Doanh nghiệp Nhật Bản muốn tăng tỷ lệ nội địa hoá tại Việt Nam
Tỷ lệ nội địa hoá nguyên liệu, vật tư, linh kiện của Trung Quốc khoảng 70%, của Thái Lan 60% và của Việt Nam là 37%. Như vậy, có thể thấy doanh nghiệp tại Việt Nam phụ thuộc vào việc nhập khẩu trên 60%. Đây là nguyên nhân dẫn đến gia tăng chi phí và rủi ro lớn đối với lĩnh vực chế tạo...
"Dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng xu hướng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam vẫn rất lạc quan", ông Keisuke Kobayashi, Phó trưởng đại diện Tổ chức thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (Jetro) Văn phòng đại diện tại Hà Nội, cho biết như vậy tại Diễn đàn công nghiệp hỗ trợ Việt Nam 2021 vừa diễn ra mới đây tại Hà Nội.
DOANH NGHIỆP NHẬT BẢN VẪN CHỌN VIỆT NAM ĐỂ ĐẦU TƯ
Trong số 55 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm, Nhật Bản vẫn là nhà đầu tư lớn thứ 2 với số vốn đầu tư đạt 1,66 tỷ USD, chiếm 17,4%.
Năm 2019, số dự án đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam là 680 dự án, đạt mức cao nhất từ trước đến nay đối với Nhật Bản. Bước sang năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên số dự án và số vốn đầu tư giảm. Tuy nhiên từ tháng 1 đến tháng 5/2021, số vốn đầu tư đã phục hồi 5 lần so với cùng kỳ năm trước do có các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn và đầu tư mở rộng của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Không những vậy, theo khảo sát của Jetro năm 2020, có gần 50% doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang đầu tư vào Việt Nam trả lời rằng “muốn mở rộng hoạt động kinh doanh” trong thời gian 1 đến 2 năm tới. Con số này tính trong phạm vi các nước Asean cũng thuộc top đầu.
“Mong muốn đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vẫn duy trì ở mức cao so với các nước xung quanh. Nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 dịu xuống, tôi tin rằng mức độ đầu tư sẽ tăng lên”, ông Keisuke Kobayashi cho biết.
PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ, GIỮ CHÂN NHÀ ĐẦU TƯ
Tuy nhiên, đại diện Jetro cũng thừa nhận là có những khó khăn. Một trong khó khăn đó là tỷ lệ nội địa hoá nguyên liệu, vật tư, linh kiện còn thấp. Tỷ lệ của Trung Quốc khoảng 70%, tỷ lệ của Thái Lan 60% và tỷ lệ của Việt Nam là 37%. Con số này cho thấy, doanh nghiệp phụ thuộc vào việc nhập khẩu trên 60%. Đây là nguyên nhân dẫn đến gia tăng chi phí và rủi ro lớn đối với lĩnh vực chế tạo.
Đồng thời do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên chuỗi cung ứng bị gián đoạn, chi phí vận chuyển tăng cao. Chính vì vậy, doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn nâng cao hơn nữa hoạt động nội địa hoá tại Việt Nam.
Nếu nhìn ở góc độ thương mại của Việt Nam, đại diện Jetro cho rằng, tỷ trọng tính theo quốc gia và khu vực thì Việt Nam nhập khẩu từ các nước Đông Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và xuất khẩu đi thị trường thế giới như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản.
Còn xét về tỷ trọng tính theo mặt hàng, Việt Nam giảm xuất khẩu dầu thô, các loại thuỷ sản, đồ nội thất và tăng xuất khẩu thiết bị điện như điện thoại di động, linh kiện, máy móc thông thường như máy tính, máy in.
Thương mại giữa Việt Nam với Nhật Bản cũng có xu hướng tương tự. Việt Nam giảm xuất khẩu dầu thô, các loại thuỷ sản và tăng xuất khẩu thiết bị điện như cụm dây dẫn điện, điện thoại di động, may mặc.
“Có thể thấy số lượng mặt hàng được Việt Nam sản xuất gia công theo hình thức phân công lao động quốc tế đang ngày càng tăng. Cùng với sự phát triển của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (bao gồm cả công ty Nhật Bản…) tại thị trường Việt Nam trong các lĩnh vực như: smartphone, máy in, ô tô… chứng tỏ Việt Nam đang được đưa vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Keisuke Kobayashi đánh giá.
Ngoài ra, với việc xuất khẩu sản phẩm cuối cùng đã hoàn thiện như: điện thoại di động, máy in, hàng may mặc thì việc xuất khẩu các linh kiện, phụ tùng liên quan cũng đang dần tăng lên. Điều này khẳng định, các nhà sản xuất linh kiện, phụ tùng của Việt Nam đang dần được tích luỹ năng lực sản xuất.
Theo khảo sát của Jetro, tỷ lệ nội địa hoá của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam vẫn còn thấp và sự tập trung (tích luỹ) của các nhà sản xuất linh kiện, phụ tùng là chưa đủ. Do đó, để các nhà sản xuất linh kiện có thể tích luỹ hơn nữa trong tương lai hay nói cách khác, một trong những việc quan trọng để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ là cải thiện doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành công nghiệp hỗ trợ.
Để cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (nơi có ít nhân sự hơn các doanh nghiệp lớn) trong lĩnh vực này có thể kinh doanh thuận lợi, theo ông Keisuke Kobayashi, điều quan trọng là nâng cao tính minh bạch, sự rõ ràng của hệ thống các quy định khác nhau liên quan đến đầu tư, thương mại, hành chính nhân sự và lao động.