17:59 01/11/2021

Quyết tâm “thanh lọc” thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Ánh Tuyết

Nhìn lại 9 tháng triển khai quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thị trường còn tồn tại không ít vấn đề. Để “hàn gắn” những “vết rạn” tiềm ẩn của thị trường, Bộ Tài chính đang đẩy nhanh lộ trình xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chuẩn hoá nhà phát hành...

Bộ Tài chính đang tăng cường quản lý giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đẩy nhanh lộ trình tái cấu trúc thị trường.
Bộ Tài chính đang tăng cường quản lý giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đẩy nhanh lộ trình tái cấu trúc thị trường.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế - Học viện Tài chính, khẳng định thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu ba không – “không xếp hạng tín nhiệm, không tài sản bảo đảm, không bảo lãnh thanh toán” với khối lượng lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu nên rất đáng báo động, tiềm ẩn rủi ro không chỉ cho nhà đầu tư mà cho cả hệ thống tài chính tiền tệ.

“Chỉ một vài doanh nghiệp nhỏ vỡ nợ thì lòng tin nhà đầu tư với trái phiếu doanh nghiệp sẽ ngay lập tức sụt giảm, doanh nghiệp cũng khó huy động vốn qua kênh này”, ông Thịnh cảnh báo. Còn nếu “vết nứt” lan truyền khiến nhiều doanh nghiệp cùng trong trạng thái “chỉ mành treo chuông”, đứng trước nguy cơ phá sản, ngay lập tức đẩy hệ thống tài chính tiền tệ vào bất ổn, gián đoạn và tạo ra những cú sốc về tài chính.

NHỮNG "HẠT SẠN" CỦA THỊ TRƯỜNG

Thông tin mới nhất về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp 9 tháng của năm 2021, theo Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính, qua công tác quản lý giám sát cho thấy thị trường còn một số vấn đề.

Thứ nhất, phần lớn tài sản đảm bảo của trái phiếu là bất động sản, dự án hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu doanh nghiệp, giá trị của tài sản đảm bảo chịu ảnh hưởng diễn biến của thị trường.

Thứ hai, một số trường hợp chưa tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khi mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.

Thứ ba, có doanh nghiệp phát hành với khối lượng lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu.

Trước thực trạng nhiều doanh nghiệp tình hình tài chính yếu kém vẫn phát hành trái phiếu với khối lượng “khủng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, nhà đầu tư thấy bóng dáng ngân hàng đứng đằng sau, nhầm tưởng trái phiếu được các ngân hàng bảo lãnh, nên “đặt nhầm” lòng tin. Cá biệt có một số doanh nghiệp công bố huy động vốn với lãi suất cao, nhưng không có phương án kinh doanh khả thi rõ ràng, chỉ đưa ra những tuyên bố rất chung chung.

Cần lưu ý, trái phiếu doanh nghiệp có đặc thù là công cụ nợ do doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ. Chính vì vậy, doanh nghiệp hoàn toàn chủ động trong kế hoạch huy động, sử dụng vốn, không chịu sự giám sát như khi vay vốn từ ngân hàng.

Do đó, nhà đầu tư trái phiếu dù chuyên nghiệp cũng khó lòng kiểm soát được tình hình tài chính của doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp chưa niêm yết. Nhà đầu tư lại càng không giám sát được đồng vốn đi đúng đích, để sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chứ không phải đảo nợ, “hô biến” nợ cũ thành nợ mới. Cũng không có gì đảm bảo cho khả năng trả nợ gốc và lãi sau này cho nhà đầu tư.

Từ năm 2020, hàng loạt lời cảnh báo phát ra từ các chuyên gia và Bộ Tài chính khi trái phiếu có dấu hiệu tăng trưởng nóng.

Quyết tâm “thanh lọc” thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 1

Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong giai đoạn 2016-2020, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trên thị trường đạt trên 1.100 nghìn tỷ đồng. Riêng năm 2020, tổng giá trị phát hành đạt 437.689 tỷ đồng, tăng 38,8% so với con số 315.441 tỷ đồng năm 2019.

Sau 9 tháng triển khai quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trong đó “siết” quy định chỉ cho phép nhà đầu tư chuyên nghiệp được mua và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, khối lượng phát hành riêng lẻ vẫn duy trì đà tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 357.000 tỷ đồng, chủ yếu phát hành bởi nhóm doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng.

Trong khi đó, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng chỉ đạt 17.375 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ.

Về nhà đầu tư, tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân là nhà đầu tư chuyên nghiệp mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trên thị trường sơ cấp hiện chỉ chiếm 5,5% khối lượng phát hành, giảm mạnh so với tỷ trọng 12,68% năm 2020. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, các quy định mới phần nào hạn chế các đối tượng nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, không có khả năng đánh giá rủi ro đầu tư trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư này.   

