17:41 05/03/2022

Doanh nghiệp lữ hành: Nhiều nỗi lo trước giờ “mở cửa”

Tường Bách

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa đưa ra kiến nghị sau ngày 15/3, du khách quốc tế đến Việt Nam được nhập cảnh khi xét nghiệm âm tính bằng RT-PCR và không cần tự cách ly trong 72 giờ… 

Đại diện các bộ cũng đề xuất Việt Nam miễn visa đơn phương cho 13 nước và song phương cho 88 quốc gia/vùng lãnh thổ như trước khi có dịch. Các chính sách này cùng chung tinh thần cởi mở, hướng đến sự bình đẳng cho khách du lịch, sẽ tạo điều kiện tốt nhất để thu hút du khách quốc tế tới Việt Nam. Bên cạnh đó, về phía các doanh nghiệp, từ nay tới ngày mở cửa du lịch 15/3 tới đây, vẫn còn nhiều những nỗi lo.

VẮNG KHÁCH NGA VÀ THIẾU NHÂN LỰC

Năm 2019, bãi biển Khánh Hòa đón 463.000 lượt khách Nga, chiếm hơn 70% lượng khách Nga đến Việt Nam. Đây cũng là một trong những thị trường truyền thống, đóng vai trò chủ lực trong dòng khách quốc tế đến TP. Nha Trang. Đặc biệt, thói quen và hành vi tiêu dùng của khách du lịch Nga được các doanh nghiệp du lịch đánh giá cao bởi thời gian lưu trú dài ngày, mức chi tiêu khá (110 USD/ngày/khách).

Ông Nguyễn Đức Tấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Anex Việt Nam, cho biết: “Khách hàng Nga chiếm thị phần lớn trong kế hoạch kinh doanh của công ty. Hiện tại, Anex Việt Nam là đơn vị đang thí điểm đưa khách Nga có hộ chiếu vaccine đến Khánh Hòa. Tuy nhiên do tình hình chính trị căng thẳng, gần đây một số khách Nga đã hủy tour do đồng Rúp mất giá và lo ngại các lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây”.

Là năm đầu tiên đón khách Nga, Alma Resort Cam Ranh cũng nhiều kỳ vọng vào thị trường này, giờ có chung nỗi lo. Bà Vũ Hương Giang, Quản lý khu nghỉ dưỡng, cho biết đã có kế hoạch làm việc với đối tác ở Nga để đón khách ngay khi du lịch Việt Nam mở cửa vào tháng 3. Tuy nhiên vì Nga và Ukraine đang có xung đột nên đối tác phải lùi lịch ký kết hợp tác. Sang tuần, khu nghỉ dưỡng sẽ có cuộc họp cùng công ty du lịch này để xây dựng chiến lược tương ứng với tình hình.

Trong ngắn hạn muốn chiến lược mở cửa thành công, du lịch Việt Nam cần chia nhỏ thị trường có khả năng phục hồi nhanh, mạnh, bền vững, và đúng mùa du lịch.
Trong ngắn hạn muốn chiến lược mở cửa thành công, du lịch Việt Nam cần chia nhỏ thị trường có khả năng phục hồi nhanh, mạnh, bền vững, và đúng mùa du lịch.

Bên cạnh nỗi lo vắng khách, nhiều doanh nghiệp tại các thành phố du lịch cũng đang “đau đầu” với việc tuyển nhân sự. Theo thông tin từ Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, hơn 80% doanh nghiệp du lịch tại thành phố phải đóng cửa trong thời gian dài, nhân sự nghỉ việc đã tìm kiếm công việc mới nên rất khó mời họ quay trở lại. Nhu cầu cấp thiết của các khách sạn, các công ty du lịch là tuyển dụng và đào tạo lại lao động. 

 
Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong năm 2020, doanh nghiệp du lịch cắt giảm 70 - 80% nhân sự. Năm 2021, số lượng nhân sự làm đủ thời gian chỉ còn 25% so với năm 2020. Nhân sự đang thực sự là vấn đề nan giải ở các doanh nghiệp lữ hành.

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, nhiều công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ tại Đà Nẵng liên tục đăng thông tin tuyển dụng nhân sự để chuẩn bị mở cửa đón khách trở lại. Khách sạn Century (đường Võ Văn Kiệt, Sơn Trà, Đà Nẵng) treo băng rôn tuyển dụng hầu như mọi vị trí nhân sự từ giám đốc điều hành, kế toán, cho đến buồng phòng… Và đây cũng chỉ là một trong số rất nhiều công ty, doanh nghiệp du lịch cần lao động để mở cửa trở lại.

