10:46 03/03/2016

Phát hiện hàng loạt sai phạm tại Petrolimex

Song Hà

Nhiều sai phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu và quản lý sử dụng vốn

Cách tính giá đầu vào xăng dầu của Petrolimex đã không được thực hiện công khai, minh bạch.<br>
Cách tính giá đầu vào xăng dầu của Petrolimex đã không được thực hiện công khai, minh bạch.<br>
Thanh tra Chính phủ vừa hoàn tất kết luận thanh tra Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), trong đó chỉ ra nhiều sai phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu và quản lý tài chính.

Rót vốn tràn lan

Theo cơ quan thanh tra, trong khoảng thời gian 6 tháng thanh tra (từ tháng 12/2013 – 6/2014) đã phát hiện Petrolimex vi phạm nhiều quy định trong công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản và cổ phần hóa doanh nghiệp; quản lý hoạt động kinh doanh của công ty mẹ và các công ty thành viên, cũng như quản lý đầu tư xây dựng, sử dụng đất trong suốt thời gian từ năm 2010 đến hết quý 2/2013.

Ngoài ngành nghề kinh doanh chính, Petrolimex đã đầu tư hơn 2.255 tỷ đồng vào các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản.

Trong đó có những khoản đầu tư giá trị lớn không đúng quy định như việc rót thêm vốn vào ngân hàng PG Bank 400 tỷ đồng (chiếm 40% vốn điều lệ), Công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex hơn 171 tỷ đồng (chiếm 51% vốn điều lệ) và đầu tư 51 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần Bất động sản Petrolimex, khi không có sự chấp thuận của Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ.

Không chỉ đầu tư số tiền lớn khi chưa được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền, Petrolimex còn sử dụng sai nguồn vốn đầu tư kinh doanh hơn 646 tỷ đồng, phần lớn cho các đơn vị thành viên vay dài hạn (gần 415 tỷ đồng), còn lại đầu tư vào các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản.  

Một công ty con của Petrolimex là Công ty Cổ phần Vận tải xăng dầu Vipco cũng đã đầu tư hơn 56 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần An Phú, hiện có nguy cơ mất vốn; Tổng công ty Cổ phần Hóa dầu Petrolimex đầu tư 5 tỷ đồng vào Công ty TNHH Đầu tư thương mại PLG cũng bị thua lỗ. Còn Công ty Xăng dầu Khu vực 2 dùng vốn kinh doanh cho Công ty Du lịch - Thương mại Kiên Giang vay ưu đãi sai quy định 25,5 tỷ đồng;…

Ngoài ra, Petrolimex cũng đầu tư vào Công ty Cổ phần Thương mại Tuyên Quang, Công ty TNHH Hóa chất PTN, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Vân Phong chưa có cổ tức, trong khi việc đầu tư vào một số công ty khác của tập đoàn này đạt tỷ suất lợi nhuận rất thấp.

“Đầu tư vào Công ty Cổ phần Nhiên liệu bay Petrolimex 76,5 tỷ đồng nhưng cổ tức thu được chỉ đạt trên 6,4 tỉ đồng, tỷ suất lợi nhuận bình quân mỗi năm chỉ đạt 2,8%; đầu tư vào Công ty Cổ phần Bất động sản Petrolimex 102 tỷ đồng, cổ tức chỉ thu được 6,12 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận bình quân mỗi năm chỉ đạt 2%”, Thanh tra Chính phủ cho biết.

Mập mờ tính giá

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, trong quý 1/2010, Petrolimex đã tự mua thông tin về giá xăng dầu thế giới trên tờ Platt’s Singapore để xây dựng giá cơ sở xăng dầu.

Bên cạnh đó, liên bộ Công Thương - Tài chính không xác định và công bố giá xăng dầu thế giới là không đúng với chức trách, nhiệm vụ theo Nghị định 84 của Chính phủ, dẫn đến khó kiểm soát việc xây dựng giá cơ sở và quyết định giá bán lẻ của các thương nhân đầu mối.
    