Tuy nhiên, theo ông Đinh Trọng Thịnh, Bộ Tài chính dù đưa ra nhiều kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định, Nghị định nhưng chưa sửa đổi mang tính bài bản, dứt điểm để chấn chỉnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Từ đó, chưa chuẩn hóa chất lượng trái phiếu riêng lẻ, nâng cao chất lượng nhà phát hành, tránh rủi ro cho nhà đầu tư.

SIẾT CHẶT KIỂM TRA, CHẤN CHỈNH VI PHẠM

Nhằm hạn chế rủi ro và tăng cường quản lý giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong tháng 10, Bộ Tài chính chỉ đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước triển khai 4 đoàn kiểm tra tại 10 công ty chứng khoán về tình hình cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp.

Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiến hành kiểm tra một số doanh nghiệp có khối lượng phát hành trái phiếu lớn, phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo và tình hình tài chính yếu kém.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát việc tổ chức tín dụng huy động vốn từ phát hành trái phiếu và phối hợp chia sẻ thông tin kết quả kiểm tra, giám sát.

Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Xây dựng có các giải pháp quản lý thị trường bất động sản, phối hợp quản lý giám sát và cảnh báo các doanh nghiệp bất động sản về rủi ro tăng trưởng nóng. Đồng thời, tổ chức làm việc với Bộ Công an về khung khổ pháp lý và tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp để tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin.

Đáng lưu ý, trước thực tế, nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng lớn nhưng không phục vụ cho sản xuất kinh doanh, trên cơ sở công tác quản lý giám sát và kết quả kiểm tra về tình hình phát hành, cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết đang đánh giá để đề xuất sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP theo hướng hạn chế đối tượng này, tăng cường công khai minh bạch trong huy động vốn trái phiếu.

TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP RIÊNG LẺ SẮP LÊN SÀN

Bên cạnh tăng cường giám sát, một tín hiệu đáng mừng với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, có liên quan đến câu chuyện tái cấu trúc thị trường. 

 
Hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi với dự thảo Thông tư về tổ chức giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trên hệ thống giao dịch chứng khoán của Sở Giao dịch chứng khoán theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP.

Theo đó, để được giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phải đáp ứng 6 tiêu chuẩn. Trong đó, có ba điểm đáng chú ý.

Thứ nhất, doanh nghiệp phát hành có mức vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng trở lên theo báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán.

Thứ hai, hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm giao dịch trên hệ thống phải có lãi và không có lỗ lũy kế căn cứ trên báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán.

Thứ ba, trái phiếu của công ty không phải công ty đại chúng phải có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm thanh toán toàn bộ gốc, lãi khi đến hạn.

Bình luận về dự thảo trên, ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trái phiếu doanh nghiệp muốn giao dịch trên hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của Sở Giao dịch chứng khoán sẽ phải tuân thủ theo những tiêu thức khắt khe hơn, khiến nhà đầu tư cảm thấy an tâm hơn khi giao dịch trên sàn. Bởi doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng hàng loạt yêu cầu về vốn, báo cáo tài chính có kiểm toán, có tài sản đảm bảo. Như vậy, doanh nghiệp tự nâng tầm, công khai minh bạch rõ ràng với nhà đầu tư.

“Còn với những trái phiếu phát hành dưới chuẩn, những doanh nghiệp không muốn phát hành trên sàn vẫn có thể giao dịch trên thị trường phi chính thức. Nhà đầu tư sẽ nhận thấy rõ, mua bán theo hình thức này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể mất vốn sẽ rất cảnh giác. Nhà phát hành tại thị trường phi tập trung cũng huy động vốn rất khó”, ông Thịnh phân tích.

Mới đây, Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư số 57/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 20/7/2021 quy định lộ trình sắp xếp lại thị trường các loại chứng khoán, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp sẽ hoạt động trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) trong năm 2022. Theo đó, chậm nhất đến hết ngày 31/12/2022, HNX thống nhất tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu theo quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn thi hành.

HNX đang tập trung nghiên cứu xây dựng thị trường giao dịch thứ cấp trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tập trung, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chia sẻ gánh nặng dồn lên vai ngân hàng với 60% tín dụng toàn nền kinh tế đến từ kênh ngân hàng, vừa giúp bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

 
PGS.TS, Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế.
PGS.TS, Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế.
Việt Nam mong muốn nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, muốn xây dựng được trung tâm tài chính quốc tế thì phải nâng cấp, hoàn thiện các chuẩn mực chung, đạt chuẩn các doanh nghiệp cũng như hàng hóa trên thị trường chứng khoán.
Từ đó, đáp ứng được những chuẩn mực về công khai, minh bạch, độ an toàn cũng như yếu tố khác để xây dựng và phát triển thị trường tài chính ổn định, bền vững và hội nhập với thị trường tài chính tiền tệ trên thế giới.