17:55 02/05/2021

Doanh thu tăng, Habeco báo lãi tăng hơn 47 tỷ đồng trong quý 1

Hà Anh

Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội - Habeco (mã BHN-HOSE) công bố kết quả kinh doanh quý 1/2021 đã soát xét với doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ...

Trong năm 2021, Habeco dự kiến tổng sản lượng tiêu thụ bia đạt 278,2 triệu lít.
Trong năm 2021, Habeco dự kiến tổng sản lượng tiêu thụ bia đạt 278,2 triệu lít.

Theo đó, hết quý 1/2021, doanh thu thuần của BHN đạt 1.375,6 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ (774 tỷ đồng); lợi nhuận gộp tăng 24% lên gần 331 tỷ đồng. Trong kỳ, chi phí bán hàng tăng 21% lên 222,5 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 16% lên gần 94 tỷ; lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt gần 37 tỷ đồng - trong khi cùng kỳ năm 2020 lỗ thuần 95,6 tỷ đồng.

Lợi nhuận khác đạt hơn 25 tỷ đồng - cùng kỳ lỗ 774 triệu đồng; Kết quả Habeco báo lãi sau thuế 47,6 tỷ đồng trong khi quý 1/2020 lỗ sau thuế hơn 98 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế thuộc về công ty mẹ là 63,5 tỷ đồng - cùng kỳ lỗ gần 72 tỷ. EPS đạt 274 đồng.

Theo giải trình từ HBN, lợi nhuận sau thuế trên BCTC riêng quý 1/2021 đã soát xét đạt 55,3 tỷ tăng 52,4 tỷ đồng và lợi nhuận trên BCTC hợp nhất đạt 47,6 tỷ đồng tăng 145,9 tỷ đồng so với cùng kỳ là do doanh thu bán hàng quý 1/2021 tăng so với cùng kỳ.

Trong năm 2021, Habeco dự kiến tổng sản lượng tiêu thụ bia đạt 278,2 triệu lít; tổng sản lượng tiêu thụ nước uống đóng chai UniAqua là 1,8 triệu lít; Tổng doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính đạt 5.392 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế đạt 319,15 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 255,14 tỷ đồng; cổ tức dự kiến là 6,5%.

Trong năm 2021, Habeco sẽ xây dựng chiến lược thương hiệu nhằm tập trung khai thác đúng phân khúc thị trường; Tiếp tục hoàn thiện công tác quy hoạch nhà phân phối; Triển khai ứng dụng công nghệ (phần mềm DMS) trong quản lý và tổ chức bán hàng.

Bên cạnh đó, Habeco sẽ tăng cường và cải thiện độ phủ và chất lượng độ phủ hàng hóa trên toàn miền Bắc, gia tăng nhanh chóng tại miền Trung và miền Nam; Triển khai hệ thống E-Commerce và kênh siêu thị, ưu tiên Hà Nội và TP.HCM; Tiếp tục đổi mới, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm phù hợp với thị hiếu người dùng, hoàn thiện dần các sản phẩm mới để phát triển thành sản phẩm trọng điểm tại từng phân khúc thị trường theo chiến lược phát triển đã đề ra.

Ngoài ra, Habeco sẽ tiếp tục công tác thoái vốn tại công ty thành viên có kết quả kinh doanh thua lỗ là Halico và thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

BHN cho biết, tính hình tài chính của Halico đang tiềm ẩn rủi ro cao, từ năm 2018, Habeco đã tiến hành các công việc cần thiết để thoái toàn bộ vốn tại Halico, tuy nhiên các phương thức đều đang gặp nhiều khó khăn nguyên nhân là do kết quả kinh doanh thua lỗ nên Halico không đáp ứng được các điều kiện về chào bán theo phương thức đấu giá công khai theo luật chứng khoán, đồng thời biên độ giá giao dịch và tính thanh khoản của cổ phiếu Halico trên thị trường ở mức rất thấp, do đó chưa thực hiện được việc chào bán thông qua hình thức giao dịch khoép lệnh trên sàn tại thời điểm hiện tại.

Trong năm 2021, Habeco sẽ phối hợp với đơn vị tư vấn cập nhật các văn bản mới của Nhà nước quy định về việc thoái vốn, để xây dựng phương án thoái vốn tại Halico, thực hiện báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Công Thương trước khi thực hiện, đảm bảo công tác thoái vốn tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Về việc thoái vốn ngoài ngành, BHN cho biết công ty còn có vốn góp đầu tư tại 5 công ty hoạt động ngoài ngành gồm 3 công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản (CTCP Harec Đầu tư và Thương mại; CTCP Bất động sản Lilama; CTCP Đầu tư và Phát triển Habeco), 01 công ty đầo tạo (Trường đại học công nghiệp Vinh); và 01 công ty hoạt động kinh doanh tổng hợp (CTCP Sành sứ Thuỷ tinh Việt Nam) - trong đó, chỉ có CTCP Harec Đầu tư và Thương mại có hiệu quả kinh doanh tốt, còn các công ty còn lại có kết quả kinh doanh kém hiệu quả.

BHN cho biết, việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của BHN trong những năm qua đang gặp khó do các công ty trêmn chưa phải là công ty đại chúng, không đủ điều kiện đăng ký giao dịch, niêm yết cổ phiếu trên thị trườnhg chứng khoán và có kết quả kinh doanh thu lỗ như CTCP Bất động sản Lilama; Trường đại học công nghiệp Vinh; CTCP Harec Đầu tư và Thương mại.

Còn đối với CTCP Sành sứ Thuỷ tinh Việt Nam đã đăng ký giao dịch trên UpCom nhưng kết quả kinh doanh thua lỗ và có lỗ luỹ kế nên việc thoái vốn tại công ty này cũng gặp khó khăn, vướng mắc tương tự như việc thoái vốn tại Halico.