Doanh nghiệp không muốn tăng lương tối thiểu cho người lao động năm 2019
Theo các doanh nghiệp, tăng lương tối thiểu sẽ là gánh nặng lớn cho doanh nghiệp
Trong phiên họp đầu tiên bàn về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 của Hội đồng Tiền lương Quốc gia diễn ra chiều 9/7, ông Mai Đức Chính - Phó chủ tịch tổng Liên đoàn lao động - đại diện cho người lao động cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2018 ước tính tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả đáng ghi nhận trong nhiều năm qua.
Như vậy, người lao động cũng cần được hưởng thành tựu về phát triển kinh tế như trên. Tổng Liên đoàn Lao động đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 khoảng 8% so với mức lương 2018.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đại diện cho giới chủ sử dụng lao động, cho biết, trước khi tham gia phiên họp đầu tiên này, VCCI đã gặp các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tập hợp ý kiến về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019.
Đại đa số các hiệp hội doanh nghiệp đều kiến nghị chưa nên điều chỉnh mức lương tối thiểu trong năm nay.
Theo lý giải của các doanh nghiệp, không tăng lương là để tạo điều kiện cho chủ sử dụng lao động bồi dưỡng sức doanh nghiệp, nâng cao năng lực chi trả, dùng các kinh phí nếu có cho việc đào tạo, nâng cao năng lực tay nghề cho người lao động, đáp ứng yêu cầu công việc, tăng năng suất lao động, từ đó tiếp tục tăng lương tối thiểu vùng trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, theo các doanh nghiệp, tăng lương tối thiểu sẽ là gánh nặng lớn cho doanh nghiệp, không chỉ cho quỹ lương mà còn các chi phí liên quan tới bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và kinh phí công đoàn...
Quỹ tiền lương của doanh nghiệp bao gồm tất cả các khoản tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp có tính chất tiền lương của người lao động thuộc đối tượng đóng Bảo hiểm xã hội.
Trong khi đó, tiền lương tháng dùng làm cơ sở để đóng các loại bảo hiểm bắt buộc như Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là tiền lương trả cho người lao động và dĩ nhiên là không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Do đó, tăng chi phí lương đối với doanh nghiệp, còn làm tăng chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, ông Doãn Mậu Diệp cho biết, theo Nghị quyết 27-NQ/TW, từ nay đến năm 2020, Việt Nam sẽ tiếp tục điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng đáp ứng mức sống tối thiểu, nhấn mạnh tiền lương tối thiểu nhắm tới nhóm lao động có tiền lương thấp nhất trên thị trường và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như GDP, năng suất lao động, tiền lương trên thị trường lao động, khả năng chi trả của doanh nghiệp... để đưa vào thương lượng tiền lương tối thiểu.
"Theo Nghị quyết 27, tinh thần cải cách tiền lương tiến tới Nhà nước sẽ không can thiệp và chính sách tiền lương của doanh nghiệp, thúc đẩy cơ chế thương lượng giữa người sử dụng lao động và người lao động," ông Doãn Mậu Diệp nói.
Cũng tại phiên họp này, đại điện ba bên gồm: Chính phủ, người sử dụng lao động, người lao động đưa ra các phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 để bắt đầu thương lượng, đối thoại và tìm ra phương án chung.
Dự kiến cuộc họp tiền lương quốc gia sẽ tiến hành trong 3 phiên, nếu đạt đồng thuận sớm thì có thể họp 1-2 phiên.