Doanh nghiệp ngành thủy sản khó trụ với “3 tại chỗ”
Từ nửa tháng 7 đến nay, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đã làm các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản phía Nam tụt dốc. Ngày 8/8/2021, Thủ tướng sẽ gặp các doanh nghiệp trong đó có các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thủy sản tìm cách tháo gỡ khó khăn chặn sự đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, xuất khẩu…
Làm sao giữ được chuỗi sản xuất, xuất khẩu thủy sản tại khu vực trọng điểm là bài toán nan giải của 270 doanh nghiệp lớn, nhỏ đang hoạt động trong chuỗi này. Hầu hết các doanh nghiệp đều tập trung ở Đồng bằng Sông Cửu Long và các tỉnh Nam Trung Bộ nơi dịch Covid-19 đang bùng phát dữ dội.
THIẾU NGUỒN LỰC CHO “BA TẠI CHỖ”
Bảy tháng đầu năm 2021 dù dịch bệnh nhưng sản lượng của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thủy sản vẫn tăng 11% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 4,88 tỷ USD. Làn sóng Covid-19 lần thứ tư ập đến đúng vào giai đoạn cao điểm trong sản xuất nên càng ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.
Sản lượng nửa cuối tháng 7/2021 đã giảm ngay 15% đến 20% so với nửa đầu tháng, khiến cho kim ngạch xuất thủy sản cả tháng giảm khoảng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, ước mất 763 triệu USD. Lý giải về sự sụt giảm này khá đơn giản bởi chúng ta phải ưu tiên cho các biện pháp phòng chống dịch. Các tỉnh, thành phố buộc các doanh nghiệp muốn duy trì hoạt động phải đảm bảo các điều kiện không để dịch bệnh lan vào doanh nghiệp, tức là phải tổ chức sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”.
Đây là mô hình rút ra từ các doanh nghiệp của hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang trong đợt địch trước đó, giúp họ đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, duy trì sản xuất, đảm bảo sự liên tục của chuỗi sản xuất, cung ứng. Mấu chốt của các mô hình trên là tạo ra vùng xanh trong khu sản xuất, không để virus Covid-19 chủng mới xâm nhập vào.
Để có một vùng xanh như vậy, đòi hòi doanh nghiệp phải có nguồn lực tài chính đủ đảm bảo “3 tại chỗ”. Muốn vậy, thứ nhất, doanh nghiệp phải đảm bảo những người lao động nằm trong dây chuyện sản xuất, phục vụ hậu cần phải “sạch” virus. Mọi người phải tuyệt đối tuân thủ 5K với các dụng cụ bảo hộ y tế và hàng tuần phải làm xét nghiệm cho người lao động, có đủ mặt bằng bố trí chỗ nghỉ ngơi cho người lao động. Ngoài ra còn có các thiết bị công nghệ để kiểm tra giám sát chặt chẽ các hoạt động phòng chống dịch trong vùng xanh.
Thứ hai, các đối tác, chuyên gia, khách đến làm việc tại các nhà máy cũng phải có các biện pháp nghiêm ngặt trong phòng chống dịch, không để tiếp tình trạng tiếp xúc thiếu kiểm soát nhất là khi chưa biết người đến có nhiễm virus hay không? Thứ ba, là hệ thống kiểm tra, khử khuẩn người, xe vận chuyển vào ra khu vực sản xuất kể cả người ở khu vực làm hành chính, cách bố trí nơi đón xe, đưa hàng đều phải chú ý không tạo khe hở để dịch xâm nhập… Nếu sơ sảy một chút trong các vấn đề trên lập tức vùng xanh sẽ thành vùng đỏ, thành ổ dịch.
Với những đòi hỏi như vậy, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết chỉ có khoảng 30% các doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ” để đi vào hoạt động. Và các nhà máy này cũng chỉ có thể huy động khoảng 30 - 50% số lượng công nhân, số còn lại phải nghỉ việc hoặc nghỉ không lương. Do đó công suất sản xuất trung bình đã giảm chỉ còn 40 - 50% so với trước đây. Tuy nhiên, chưa đầy một tháng áp dụng mô hình "3 tại chỗ" các doanh nghiệp đã thấy đuối sức, không đủ nguồn lực chi phí đảm bảo cho “3 tại chỗ”, không thể thiết lập “hàng rào” đảm bảo ngăn ngừa sự xâm nhập của chủng virus Delta.
HAI LOẠI VACCINE CHẶN SỰ ĐỨT GÃY CHUỖI SẢN XUẤT
Quả thật, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thủy sản áp dụng mô hình “3 tại chỗ” không dễ dàng như các doanh nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang. Có nhiều nguyên nhân, nhưng cơ bản có thể là do ba nguyên nhân chủ yếu: Tính tự giác thực hiện kỷ luật chống dịch chưa triệt để, chưa cao ở nhà máy; Quy mô diễn biến dịch bệnh ở các tỉnh phía Nam dữ dội hơn, lan rộng hơn; Và tiềm lực tài chính, quy mô công nghệ hay sức khỏe của những doanh nghiệp này chưa đủ kháng thể để bảo vệ.
