16:01 25/04/2013

Doanh nghiệp vận tải Hải Phòng “kêu cứu” vì phí

Trần Kỳ

Thời gian gần đây, gần một nửa lượng xe vận tải hàng nặng tại Hải Phòng không tham gia hoạt động

Ngoài các loại thuế và phí trên, những bất cập khác trong việc thu phí hiện nay khiến doanh nghiệp càng khó khăn hơn.
Ngoài các loại thuế và phí trên, những bất cập khác trong việc thu phí hiện nay khiến doanh nghiệp càng khó khăn hơn.
Nhiều doanh nghiệp vận tải tại Hải Phòng vừa cùng nhau bày tỏ sự bức xúc đối với những thay đổi chính sách gần đây.

Sau khi Thông tư 197 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện được chính thức triển khai, đặc biệt từ ngày 9/4/2013, ngày mà Tổng cục đường bộ phối hợp với Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội triển khai trạm kiểm tra trọng tải của xe ô tô tải trên quốc lộ 5, đã có nhiều doanh nghiệp vận tải tại Hải Phòng cho xe ngưng hoạt động, nằm nghỉ la liệt ở các bãi đỗ, mặc dù lượng hàng hóa tồn đọng tại các kho cảng là khá nhiều.

Tại một hội thảo tổ chức tại Hải Phòng ngày 23/4/2013, các vấn đề vướng mắc đã được các lãnh đạo doanh nghiệp vận tải cùng đưa ra mổ xẻ.

Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng cho biết lĩnh vực vận tải hàng nặng, hàng chuyên dùng, hàng đóng bằng container tại Hải Phòng hiện có gần 1.000 doanh nghiệp tham gia, sở hữu gần 7.000 xe đầu kéo và sơmi rơmooc, nhưng trong thời gian gần đây phải đến trên 40% lượng xe kể trên không tham gia hoạt động.

Một nguyên nhân là hiện các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải đang phải nộp rất nhiều loại thuế và phí như thuế nhập khẩu ô tô, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, phí trước bạ, phí đăng ký cấp biển số, phí xăng dầu và bình ổn xăng dầu, phí kiểm định, bảo hiểm, phí trông gửi xe..., và sắp tới sẽ phải nộp thuế bảo vệ môi trường và phí bảo trì đường bộ, ông Tiến nhấn mạnh.

Ngoài các loại thuế và phí trên, những bất cập khác trong việc thu phí hiện nay khiến doanh nghiệp càng khó khăn hơn.

Ông Hoàng Văn Tản, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng cho biết, mặc dù Thông tư 197 của Bộ Tài chính  đã có hiệu lực, thế nhưng trên Quốc lộ 5 vẫn hiện vẫn tồn tại hai trạm thu phí phía Hải Phòng và Hưng Yên, khi qua mỗi trạm này, mỗi xe container phải đóng phí là 80.000 đồng/lượt, như vậy mỗi chuyến cả đi và về mỗi xe phải đóng mức phí là 320.000 đồng.

Các doanh nghiệp cũng cho rằng việc thu phí ôtô theo kỳ đăng kiểm 3 - 6 - 9 tháng và 1 năm là chưa phù hợp với tình hình các doanh nghiệp vận tải đang gặp khó khăn hiện nay. Nếu thu theo chu kỳ 3 hay 6 tháng và mỗi xe đóng hơn 1 triệu đồng/tháng thì doanh nghiệp có hàng trăm xe sẽ rất khó khăn.

Ngoài ra, theo đề xuất của các doanh nghiệp, việc thu phí rơmooc, sơmi rơmooc cũng cần xem xét lại vì bản thân hai loại phương tiện này sẽ không tự hành được mà phải kết hợp với đầu kéo mới  hoạt động vận tải được trên đường.

Bên cạnh vấn đề phí là chuyện phạt xe quá tải. Ông Đặng Thế Phương, Giám đốc Công ty Cổ phần Giao nhận vận tải Phương Lâm chia sẻ, nếu thực hiện đúng theo quy định trọng tải tham gia giao thông theo sổ chứng nhận kiểm định thì chắc sẽ có nhiều doanh nghiệp vận tải phải ngừng hoạt động vì nếu hoạt động chắc chắn sẽ vi phạm.

Rất nhiều doanh nghiệp lo ngại sẽ mất khách hàng do không đảm bảo được tiến độ, thời gian giao nhận hàng đã ký kết từ trước vì nếu cố tình vận chuyển sẽ bị vi phạm luật, một số ít chủ xe vì áp lực với chủ hàng đã luồn lách qua các con đường khác để tránh trạm kiểm tra.

Theo ông Lê Văn Tiến, Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng hoàn toàn ủng hộ việc cân trọng tải xe nhằm kiểm soát trọng tải xe để giữ cấp đường bộ và giảm thiểu tai nạn giao thông, nhưng cần kiểm tra một cách đồng loạt, triệt để trên mọi tuyến tránh tình trạng xảy ra cạnh tranh không lành mạnh, tiêu cực.

Đối với công tác đăng kiểm, nên khám xe, đăng kiểm 6 tháng/lần thay vì 3tháng/lần như hiện nay giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí.

Về phí đường bộ, nên tính vào giá xăng dầu để đảm bảo công bằng cho xe chạy ít, chạy nhiều; ngoài ra cần có các qui định cụ thể và được công bố rộng rãi về tải trọng hàng hóa đóng trong container được phép lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam.

Nhiều ý kiến tại hội thảo đều cho rằng, cần phải có thời gian “trễ” để các doanh nghiệp vận tải thống nhất và thực hiện hết các hợp đồng đã ký với các chủ hàng để vừa tránh tình trạng ách tắc hàng hóa tại cảng, vừa đảm bảo các cam kết cũ, trong thời gian đó các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp nội địa và các cơ quan liên quan sẽ nắm bắt thông tin, điều chỉnh từ việc đóng hàng đến xếp dỡ, vận chuyển đúng theo qui định của nhà nước.