18:12 04/08/2022

Doanh nghiệp lữ hành loay hoay chuyển hướng tour châu Âu

Tường Bách

Mùa du lịch hè 2022, thị trường khách Việt mua tour du lịch nước ngoài (outbound) tăng trưởng trở lại. Trong đó, các sản phẩm "hot", thu hút du khách là tuyến Đông Nam Á, Đông Bắc Á và châu Âu…

Du lịch nội địa đã sắp qua thời gian cao điểm, đa số các doanh nghiệp du lịch cho biết giờ là lúc họ đẩy mạnh khai thác thị trường du lịch nước ngoài 2 chiều. Tuy nhiên, ngày 2/8, website của Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Hà Nội thông báo, hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam cấp từ 1/7/2022 không đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật về thông số ICAO (Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế). Đây là quốc gia thứ ba (sau Đức và Tây Ban Nha) tại châu Âu dừng công nhận mẫu hộ chiếu mới có bìa xanh tím than của Việt Nam.

TOUR CHÂU ÂU ĐANG “HOT” TRỞ LẠI

Theo nhiều doanh nghiệp lữ hành, doanh số cho tour outbound, nghĩa là số lượng khách đi du lịch ở nước ngoài của họ tăng lên từng tháng, cao điểm những tháng hè vừa qua đã tăng lên 30%. Mặc dù hiện nay, giá 1 tour du lịch quốc tế cũng đang tăng khoảng 20% so với thời điểm trước dịch, nhưng vẫn rất đông người tiêu dùng quan tâm.

Bà Trần Phương Linh, Giám đốc Tiếp thị - Công nghệ thông tin của BenThanh Tourist cho biết, công ty đã có kế hoạch cho những tour du lịch mùa thu ở châu Âu, Mỹ, Canada. Dòng sản phẩm du lịch ngắm lá đỏ vẫn luôn được đẩy mạnh trong giai đoạn này. "Chúng tôi cũng phát triển dòng sản phẩm du lịch tâm linh, du lịch hành hương với các chương trình du lịch hành hương Israel, châu Âu hay tới Ấn Độ, Nepal, Sri Lanka theo dấu chân Đức Phật. Đây là dòng sản phẩm du lịch thành công của công ty và được dự đoán sẽ tiếp tục là xu hướng trong thời gian tới," bà Linh chia sẻ.

Ngoài một số tour nước ngoài có chi phí hợp lý, chênh lệch không quá nhiều so với các tour nội địa, dịp vừa qua, theo các công ty lữ hành, khi tỷ giá một số đồng tiền biến động mạnh như, nhiều du khách cũng đã tận dụng đi châu Âu hay một số quốc gia khác. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, hiện nay các công ty lữ hành đang tích cực khảo sát, đánh giá lại sản phẩm cũ để điều chỉnh và nâng cao chất lượng các tour mới để đón khách.

Những người mang USD vào chi tiêu ở châu Âu đang được lợi khoảng 10% so với hồi mùa xuân.
Những người mang USD vào chi tiêu ở châu Âu đang được lợi khoảng 10% so với hồi mùa xuân.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó giám đốc Công ty Du lịch ANZ Việt Nam, đánh giá đây là thời điểm thích hợp để du lịch châu Âu. "Khách đổi tiền Việt sang đồng euro được nhiều hơn trước nên mua sắm, ăn tiêu thoải mái hơn khi du lịch," bà Hằng nói. Theo đó, một suất mì ở Italy có giá quy đổi khoảng 21 USD vào năm ngoái, hiện tại chỉ còn 17 USD. Mỹ phẩm, quần áo hàng hiệu, đang rẻ hơn đáng kể bởi chúng được niêm yết giá bằng euro. Những người mang USD vào chi tiêu ở châu Âu đang được lợi khoảng 10% so với hồi mùa xuân.

Dự báo thị trường du lịch nước ngoài sẽ còn tăng trưởng tốt từ nay đến cuối năm. Theo Tổng cục Thống kê, trước dịch Covid-19, khoảng gần 10 triệu người Việt đi du lịch nước ngoài mỗi năm. Doanh thu du lịch ra nước ngoài thường chiếm khoảng 30 - 40% trong tổng doanh thu du lịch quốc tế của các doanh nghiệp lữ hành.

CẤP BÁCH XỬ LÝ HỘ CHIẾU MẪU MỚI

Lúc này, những doanh nghiệp chuyên tổ chức tour outbound đang theo dõi sát sao động thái của các quốc gia châu Âu nói chung và khối Schengen nói riêng. Việc các nước Đức, Séc, Tây Ban Nha không chấp nhận hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam gây ra nhiều xáo trộn vì đang bước vào mùa cao điểm chào tour. Các doanh nghiệp du lịch lo sợ thiệt hại sẽ càng lớn, nếu Pháp và Italy có động thái tương tự như ba nước trên.

Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Giám đốc Ban Tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel cho biết, công ty đã nhận khoảng hơn 6.000 khách đặt tour đi châu Âu từ đây đến cuối năm. Vietravel đang tư vấn du khách đã và đang chuẩn bị đi châu Âu, trong lịch trình có đến Đức, Tây Ban Nha, Séc sẽ điều chỉnh không đến các quốc gia này.

Hiện nay, Thụy Sĩ và Pháp vẫn là những lựa chọn thay thế tốt nhất ở châu Âu. “Pháp, Hà Lan, Bỉ, Thụy Sĩ, Ý, Bắc Âu là những điểm đến ưa thích của nhiều đoàn khách trong nước. Các quốc gia này vẫn đang chấp nhận hai mẫu hộ chiếu cũ và mới của Việt Nam,” bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh nói.

Đa số tour châu Âu được khách Việt yêu thích nhất đều có Đức trong hành trình. Quốc gia này nổi tiếng với kiến trúc và nền ẩm thực phong phú. Điều quan trọng nhất chính là vị trí đắc địa của Đức. Quốc gia này nằm ở trung tâm châu Âu, thuận tiện kết nối với những điểm đến khác như Pháp, Bỉ, Hà Lan. Nhiều công ty lữ hành thường lựa chọn tới Đức và trở về từ Đức do có đường bay thẳng. Giờ đây, nhiều công ty du lịch đã đổi đường bay Việt Nam - Đức thành Việt Nam - Pháp. Sau khi tới Pháp, đoàn sẽ di chuyển sang Đức để đảm bảo lịch trình. 

Giám đốc Công ty Vietfoot Travel Phạm Duy Nghĩa cho biết, trong tháng 8, doanh nghiệp này có 4 đoàn khách sang Đức (mỗi đoàn từ 4 - 5 người). “Với thông báo từ Đức, chúng tôi phải tính đến trường hợp lùi ngày khởi hành cho đoàn khách quốc tế,” ông Phạm Duy Nghĩa chia sẻ. “Cụ thể, chúng tôi gợi ý du khách lùi thời gian sang tháng 10 hoặc tháng 11 để chờ động thái mới. Trong trường hợp không thể thuyết phục du khách, công ty chấp nhận mất tiền. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp chữa cháy tạm thời," ông Nghĩa thông tin.

Đa số tour châu Âu được khách Việt yêu thích nhất đều có Đức trong hành trình.
Đa số tour châu Âu được khách Việt yêu thích nhất đều có Đức trong hành trình.

Ông Ngô Văn Thỏa, Giám đốc Công ty Du lịch châu Mỹ (Pan American Travel) cho biết các doanh nghiệp sẽ thiệt hại vô cùng lớn nếu các nước châu Âu đồng loạt không công nhận hộ chiếu mẫu mới của du khách Việt Nam. "Với các tour đường dài, doanh nghiệp đã phải đặt vé trước từ 3 - 6 tháng, đặt khách sạn, nhà hàng… chưa kể chi phí vận hành hay bán hàng. Du lịch chịu thiệt hại trực tiếp nhưng xa hơn, nếu các nước ngoài Schengen cũng hành động tương tự thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại của người Việt Nam," ông Ngô Văn Thỏa nói.

Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp lữ hành quốc tế hiện khuyến cáo du khách có nhu cầu đi châu Âu, hộ chiếu còn thời hạn trên 6 tháng thì không nên đổi hộ chiếu sớm. “Giải pháp tốt nhất, các cấp quản lý nên xem xét lại mẫu hộ chiếu mới, bổ sung thêm các thông tin cơ bản. Đối với hộ chiếu đã cấp có thể thu hồi và bổ sung thêm phụ lục về những thông tin mà đa số các nước trên thế giới chấp nhận,” ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Image Travel & Events kiến nghị.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022 diễn ra sáng 3/8 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lưu ý Bộ Công an nghiên cứu và có giải pháp về vấn đề liên quan tới mẫu hộ chiếu mới, tránh những tác động bất lợi trong bối cảnh mở cửa, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tại họp báo Chính phủ chiều cùng ngày, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, cho biết Bộ Công an và Bộ Ngoại giao đang phối hợp cùng đối tác các nước xử lý các vấn đề mang tính kỹ thuật đối với hộ chiếu mẫu mới. "Trước mắt chúng tôi sẽ bổ sung phần ghi chú nơi sinh trong hộ chiếu mới, nếu cần. Công dân muốn bổ sung thì đến Cục Quản lý Xuất nhập cảnh hoặc cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để bổ sung," Trung tướng Tô Ân Xô nói.

 

Hiện nay trong số 26 nước Schengen, các đơn vị lữ hành Việt Nam chủ yếu khai thác tour đi châu Âu tới Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đức, Italy, Thụy Sĩ, Hungary, Séc, Đan Mạch, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha.

Visa du lịch được xin chủ yếu ở đầu Pháp, Italy (với cung đường Tây và Nam Âu), Đan Mạch (với cung Bắc Âu), Hungary/Đức (với cung Đông Âu), Tây Ban Nha (với cung Nam Âu).