09:23 25/10/2009

Doanh nghiệp viễn thông phải hoàn cước nếu dịch vụ kém

Nguyễn Lê

Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi thảo luận dự án Luật Viễn thông

Đại biểu Quốc hội chưa hài lòng với chất lượng dịch vụ viễn thông hiện nay.
Đại biểu Quốc hội chưa hài lòng với chất lượng dịch vụ viễn thông hiện nay.
Chiều 24/10, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Viễn thông, chỉ với tám ý kiến phát biểu.

Thảo luận về dự luật này từ kỳ họp thứ 5, nhiều ý kiến đề nghị tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động viễn thông và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi tham gia thị trường viễn thông.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Đặng Vũ Minh cho biết, dự thảo luật đã được bổ sung trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông trong việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông do mình cung cấp. Quy định về trách nhiệm của các doanh nghiệp viễn thông không được từ chối giao kết hợp đồng hoặc đơn phương ngừng thực hiện hợp đồng với người sử dụng dịch vụ. Hoặc khi ngừng kinh doanh một phần hoặc toàn bộ dịch vụ viễn thông, doanh nghiệp viễn thông phải có biện pháp bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ và các bên có liên quan.

Trong việc thanh toán giá cước sử dụng dịch vụ viễn thông, doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm lập hoá đơn thanh toán giá cước dịch vụ chính xác, đầy đủ, kịp thời cho người sử dụng dịch vụ. Trường hợp cung cấp dịch vụ không đúng thời gian và chất lượng theo hợp đồng đã giao kết với người sử dụng dịch vụ viễn thông thì phải hoàn trả cho người sử dụng một phần hoặc toàn bộ cước đã thu.

Đồng tình với quy định này, một số ý kiến thảo luận cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Đại biểu Hứa Chu Khem (Sóc Trăng) than phiền về tình trạng khách hàng phải chịu gian lận vì nêu hoạt động chơi may rủi, sổ xố qua tin nhắn di động thời gian qua. Hay khi gọi điện được thông báo đang “tắt máy, ngoài vùng phủ sóng”, nhưng thực ra thì thuê bao đang mở ngay bên cạnh.

Đại biểu Trần Du Lịch (Tp.HCM) nêu tình trạng ở các khu chung cư mỗi nơi có một nhà khai thác dịch vụ viễn thông, họ kéo đường dây vào thì độc quyền cung cấp dịch vụ khiến khách hàng không có lựa chọn khác. Theo đại biểu Lịch, luật phải quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và trách nhiệm quản lý Nhà nước để đảm bảo lợi ích của người sử dụng dịch vụ.

Về những băn khoăn trong quy định phí quyền hoạt động viễn thông của một số đại biểu, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội , phí quyền hoạt động viễn thông không phải là một loại phí thuộc phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh Phí và lệ phí, cũng không phải là thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thực tế, đây là khoản tiền doanh nghiệp phải trả để được thiết lập mạng viễn thông và cung cấp dịch vụ. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với quy định của dự luật. Mức phí này không cố định mà phụ thuộc phạm vi, quy mô, dịch vụ viễn thông, số lượng và giá trị tài nguyên viễn thông...

Nhìn toàn bộ dự luật, có ý kiến đại biểu cho rằng, dự thảo còn nhiều vấn đề chung, không cụ thể. Có tới 41 điều giao Chính phủ, Thủ tướng, cơ quan ngang bộ hướng dẫn. Điều đó chưa phù hợp với tinh thần xây dựng pháp luật, vì luật phải luôn cụ thể khi được thông qua.