14:46 29/05/2013

Doanh nhân có nên làm đại biểu Quốc hội?

Nguyên Thảo

"Tôi nghĩ, trong tương lai nên tính đến chuyện không để doanh nhân làm đại biểu Quốc hội"

Ông Mai Hữu Tín: "Theo dự báo của tôi, từ giờ đến hết năm sẽ có thêm vài chục nghìn doanh 
nghiệp đóng cửa nữa. Nhưng hầu hết trong số đó là doanh nghiệp nhỏ. Họ 
nghĩ kinh doanh dễ dàng nên lao vào cuộc chơi, giờ khó quá thì "buông" 
để đi làm thuê" - Ảnh: PT.<br>
Ông Mai Hữu Tín: "Theo dự báo của tôi, từ giờ đến hết năm sẽ có thêm vài chục nghìn doanh nghiệp đóng cửa nữa. Nhưng hầu hết trong số đó là doanh nghiệp nhỏ. Họ nghĩ kinh doanh dễ dàng nên lao vào cuộc chơi, giờ khó quá thì "buông" để đi làm thuê" - Ảnh: PT.<br>
Mỗi kỳ họp Quốc hội, vai trò doanh nhân - đại biểu hay nằm trong câu chuyện của VnEconomy với đại biểu Quốc hội Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư U&I.

Với trải nghiệm của một người đã qua hơn một khóa nghị trường, lúc này, câu trả lời của ông Tín với vấn đề quen thuộc trên là “không nên có doanh nhân làm đại biểu Quốc hội trong tương lai”.

Thưa ông, từ cuối 2011 đến nay, nhận định của ông sau mỗi kỳ họp của Quốc hội về tình hình kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng đều có phần u ám hơn. Thú thật là rất mong dự báo của ông sai.

Thực tế còn tệ hơn cả dự báo, đúng không bạn?

Cách đây 6 tháng tôi có nói là điểm tựa cho doanh nghiệp rất mong manh. Đến giờ thì có nhiều doanh nghiệp không còn điểm tựa nào. Họ cần dứt khoát về mặt tinh thần. Sống hay chết là do mình. Nếu nhìn ở một khía cạnh nào đó thì đấy cũng là điểm tích cực.

Tích cực ư, thưa ông?

Đúng. Bởi chúng ta theo kinh tế thị trường, nên doanh nhân phải hiểu rõ thị trường, phải luôn cẩn trọng và nghi ngờ chứ không chủ quan được. Rất tiếc là đã có lúc nhiều doanh nhân của chúng ta sống như vậy, đầu tư quá khả năng thực, dàn trải, kỳ vọng quá nhiều vào tăng trưởng.

Ở các nước phát triển thì ba thành phần chính tạo nên sự phát triển là chính phủ, doanh nghiệp, và xã hội dân sự. Xã hội dân sự của ta còn yếu và cần thời gian lớn mạnh. Hai thành phần còn lại, do vậy, cần hiểu và hợp tác tốt hơn với nhau. Nhưng giờ thì số đông doanh nghiệp chỉ lo giữ mình. Đứng trên bình diện quốc gia thì đây là chuyện đáng buồn.

Nhìn rộng ra cả nền kinh tế chúng ta có vẻ lúng túng khi hô hào phát triển chung chung và không thành công ở những lĩnh vực, ngành nghề cụ thể.

Một ví dụ là con cá tra. Lợi thế của chúng ta ở mặt hàng này có thể là không ai trên thế giới so được. Thế mà chúng ta vẫn thua đau. Nông dân lỗ. Doanh nghiệp lỗ. Rồi cây lúa, con tôm cũng vậy. Lẽ ra với lợi thế đó chúng ta phải có khả năng dẫn dắt cuộc chơi và giúp dân thoát nghèo.

Không gian cho chính sách tiền tệ gần như không còn. Chính sách tài khóa cũng đang ngặt nghèo. Chúng ta nghèo thì cần biết dùng ngân sách hạn hẹp của mình tập trung cho các ngành có lợi thế thật sự và giúp được nhiều người dân nhất. Phải là các chính sách ngành hiệu quả, chứ không phải chung chung. Tôi muốn nhấn mạnh như vậy.

Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp này đã thể hiện được giải pháp như ông mong đợi và phản ánh sát thực tế cuộc sống chưa?

Báo cáo vẫn đẹp hơn thực tế. Còn giải pháp thì vẫn chung chung như tôi đã phân tích ở trên.

Hỗ trợ doanh nghiệp đến giờ này mang lại ít hiệu quả. Theo dự báo của tôi, từ giờ đến hết năm sẽ có thêm vài chục nghìn doanh nghiệp đóng cửa nữa. Nhưng hầu hết trong số đó là doanh nghiệp nhỏ. Họ nghĩ kinh doanh dễ dàng nên lao vào cuộc chơi, giờ khó quá thì "buông" để đi làm thuê. Số đó thì có mất cũng được.

Nhưng điều đáng lo là số có thể vượt qua đận khó khăn này liệu còn đủ sức dẫn dắt cuộc chơi trong tương lai, vì khi phải đấu với doanh nghiệp nước ngoài thì mình cũng đã yếu hơn hẳn.

Nhiều vị đại biểu nói nông nghiệp là “trụ đỡ” của nền kinh tế, rồi phải tập trung sức cứu doanh nghiệp… Với thực tế như ông đã phân tích, thì theo ông, Quốc hội nên làm gì để góp phần đưa nền kinh tế ra khỏi khó khăn hiện nay?

Quốc hội khó mà bàn chuyện cụ thể được. Kỳ này thì những việc quan trọng nhất đã được nói nhiều rồi, như sửa Hiến pháp, sửa Luật Đất đai, lấy phiếu tín nhiệm…. đều là những chuyện lớn. Nếu giải quyết ổn các việc đó thì cũng đã là cách để người dân và doanh nghiệp có thêm niềm tin. Có niềm tin thì sẽ phấn đấu tốt hơn.

Nhìn vào những diễn biến hiện nay ông có tin những việc lớn trên sẽ được giải quyết tốt không?

Tôi xin không trả lời câu hỏi này.

Vậy xin được hỏi một câu không mới, lúc này ông nghĩ gì về vai trò của các vị đại biểu - doanh nhân?

Còn tùy thuộc doanh nghiệp của họ có đang ổn hay không. Nếu không ổn thì đầu óc của họ lúc này chỉ lo cho sự tồn tại của chính doanh nghiệp mình, cho người lao động của mình.

Tôi nghĩ, trong tương lai nên tính đến chuyện không để doanh nhân làm đại biểu Quốc hội. 100% đại biểu chuyên trách là tốt nhất.