Việc tính chi phí bảo hiểm và chi phí vận tải trong cơ cấu giá xăng dầu của Petrolimex cũng được xem là chênh lệch rất nhiều so với thực tế.

Cụ thể, từ quý 2/2010 đến tháng 6/2013, liên bộ Tài chính - Công Thương trực tiếp điều hành giá bán lẻ xăng dầu, khi xây dựng giá cơ sở đã lấy yếu tố chi phí vận tải và phí bảo hiểm theo mức cố định như Petrolimex (xăng RON 92 là 2,5 USD/thùng, dầu diesel 0,05S là 2,5 USD/thùng, dầu hỏa là 3 USD/thùng...).

Nhưng kiểm tra thấy, thực tế chi phí vận tải và bảo hiểm xăng dầu nhập khẩu về đến cảng Việt Nam tính bình quân theo sản lượng và đơn giá thực tế của từng chuyến tàu với từng mặt hàng như xăng RON 92 là 1,79 USD/thùng, dầu diesel 0,05S là 1,56 USD/thùng, dầu hỏa là 1,69 USD/thùng.

Điều này dẫn đến từ năm 2010 đến tháng 6/2013, chi phí vận tải và bảo hiểm trong cấu thành giá cơ sở cao hơn thực tế 67,6 triệu USD, làm tăng giá bán, lợi cho thương nhân đầu mối, thiệt hại cho người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn được tự quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, kiểm tra thời điểm điều chỉnh giá ngày 21/2/2010, Petrolimex không điều chỉnh giảm 52 đồng/lít với 1,9 triệu lít dầu hỏa (giá phải giảm là 103 triệu đồng).

Đặc biệt, sau khi Bộ Công Thương ban hành Quyết định 32/2008 bãi bỏ việc phân vùng địa bàn và giá bán lẻ vùng 2 (các địa phương xa cảng quốc tế tiếp nhận xăng dầu, chi phí kinh doanh cao hơn được tăng giá tối đa 2% so với giá bán lẻ vùng 1), nhưng Petrolimex vẫn áp dụng giá bán lẻ vùng 2, kết quả từ tháng 1.2010 - 6.2013, tính theo mức tăng 2% của sản lượng tiêu thụ thực tế thì doanh thu vùng 2 tăng lên 2.796 tỷ đồng.

“Việc Petrolimex quyết định giá bán lẻ cao hơn giá do liên bộ điều chỉnh, không có văn bản chấp thuận của nhà nước là chưa đúng thẩm quyền, chưa đúng quy định của Pháp lệnh giá”, Thanh tra Chính phủ kết luận.

Bộ Tài chính có văn bản cá biệt cho Petrolimex áp dụng tỷ giá ngoại tệ theo tỷ giá bán ra của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), chưa phù hợp với quy định về chế độ kế toán doanh nghiệp theo Quyết định 15/2006 của chính Bộ Tài chính. Theo thanh tra, trách nhiệm những vi phạm trên thuộc về Petrolimex và các tổ chức, cá nhân có liên quan thuộc liên bộ Tài chính - Công Thương.

Sau khi Thanh tra Chính phủ báo cáo, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến về việc xử lý sau thanh tra tại Petrolimex.

Theo đó, Phó thủ tướng kết luận: “Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra một cách nghiêm túc, có trách nhiệm. Qua thanh tra đã làm rõ một số tồn tại, thiếu sót, sai phạm về cơ chế chính sách, quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại Petrolimex”.

Để đảm bảo chặt chẽ, Phó thủ tướng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ Tài chính, Công Thương và Petrolimex rà soát một số vấn đề còn ý kiến khác nhau như việc đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính, chi phí vận tải, chi phí bảo hiểm, giá bán lẻ vùng 2, định mức hao hụt xăng dầu, giá cước vận tải nhằm thống nhất đánh giá và hoàn thiện nội dung kết luận thanh tra.