19:39 25/08/2021

Doanh nghiệp "khốn khổ" vì mảnh giấy phép, các hiệp hội đồng loạt kêu cứu

Chu Khôi

Hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu, cao su, rau quả, cà phê đứng trước nguy cơ không thể hoàn thành thủ tục xuất nhập khẩu và đảm bảo tiến độ giao hàng do phải làm hồ sơ giấy nhưng gặp khó khăn trong việc xin cấp giấy đi đường...

Doanh nghiệp gặp rất nhiều gian nan trong việc vận chuyển hàng hóa.
Doanh nghiệp gặp rất nhiều gian nan trong việc vận chuyển hàng hóa.

Ngày 25/8/2021, Các hiệp hội ngành hàng, bao gồm Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Hiệp hội Cao su Việt Nam, Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, Hiệp hội Điều Việt Nam, Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM đồng loạt gửi công văn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng các bộ liên quan, Chủ tịch UBND TP.HCM và Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM về việc cấp giấy đi đường cho hội viên hiệp hội để thực hiện nhiệm vụ cấp thiết trong thời gian giãn cách xã hội.

Doanh nghiệp "khốn khổ" vì mảnh giấy phép, các hiệp hội đồng loạt kêu cứu  - Ảnh 1

GIẤY PHÉP MỖI NƠI MỘT KIỂU

Công văn 2796/UBND-VX và Công văn 2800/UBND-VX ngày 21/8/2021 của UBND TP.HCM về tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông, đề cập nhóm đối tượng được cấp giấy phép lưu thông là nhân viên làm việc liên quan xuất nhập khẩu hàng hóa có mã số đơn vị cấp là 3D.

Những nhân viên tại các đơn vị, doanh nghiệp này được đi lại trong thời gian từ 6 giờ đến 18 giờ theo số lượng và phạm vi hoạt động của từng doanh nghiệp.

Ngày 22/8/2021, Sở Công Thương TP.HCM ban hành quy trình hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa (cung ứng dịch vụ logistics) đăng ký cấp giấy đi đường trong thời gian thực hiện giãn cách từ ngày 23/8/2021 đến ngày 5/9/2021.

Trong văn bản kiến nghị, các Hiệp hội nêu trên, cho biết ngay khi nhận được các văn bản nêu trên, đông đảo các doanh nghiệp đã nhanh chóng nộp hồ sơ đến Sở Công thương TP. HCM để đăng ký xin cấp giấy đi đường.

Thế nhưng, ngày 24/8/2021, Sở Công Thương TP.HCM ban hành Công văn số 3996/SCT-QLCN về việc phân công cấp giấy đi đường cho doanh nghiệp sản xuất từ ngày 23/8/2021 đến 6/9/2021 trên địa bàn TP.HCM.

Theo đó, Sở Công Thương chỉ cấp giấy đi đường cho nhân viên của các doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa (doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp); UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện sẽ cấp giấy đi đường cho doanh nghiệp sản xuất vừa cung ứng hàng hóa nội địa, vừa trực tiếp xuất nhập khẩu.

Như vậy, các doanh nghiệp thành viên của các hiệp hội nêu trên sẽ không được Sở Công thương cấp giấy đi đường. Các doanh nghiệp phải nộp đơn đến UBND cấp quận để xin giấy.

 
Đã 5 ngày trôi qua, nếu gửi hồ sơ lần nữa, sẽ phải mất thêm thời gian chờ đợi, trong khi chỉ còn 10 ngày nữa là hết thời hạn 6/9, tức là giấy đi đường nếu được cấp cũng sẽ gần hết thời hạn hiệu lực, sẽ phải xin cấp lại nếu TP.HCM tiếp tục giãn cách.

“Điều này đã và đang gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, khiến cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp bị đình trệ, đồng thời phải đối mặt với tổn thất rất lớn như chi phí lưu kho bãi, hàng hóa để lâu sẽ bị giảm chất lượng, trách nhiệm bồi thường do vi phạm hợp đồng về tiến độ giao hàng cho các khách hàng quốc tế là chưa thể lường trước được”, công văn của các Hiệp hội phản ánh thực tế.

Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay đều phải tự thực hiện bộ hồ sơ xuất khẩu bằng giấy (không có thủ tục online) và các nghiệp vụ liên quan, không phải tất cả đều sử dụng dịch vụ qua các công ty dịch vụ logistics.

Đến thời điểm này, các doanh nghiệp không biết phải đăng ký giấy đi đường ở đâu vì không xác định thuộc diện đối tượng nào và ai phụ trách. Ngoài ra, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Long An tập trung nhiều nhà máy của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu như gạo, gỗ, thủy sản, cao su, rau quả, điều, cà phê, hồ tiêu ...

Trong trường hợp các doanh nghiệp không được phê duyệt cấp giấy đi đường để làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa sẽ gây thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế đất nước nói chung khi mà kim ngạch xuất khẩu của vùng chiếm gần 1/2 của cả nước, hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được, tốn chi phí lưu trữ hàng hóa, nhà máy phải tạm ngưng sản xuất, công nhân mất việc, doanh nghiệp mất uy tín đối với các nhà nhập khẩu.

CẦN THỐNG NHẤT ĐẦU MỐI LIÊN HỆ

Những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến phát triển sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và nông dân. Trong đó, tiêu thụ hàng nông - thủy sản là một trong những vấn đề bức xúc nhất hiện nay.

Thời gian qua, các doanh nghiệp gặp rất nhiều gian nan trong việc vận chuyển hàng hóa ra cảng để giao hàng xuất khẩu. Thực hiện giãn cách xã hội, một số địa phương yêu cầu bắt buộc phải có kết quả PCR mà không chấp nhận chỉ có giấy test nhanh Covid-19.

 
Một địa phương chỉ công nhận thời gian giấy xét nghiệm Covid-19 là 24 giờ hay 48 giờ thay vì theo như quy định là 72 giờ. Điều này là sai quy định và gây khó khăn trong lưu thông hàng hóa.

Rất nhiều đơn hàng đã quá thời hạn giao hàng nhiều ngày, nhưng vẫn chưa thể vận chuyển ra cảng, chưa được bốc xếp lên tàu. Con đường tiêu thụ hàng nông sản không được khai thông thì khả năng doanh nghiệp, nông dân sẽ phải ngừng sản xuất và khó hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng trong năm 2021, khi 70-90% nguồn thu của các ngành hàng hồ tiêu, cà phê, đồ gỗ và nhiều loại nông sản khác phải dựa vào xuất khẩu.

Chính vì vậy, các hiệp hội ngành hàng nêu trên cùng thống nhất và đề xuất tới Thủ tướng Chính phủ cùng các cơ quan Bộ, ngành liên quan khẩn trương có hướng dẫn cụ thể và thống nhất về đầu mối liên hệ cấp phát giấy đi đường đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu.

Đồng thời, tăng cường thêm số lượng cán bộ phụ trách xử lý hồ sơ cho các doanh nghiệp. Cấp giấy đi đường bản mềm và gửi thông báo qua email cho các doanh nghiệp làm cơ sở đi qua các chốt kiểm soát thuận lợi đến Sở Công Thương đóng dấu.

Hiệp hội ngành hàng sẽ là đầu mối và chịu trách nhiệm trong việc lập danh sách doanh nghiệp là hội viên hiệp hội có nhu cầu xin cấp giấy đi đường và gửi trực tiếp tới Sở Công Thương thành phố, tỉnh nhằm giảm tải cho các cơ quan chức năng, đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của hiệp hội trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Người đứng đầu các doanh nghiệp hội viên sẽ chịu trách nhiệm về danh sách đăng ký và cam kết quản lý chặt chẽ danh sách người lao động được cấp giấy đi đường. Đối với các doanh nghiệp không phải là hội viên của hiệp hội sẽ thực hiện thủ tục xin giấy đi đường tại Sở Công Thương và địa phương.