07:07 13/09/2010

Doanh nghiệp Việt - Trung ký kết thêm 54 dự án

Hồng Thoan

Thương mại hai chiều Việt-Trung đã không ngừng tăng nhanh với tốc độ trung bình 32%/năm trong giai đoạn 2000-2010

Dệt may là một trong những lĩnh vực được doanh nghiệp hai nước quan tâm hợp tác.
Dệt may là một trong những lĩnh vực được doanh nghiệp hai nước quan tâm hợp tác.
Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Tôn Quốc Tường khẳng định, với kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm đạt 15,36 tỷ USD, tăng 48,9% so với cùng kỳ năm ngoái, chắc chắn cả năm sẽ lên tới 25 tỷ USD, đạt mục tiêu mà lãnh đạo hai nước đã đề ra.

 Ngày 11/9, tại Diễn đàn hợp tác Kinh tế thương mại Việt Nam-Trung Quốc do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với chính quyền tỉnh Quảng Tây, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đã dẫn ra những con số minh chứng thương mại hai chiều Việt-Trung đã không ngừng tăng nhanh với tốc độ trung bình 32%/năm trong giai đoạn 2000-2010.

Bên cạnh sự phát triển của thương mại song phương, tính đến thời điểm này, Trung Quốc đã có 743 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt trên 3 tỷ USD, đứng thứ 15 trong tổng số 92 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Hầu hết các dự án của Trung Quốc đang triển khai thuận lợi, thành công, mang lại lợi ích chung cho doanh nghiệp và hai nước. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa tương xứng với mối quan hệ chính trị và hợp tác hữu nghị, với tiềm năng và lợi thế cũng như mong muốn của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hai bên.

Lãnh đạo Trung Quốc và Việt Nam gần đây đã thống nhất những biện pháp quan trọng để cụ thể hóa và thúc đẩy phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, trong đó hợp tác kinh tế được coi là ưu tiên hàng đầu với mục tiêu kim ngạch trao đổi thương mại song phương đạt 25 tỷ USD trong năm 2010.

Năm 2010, khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc chính thức thực hiện việc cam kết giảm thuế mạnh mẽ từ phía Trung Quốc và các nước ASEAN, theo đó, hàng loạt các mặt hàng có thuế nhập khẩu từ 0-5% bao gồm các dòng sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp. Đây là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp hai bên đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư, liên doanh sản xuất để mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp cũng như đóng góp vào mục tiêu kinh tế chung của hai nước.

Ngay tại Diễn đàn, các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết 54 dự án với tổng giá trị 1,9 tỷ USD. Trong đó có các dự án như mua bán xe tải, phụ tùng ắc quy, bột sắn, máy cơ khí, xi măng... dự án thuộc lĩnh vực đầu tư như xây dựng nhà máy luyện kim, nhà máy điện gió, thủy điện, xây dựng khu đô thị, trung tâm thương mại, nhà máy sản xuất ván sàn, cải tạo nhà máy xi măng... và một số hợp đồng tín dụng, hợp tác du lịch.

Một điểm nhấn chính tại Diễn đàn lần này là sự tăng cường hợp tác giữa tỉnh Quảng Tây và Việt Nam. Theo ông Vũ Tiến Lộc, tỉnh Quảng Tây là điểm kết nối quan trọng giữa Trung Quốc với Việt Nam, đồng thời cũng là điểm kết nối quan trọng trong khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc.

Giao lưu kinh tế giữa Quảng Tây và các địa phương của Việt Nam đang tiếp đà phát triển để cùng phát huy điểm mạnh và thế mạnh trong hợp tác thương mại, đầu tư, cùng đóng góp tích cực vào việc thực hiện mục tiêu trao đổi thương mại Việt Nam-Trung Quốc đạt 25 tỷ USD trong năm nay.

Đánh giá về mối quan hệ thương mại, đầu tư giữa tỉnh Quảng Tây với Việt Nam, Đại sứ Tôn Quốc Tường nhấn mạnh, Việt Nam trở thành bạn hàng lớn nhất của tỉnh Quảng Tây. Riêng 6 tháng đầu năm, trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam - Quảng Tây đã đạt 2,026 tỷ USD, chiếm 15,8% tổng kim ngạch thương mại hai nước.

Hiện Quảng Tây  cùng 4 tỉnh phía Bắc của Việt Nam là Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng và Hà Giang tích cực triển khai hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế thương mại, du lịch, giao thông vận tải... nghiên cứu xây dựng 2 khu hợp tác liên biên giới với các tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh, bổ sung lẫn nhau về các ngành, tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài để thúc đẩy kinh tế hai bên cùng phát triển.

Ông Mã Tiêu, Chủ tịch Chính quyền Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây khẳng định, Quảng Tây là cửa sổ của Trung Quốc hướng tới thị trường Việt Nam nói riêng và các nước ASEAN nói chung, vì vậy, tỉnh Quảng Tây luôn coi trọng việc phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam.

Nhân dịp này, ông Mã Tiêu đề nghị Việt Nam và Quảng Tây nên tăng cường hợp tác phát triển hạ tầng giao thông vận tải, đẩy mạnh hợp tác giao thương xuất nhập khẩu những sản phẩm có thế mạnh của nhau, cùng hợp tác trong lĩnh vực văn hóa du lịch, giáo dục, y tế, đặc biệt là tăng cường hợp tác tiểu vùng, hợp tác giữa các cơ quan hải quan, cơ quan kiểm nghiệm, kiểm dịch, cũng như đẩy mạnh hợp tác biên giới theo chiều sâu và theo ngành nghề thế mạnh của hai bên.
 
Ông Mã Tiêu cũng kiến nghị hai bên tiếp tục phát triển xây đường cao tốc Nam Ninh - Hà Nội, xây dựng cơ sở hạ tầng tạo kiện thuận lợi cho giao lưu, hợp tác giữa Quảng Tây với các tỉnh biên giới của Việt Nam