Doanh nghiệp vẫn “loay hoay” với chuyển đổi xanh
Ngoài những khó khăn như thiếu vốn, nhân lực, tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật trong chuyển đổi xanh, các doanh nghiệp vẫn lúng túng không biết chuyển đổi bắt đầu từ đâu, chuyển như thế nào?…
Khảo sát "Mức độ sẵn sàng và khó khăn của doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh" do Ban phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thực hiện với hơn 2.734 doanh nghiệp cho thấy, 46,8% thiếu nhân sự có chuyên môn về giảm phát thải, chuyển đổi xanh. Họ không biết tìm nguồn nhân lực ở đâu do giảm phát thải là lĩnh vực mới, đặc thù.
Chỉ có 5,9% thông tin rằng họ không gặp khó khăn gì về vốn, trong khi đó 50% doanh nghiệp còn lại đang phải loay hoay với bài toán huy động tài chính để chuyển đổi xanh. Các doanh nghiệp ngành công nghiệp; nông, lâm và thủy sản gặp khó khăn nhiều hơn nhóm còn lại với tỷ lệ lần lượt là 53,7% và 52,9%. Doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn về nguồn vốn nhiều hơn so với FDI (50,3% so với 46,6%).
Có tới 44,2% chưa tìm được giải pháp công nghệ phù hợp, chỉ có 6,3% được khảo sát cho biết là không gặp khó khăn gì.
DOANH NGHIỆP ĐANG "BƠI TRONG BIỂN THÔNG TIN, KHÔNG BIẾT ĐÂU LÀ BỜ"
Kết quả điều tra thực địa cũng cho thấy, dù có nhiều tổ chức, công ty tư vấn tiếp cận nhưng doanh nghiệp vẫn khó đưa ra các lựa chọn cụ thể do các tổ chức, công ty tư vấn hoạt động không đồng nhất, giá tư vấn, hình thức tư vấn cũng có sự khác biệt và chênh lệch.
Chia sẻ tại Đại hội đại biểu Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HBA) với chủ đề “Kết nối hiệu quả - Phát triển bền vững” được tổ chức mới đây, ông Phạm Hoài Trung, Chủ tịch Hội đồng cố vấn GreenGo, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Azitech, cho biết qua quá trình tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, ông thấy các doanh nghiệp đang gặp nhiều vướng mắc trong việc lựa chọn, sắp xếp thứ tự ưu tiên thực hành các chủ đề phát triển bền vững.
Doanh nghiệp lúng túng trong việc nắm bắt rất nhiều thông tin mới có liên quan đến các chủ đề chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Họ chỉ biết tiếp nhận thông tin và hoang mang như đang bơi trong một biển thông tin mà không biết đâu là bờ.
Đồng thời khó khăn trong việc phân loại, đánh giá các tác động mang tính trọng yếu để lên thứ tự sắp xếp công việc ưu tiên, các đầu việc cần phải làm trước làm sau. Nhiều doanh nghiệp chưa biết lập ra các chính sách hoạch định, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Hơn nữa, họ còn khó khăn trong việc triển khai do năng lực của các cấp quản lý thực hành (bao gồm kiến thức và kỹ năng) còn hạn chế. Mặt khác, khó khăn trong việc xây dựng hệ thống quản lý việc thực hiện các mục tiêu để đạt được các tiêu chuẩn xanh, giấy chứng nhận xanh và lập các báo cáo phát triển bền vững.
"CẦM TAY CHỈ ĐƯỜNG" CHO DOANH NGHIỆP
Để quá trình chuyển đổi xanh thành công, ông Đào Xuân Đức, Chủ tịch HBA cho biết Thành phố Hồ Chí Minh có chương trình riêng như đối với doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp sinh thái, doanh nghiệp "xanh" sẽ được ưu tiên vay vốn kích cầu, các doanh nghiệp sinh thái sẽ được hưởng thuế ưu đãi giống như các doanh nghiệp công nghệ cao.
Tuy nhiên, bên cạnh các chính sách ưu đãi từ Chính phủ, ông Phạm Hoài Trung khuyến nghị doanh nghiệp cần tìm đến các chuyên gia tư vấn thực hành, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Các đơn vị tư vấn sẽ hỗ trợ doanh nghiệp thiết lập chính sách, mục tiêu phát triển bền vững phù hợp với bối cảnh bên trong và bên ngoài của doanh nghiệp, dựa trên khả năng tài chính, mục tiêu kinh doanh, yêu cầu mong muốn của các bên liên quan, đáp ứng các yêu cầu tuân thủ.
Hỗ trợ doanh nghiệp sắp xếp, lên thứ tự ưu tiên thực hiện các chủ đề phát triển bền vững khác nhau, cũng như lộ trình thực hiện. Doanh nghiệp sẽ được tư vấn hoạch định, thiết lập các hệ thống quản lý để đạt được mục tiêu phát triển bền vững trong quản lý năng lượng, quản lý giảm phát thải khí nhà kính, quản lý chiến lược trung hòa carbon, tín chỉ CO2, quản lý môi trường, tuần hoàn rác thải, quản lý an toàn thông tin, an ninh chuỗi cung ứng…
Cùng với đó, nâng cao năng lực thực hành của doanh nghiệp trong quá trình phát triển bền vững bao gồm cả kiến thức và kỹ năng. Triển khai thực hiện các hoạch định, ngăn ngừa khắc phục rủi ro, đảm bảo duy trì hệ thống cải tiến liên tục để doanh nghiệp đạt được các mục tiêu một cách có hiệu quả.
Hỗ trợ tư vấn đánh giá thẩm định độc lập để đạt được các tiêu chuẩn xanh, chứng nhận xanh… mang lại sự tin cậy của các báo cáo phát triển bền vững…
Đứng trước các áp lực đòi hỏi phải xanh hoá cũng như thực trạng khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh, Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh và công ty Azitech đã tiên phong “bắt tay” phối hợp tổ chức các chương trình đào tạo tập huấn, tư vấn lộ trình, giải pháp hỗ trợ cho các quá trình chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp khu công nghiệp, khu chế xuất của Thành phố Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, để nhân rộng mô hình này, trong thời gian tới Azitech và HBA sẽ cùng đồng hành tiếp cận đối thoại với các khu công nghiệp, khu chế xuất nhất là các khu nằm trong danh sách thí điểm chuyển đổi theo đề án “Tái cấu trúc các khu công nghiệp, khu chế xuất Thành phố Hồ Chí Minh” đã được UBND Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt.
“Chúng tôi sẽ mang lại các kiến thức hữu ích, những kinh nghiệm thiết thực giúp các doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt cơ hội, ứng dụng trong thực tế và chuyển đổi xanh thành công”, ông Trung khẳng định.