Doanh nghiệp sẵn sàng tham gia thị trường tín chỉ carbon
Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin bước vào thị trường carbon toàn cầu không chỉ bằng nguồn tài nguyên sẵn có, mà bằng sự chuyên nghiệp, công bằng và bền vững. Nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực trồng rừng, canh tác nông nghiệp, năng lượng… đang rất hào hứng tham gia cơ chế tín chỉ chung, sẵn sàng cho thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam…

Trong xu thế toàn cầu hóa xanh, Việt Nam đang từng bước biến rừng thành “bể chứa carbon tự nhiên” để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tại những cánh rừng trồng của Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn và Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn ở Gia Lai, các cán bộ kỹ thuật đã sử dụng máy bay không người lái (UAV/drone) để giám sát và xác định sinh khối rừng, từ đó tính toán lượng carbon được hấp thụ và lưu trữ trong rừng.
Các hoạt động đưa tiến bộ kỹ thuật mới chăm sóc rừng chuyển đổi từ rừng ngắn ngày thành rừng cây gỗ lớn, tăng sinh khối rừng và đo đạc lưu trữ carbon đến hướng tới bán tín chỉ carbon rừng tại đây là một trong những kết quả của Dự án hỗ trợ “Nhân rộng quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng tại Việt Nam” (SFM).
Dự án SFM do Chính phủ Cộng hòa liên bang Đức tài trợ thông qua Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam thực hiện, được triển khai tại ba tỉnh Bình Định (nay là Gia Lai), Quảng Trị và Phú Yên (nay là Đắk Lắk) trong giai đoạn 2022 – 2025.
ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ VÀO ĐO ĐẠC TRỮ LƯỢNG CARBON RỪNG
Tại Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, việc áp dụng máy bay không người lái (UAV/drone) đã mang lại bước tiến lớn trong giám sát và kiểm kê rừng. Nhờ UAV, công ty đã tăng diện tích giám sát mỗi lần từ 40ha lên 450ha, rút ngắn thời gian kiểm tra từ 7 ngày xuống chỉ còn 2 ngày. UAV giúp loại bỏ chi phí logistics, tăng độ chính xác và an toàn, đồng thời phát hiện sớm các hành vi xâm lấn rừng và nguy cơ cháy rừng.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty, cho biết UAV giúp giám sát, đo đạc sinh khối rừng chính xác, hiệu quả hơn và giảm chi phí so với phương pháp thủ công truyền thống. “Bên cạnh đó, công ty còn thử nghiệm các nền tảng số như INATrace và DIASCA nhằm truy xuất nguồn gốc gỗ từ hộ trồng rừng đến doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu. Đây được xem là ‘hộ chiếu xanh’ giúp gỗ Việt Nam tiếp cận các thị trường yêu cầu cao về phát triển bền vững như EU”, ông Nam chia sẻ.

Theo ông Ngô Văn Tỉnh, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, việc kết hợp công nghệ UAV với các mô hình trồng rừng gỗ lớn theo chu kỳ dài đang mở ra cơ hội phát triển tín chỉ carbon. Thay vì chu kỳ ngắn ngày 5 năm để sản xuất dăm gỗ, chuyển sang chu kỳ dài 11 năm sẽ giúp rừng tích lũy nhiều sinh khối hơn, hấp thụ và lưu trữ carbon hiệu quả hơn.
Có cùng quan điểm về vấn đề này, ông Hồ Văn Hể, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, chia sẻ: “Trồng rừng gỗ lớn không chỉ tạo lợi ích môi trường mà còn mở ra cơ hội kinh tế từ tín chỉ carbon. Với mỗi tấn CO2 hấp thụ, chủ rừng có thể tạo ra một tín chỉ carbon và bán cho các tổ chức có nhu cầu bù đắp phát thải. Trên thị trường tự nguyện, giá trị tín chỉ carbon dao động từ 5 – 50 USD và có xu hướng tăng mạnh”.
Dưới sự hỗ trợ của Dự án Quản lý rừng bền vững (SFM), Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn và Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn đã tiến hành đánh giá tiềm năng hấp thụ carbon khi chuyển từ mô hình rừng sinh khối sang mô hình rừng gỗ lớn. Sử dụng phương pháp Quản lý rừng cải tiến (IFM) theo tiêu chuẩn quốc tế VM0003 của tổ chức VERRA, các đơn vị đã đo đạc trữ lượng carbon tại các lô rừng trồng keo theo nhiều độ tuổi.

Kết quả cho thấy chu kỳ 11 năm giúp gia tăng trữ lượng carbon lên trung bình 221 tấn CO2/ha, so với chỉ 78 tấn CO2/ha ở chu kỳ 5 năm. Mức gia tăng hấp thụ trung bình là khoảng 4,2 tấn CO2 tương đương/ha/năm sau khi đã loại trừ các yếu tố bất định.
“Kéo dài chu kỳ trồng rừng, phát triển rừng cây gỗ lớn là giải pháp vừa gia tăng giá trị gỗ thương phẩm, vừa nâng cao hiệu quả hấp thụ và lưu trữ carbon dài hạn, phù hợp với xu thế phát triển thị trường tín chỉ carbon toàn cầu”, ông Nguyễn Danh Đàn, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án SFM, khẳng định.

