7 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có khoảng 11% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu. Lãi
suất phát hành dao động trong khoảng 8-13%/năm.

Thời gian tới, một số đợt phát hành dự kiến sẽ thực hiện gồm: Công ty Cổ phần Camimex Group với kế hoạch phát hành riêng lẻ tối đa 100 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Đạt Phương dự kiến phát hành riêng lẻ 300 tỷ đồng; Ngân hàng HDBank dự kiến phát hành tối đa 1.500 tỷ đồng…

TĂNG CƯỜNG GIÁM SÁT THỊ TRƯỜNG NHẰM HẠN CHẾ RỦI RO 

Đại diện Vụ Tài chính ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính, đưa ra cảnh báo, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn một số vấn đề như: phần lớn tài sản đảm bảo của trái phiếu là bất động sản, dự án hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu doanh nghiệp, giá trị của tài sản đảm bảo chịu ảnh hưởng diễn biến của thị trường; một số trường hợp chưa tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khi mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ; có doanh nghiệp phát hành với khối lượng lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu.

Do đó, nhằm hạn chế rủi ro và tăng cường quản lý giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai đoàn kiểm tra tại 10 công ty chứng khoán về tình hình cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp.

"Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ kiểm tra một số doanh nghiệp có khối lượng phát hành trái phiếu lớn; phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo và tình hình tài chính yếu kém; đề nghị Ngân hàng Nhà nước thanh tra, giám sát việc tổ chức tín dụng huy động vốn từ phát hành trái phiếu và phối hợp chia sẻ thông tin kết quả kiểm tra, giám sát", đại diện Bộ Tài chính cho biết.