Trong khi đó, đại diện khách sạn The Scecret (Côn Đảo) cũng cho biết, thiếu nhân sự phục vụ là khó khăn chung của nhiều khách sạn, resort trên đảo. Tình trạng này đã diễn ra từ trước Tết Nguyên đán 2022 và ngày càng nghiêm trọng hơn khi lượng khách tăng. “Không có khách thì lực lượng đầu bếp sẽ không có việc, lễ tân, nhân viên dọn phòng cũng phải cắt giảm vì phòng không được sử dụng. Tuy nhiên thời gian nghỉ quá dài, một số nhân viên đã chuyển hẳn sang làm việc khác. Bây giờ hoạt động lại, doanh nghiệp chỉ còn một số ít nhân sự và phải tuyển những người mới để đào tạo lại từ đầu,” vị này nói.

CHỜ NHỮNG PHƯƠNG ÁN CỤ THỂ VÀ KHẢ THI

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp du lịch cho rằng, trong ngắn hạn muốn chiến lược mở cửa thành công, du lịch Việt Nam cần chia nhỏ thị trường có khả năng phục hồi nhanh, mạnh, bền vững, và đúng mùa du lịch của khách vào mùa hè như khách châu Âu. Cùng với đó, khách du lịch từ các nước Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Australia cũng là thị trường hứa hẹn đối với ngành du lịch Việt Nam.

Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp cho biết chưa thể bán tour cho khách quốc tế vì đến nay chưa có phương án, hướng dẫn cụ thể. "Chúng ta chậm đưa ra hướng dẫn cụ thể làm hạn chế cơ hội phục hồi của ngành du lịch. Du khách đang có đa dạng lựa chọn về điểm đến và lên kế hoạch cho chuyến đi, thay vì chọn Việt Nam trong 3 - 6 tháng tới," bà Hoàng Thùy Linh, Phó giám đốc phòng Tiếp thị Truyền thông Saigontourist nhận định.

Giám đốc điều hành Topas Explorer Group Việt Nam, Trần Ngọc Quân, cho hay khách quốc tế thường lên kế hoạch nhiều tháng trước khi khởi hành nhưng Việt Nam chưa có hướng dẫn cụ thể, nên một vài tháng tới có thể vẫn vắng khách. "Nhiều khách du lịch có thể đã và đang chọn điểm đến khác thay vì nước ta. Ngoài ra, Việt Nam chỉ chấp nhận thời hạn không quá 6 tháng của giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine Covid-19 cũng là một trở ngại cho du khách. Rất mong quyết định chính thức với điều kiện thông thoáng sẽ được đưa ra sớm, để chúng tôi có cơ hội đón khách trong thời gian sớm nhất," ông Quân nói.

Các quy định thắt chặt về cách ly và test Covid-19 liên tục có thể sẽ khiến khách quốc tế ái ngại.
Các quy định thắt chặt về cách ly và test Covid-19 liên tục có thể sẽ khiến khách quốc tế ái ngại.

Đến thời điểm này, một số quy định tại văn bản góp ý của Bộ Y tế về Dự thảo Phương án đón khách quốc tế của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang khiến các doanh nghiệp trong nước không đồng tình. Theo đại diện nhiều doanh nghiệp lữ hành, du lịch, các quy định thắt chặt về cách ly và test Covid-19 liên tục sẽ khiến khách quốc tế ái ngại, nhiều khả năng chuyển hướng tới các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Campuchia, Indonesia...

"Quy định trong dự thảo của Bộ Y tế sẽ làm khó cho du khách quốc tế. Du khách sẽ phải cách ly tại nơi cư trú trong 72 giờ, trong đó 24 giờ là bắt buộc, nếu khách di chuyển sang nơi khác sẽ phải xét nghiệm 3 lần trong 3 ngày. Nếu họ sang Việt Nam, họ thấy quy chế khá nghiêm ngặt như vậy có thể họ sẽ đổi hướng sang một nước khác", ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing Công ty Du lịch Best Price, cho biết.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, chia sẻ: "Theo tôi, nên tuân thủ chủ trương của Chính phủ là thích ứng an toàn, linh hoạt, thực hiện mục tiêu kép vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, đồng thời phát triển kinh tế. Khi khách nhập cảnh vào Việt Nam, xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 là được. Hiện nay các thị trường không cho khách đi đã khó khăn rồi mà mình còn tạo thêm rào cản thì quá khó”.

Còn Hiệp hội lữ hành Việt Nam cho biết, quan điểm của ngành du lịch vẫn nhất quán, đó là nên tháo gỡ các quy định cách ly chặt chẽ với người nước ngoài sang Việt Nam du lịch đã tiêm vaccine và có kết quả test PCR âm tính trước khi khởi hành. "Chúng tôi tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế cân nhắc lại yêu cầu của mình đối với khách du lịch để làm sao chúng ta vừa đảm bảo chống dịch, nhưng chúng ta vẫn đủ các điều kiện cần thiết, tạo sự thuận lợi để ngành du lịch phát triển chứ không phải chúng ta đưa ra những quy định không áp dụng được hoặc hạn chế du khách đến Việt Nam," ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng ban truyền thông, Hiệp hội lữ hành Việt Nam, cho hay.