"Quản lý rừng bền vững, kết hợp đổi mới công nghệ và nâng cao vai trò cộng đồng, không chỉ giúp rừng khỏe mạnh hơn mà còn mở ra cơ hội trên thị trường carbon và gỗ nguyên liệu tại Việt Nam. Trồng rừng gỗ lớn sẽ xuất hiện những cơ hội mới trên thị trường bán tín chỉ carbon và gỗ nguyên liệu.
Việt Nam hiện đang xúc tiến xây dựng thị trường tín chỉ carbon trong nước và hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan. Trong khi chờ thị trường chính thức, những mô hình thí điểm như SFM chính là bước đệm thực tế giúp các chủ rừng làm quen với quy trình, tiêu chuẩn và cơ chế giao dịch.
Từ những cánh rừng tại Gia Lai hôm nay, nếu được nhân rộng và thể chế hóa, Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin bước vào thị trường carbon toàn cầu không chỉ bằng nguồn tài nguyên sẵn có, mà bằng sự chuyên nghiệp, công bằng và bền vững trong cách quản lý rừng của chính mình”.
DOANH NGHIỆP THAM GIA CƠ CHẾ TÍN CHỈ CHUNG
Tại diễn đàn "Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia Cơ chế tín chỉ chung (JCM) hướng tới sẵn sàng cho thị trường carbon tại Việt Nam” vừa diễn ra, đại diện Công ty TNHH Erex cho biết Erex đang triển khai nhiều dự án điện sinh khối tại Việt Nam, với sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ chế tín chỉ chung và các sáng kiến liên quan, cùng sự hợp tác của Chính phủ Việt Nam.
Các tín chỉ carbon được cấp thông qua JCM có thể được sử dụng trong hệ thống giao dịch phát thải khí nhà kính (ETS) của cả Nhật Bản và Việt Nam, góp phần thúc đẩy thị trường carbon và đẩy nhanh quá trình khử carbon tại cả hai quốc gia.
Với mục tiêu góp phần giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao thu nhập cho nông dân, Green Carbon – một tổ chức tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp carbon – đang triển khai hàng loạt dự án trên khắp Việt Nam, từ vùng đồng bằng sông Cửu Long đến các tỉnh Bắc Trung Bộ.

Theo đại diện Tập đoàn JFE Engineering (Nhật Bản), Dự án Nhà máy điện rác T&J Green Energy tại Bắc Ninh, được hỗ trợ bởi JCM. Dự án này có công suất phát điện 11,6 MW; Công suất xử lý rác 500 tấn/ngày (bao gồm cả rác sinh hoạt và công nghiệp); dự kiến sẽ giảm phát thải 41.805 tCO2/năm. JFE Engineering đang xây dựng nhà máy thử nghiệm chuyển đổi rác thành khí tổng hợp, từ đó sản xuất hóa chất như methanol, tích hợp công nghệ thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon.
Dự án được đánh giá là nhà máy điện rác đầu tiên tại Việt Nam do một doanh nghiệp trong nước và Nhật Bản hợp tác đầu tư. Tuy vậy, đơn vị này cũng chỉ ra những rủi ro đầu tư vẫn tồn tại như: chi phí xây dựng cao, chất lượng rác thấp (ẩm, nhiệt trị thấp), chưa đảm bảo đủ nguồn cung rác, PPA chưa rõ ràng và khó khăn trong đánh giá năng lực tín nhiệm của địa phương.
Do đó, giải pháp then chốt để giảm rủi ro là: tìm kiếm đối tác địa phương tin cậy (thông qua kết nối từ JCM); huy động vốn vay (IFC đồng ý hỗ trợ sau khi JCM vào cuộc); xây dựng phương pháp luận giảm phát thải; đưa dự án vào Quy hoạch điện (PDP) và Quy hoạch tổng thể chất thải.
Còn trong lĩnh vực giao thông xanh, chia sẻ về hướng tiếp cận của Tập đoàn Vingroup tham gia thị trường carbon, ông Trần Kỳ Anh, Quản lý giao dịch – Phòng Tín chỉ carbon, Tập đoàn Vingroup, cho biết trong giai đoạn 2021– 2024, đã bàn giao hơn 140.000 ô tô điện và 243.000 xe máy điện ra thị trường Việt Nam. Ước tính, lượng xe điện VinFast đưa vào sử dụng trong năm 2024 sẽ giúp giảm khoảng 5,9 triệu tấn CO2 trong suốt vòng đời hoạt động.
Trong lĩnh vực giao thông công cộng, hệ thống 302 xe buýt điện VinBus được triển khai tại 31 tuyến xe buýt ở Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Nha Trang và Phú Quốc, góp phần cắt giảm 48.000 tấn CO2 trong năm 2024. Dịch vụ taxi điện Xanh SM cũng ghi nhận mức giảm phát thải khoảng 150.000 tấn CO2 trong cùng năm.
Doanh nghiệp hiện đang xúc tiến phát triển và đăng ký nhiều dự án tín chỉ carbon theo tiêu chuẩn quốc tế: Dự án trạm sạc V-Green đăng ký theo tiêu chuẩn VCS; Dự án xe máy điện VinFast đăng ký theo tiêu chuẩn GS4GG; Dự án điện mặt trời tại Sơn La dự kiến áp dụng tiêu chuẩn GCC. Tập đoàn Vingroup mong muốn hợp tác với các đối tác Nhật Bản để phát triển các dự án tín chỉ carbon và tham gia Cơ chế tín chỉ chung giữa Việt Nam và Nhật Bản.