Các chuyên gia dịch tễ và kinh tế học cũng cho rằng chúng ta cần phải bằng mọi cách có vaccine mới có thể “sống chung với đại dịch”. Không những phải có vaccine để tiêm chủng cho người lao động mà cần cả “vaccine” chính sách cho doanh nghiệp và cả người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Hầu như nhiều đơn hàng của các doanh nghiệp này phải gác lại hoặc bị hủy trong khi các chi phí đảm bảo “3 tại chỗ” như chi phí xét nghiệm hàng tuần, chi phí trang bị các điều kiện cho công nhân, chi phí trả thêm lương công nhân, chi phí điện sản xuất và duy trì kho đông lạnh trữ hàng, chi phí cước tàu biển tất cả đều tăng vọt, khiến doanh nghiệp không đủ sức chịu đựng với thời gian dài…
VASEP và các doanh nghiệp cho rằng, việc thực hiện “3 tại chỗ” của các doanh nghiệp chỉ là biện pháp tình thế tạm thời, còn lâu dài quá 2 - 3 tuần thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể chịu nổi. Còn các các doanh nghiệp lớn hơn có thể ráng chịu trong vòng 4 - 5 tuần.
Để thoát ra khỏi tình trạng này, cần một cái nhìn tích cực tương thích với chiến lược phòng chống dịch của Việt Nam là 5K cộng với tiêm vaccine. Các chuyên gia dịch tễ và kinh tế học cũng cho rằng chúng ta cần phải bằng mọi cách có vaccine mới có thể “sống chung với đại dịch”. Vì thế, Hiệp hội VASEP cho rằng với biến thể mới là chủng virus Delta, thì chống đứt gãy chuỗi sản xuất cũng phải nhìn theo hướng này, tức là phải có vaccine cho doanh nghiệp. Không phải một loại vaccine mà phải cần đến hai loại.
Loại thứ nhất, đó là “vaccine” chính sách cho doanh nghiệp và cả người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đó là các gói hỗ trợ, giảm thuế, giảm đóng công đoàn phí, giảm tiền điện, hạ lãi suất cho vay… Loại vaccine này Chính phủ cũng đã có nhưng các địa phương, bộ, ngành cần triển khai khẩn cấp như tiêm vaccine phòng chống Covid-19.
Còn loại vaccine thứ 2, do lượng vaccine còn hạn chế và không có ngay một lúc để tiêm cho đủ 80% dân số, cho nên cần có sự ưu tiên sử dụng trước, sau. Để chống đứt gãy chuỗi sản xuất cung ứng đề nghị Chính phủ bằng mọi cách ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng y tế chống dịch và lực lượng lao động sản xuất, kinh doanh, lưu thông các mặt hàng thiết yếu; trong các nhà máy, các khu công nghiệp… trong đó đặc biệt ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng lao động tại các nhà máy đang áp dụng phương thức “3 tại chỗ” tại các địa phương.
Nếu có vaccine cho người lao động tại các nhà máy chế biến thủy sản, chúng ta sẽ vừa giữ được thị trường đối tác xuất khẩu, vừa duy trì được sản xuất và công ăn việc làm cho rất nhiều lao động, bao gồm cả nông - ngư dân khai thác biển và sản xuất nguyên liệu ở trong nước.
Mặt khác, Hiệp hội VASEP cũng kiến nghị Bộ y tế cần có một bộ quy tắc chuẩn mực, thống nhất hướng dẫn thực hiện “y tế tại chỗ” cho các doanh nghiệp. Linh hồn của bộ quy tắc là cách thức phối hợp, chia sẻ giữa doanh nghiệp và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC). Dựa vào hướng dẫn các doanh nghiệp sẽ chủ động sử dụng y tế của nhà máy, công ty để tổ chức xét nghiệm cho người lao động mỗi tháng 2 lần, mẫu xét nghiệm sẽ gửi cho cơ quan y tế và kết quả tự xét nghiệm của doanh nghiệp được áp dụng trong lưu thông và giao dịch.
CDC cũng sẽ tổ chức xét nghiệm cho doanh nghiệp 1 lần/tháng, như vậy sẽ đảm bảo mỗi công nhân được xét nghiệm 3 lần/tháng. Doanh nghiệp còn có thể chủ động sáng tạo thực hiện các giải pháp sống chung với dịch như “1 cung đường – 2 địa điểm”… khi người lao động được tiêm vaccine đầy đủ.