Đổi mới sáng tạo động lực tăng trưởng mới
Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo được coi là yếu tố quan trọng, động lực tăng trưởng mới cho Việt Nam. Việc tăng đầu tư cho nghiên cứu phát triển (R&D) cho phép kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng từ 12-15%/năm đến năm 2045...
Trong khi nhiều doanh nghiệp lao đao, sản xuất kinh doanh đình trệ, sụt giảm doanh thu, thậm chí đóng cửa vì đại dịch Covid-19, thì Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu 15,8% và lợi nhuận tăng trưởng 17,6%. Đáng nói hơn là xuất khẩu của công ty vẫn tăng tới 47%.
Để có được cú lội ngược dòng này, Rạng Đông nhiều năm nay đã có chủ trương chú trọng công nghệ và đổi mới sáng tạo. Câu chuyện của Rạng Đông được xem là một trong những minh chứng rõ nét nhất về vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong tăng trưởng phát triển doanh nghiệp cũng như góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh.
VƯỢT THÁCH THỨC, CHỐNG CHỌI ĐẠI DỊCH COVID-19
Theo Báo cáo xếp hạng chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2021 của WIPO, Việt Nam xếp thứ 44 trên 132 quốc gia/nền kinh tế. Việt Nam được đánh giá là có nhiều nỗ lực và tiến bộ đáng kể, tiếp tục dẫn đầu nhóm các quốc gia cùng mức thu nhập. Đặc biệt, Việt Nam được ghi nhận có mức tăng hạng mạnh trong cải thiện một số trụ cột.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 phức tạp, việc Việt Nam vẫn duy trì được vị trí trong nhóm 50 quốc gia dẫn đầu là một nỗ lực rất lớn. Tại chương trình “Dấu ấn Techfest và Whise 2021”, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh việc thay đổi để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đã trở thành điều kiện tất yếu trong trạng thái bình thường mới.
Trong bối cảnh đó, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cung cấp những giải pháp mới, công cụ hiệu quả cho việc phòng và chống đại dịch, đồng thời được ứng dụng mạnh mẽ vào cuộc sống để kiến tạo và phát triển môi trường “bình thường mới”.
Các sáng kiến, giải pháp, dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo càng phải thể hiện được vai trò tiên phong trong giải quyết những vấn đề của kinh tế - xã hội trên nền tảng phát huy tính tự chủ, sáng tạo, đổi mới của Việt Nam. Năm 2021, mặc dù dịch bệnh phức tạp nhưng nguồn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam lại tăng cao chưa từng thấy với hơn 1,3 tỷ USD…
Sự đầu tư bền bỉ, lâu dài cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững hơn trước những thách thức an ninh phi truyền thống...
Chia sẻ trong buổi công bố các báo cáo về đổi mới sáng tạo mới đây, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng thực tế các doanh nghiệp vẫn duy trì được và phát triển tốt trong đại dịch thời gian qua là minh chứng rõ nhất việc đầu tư đổi mới sáng tạo. Ngay cả trong 2 năm đại dịch vừa qua, một số doanh nghiệp như Rạng Đông, Sơn Hà, Abivin, Sao Thái Dương… khi đã có quá trình đổi mới công nghệ lâu dài, bền vững vẫn duy trì tăng trưởng phát triển tốt.
Điều này cho thấy đầu tư bền bỉ, lâu dài cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững hơn trước những thách thức an ninh phi truyền thống.
RẤT NHIỀU DƯ ĐỊA CHO ĐỔI MỚI SÁNG TẠO
Báo cáo khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhận xét, Việt Nam còn nhiều dư địa để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98% nhưng khoảng 20% hoạt động xuất khẩu hạn chế do thiếu quy mô, công nghệ và mức độ tinh vi về kinh doanh để tăng năng suất và mở rộng thị trường.
Về công nghệ kỹ thuật số, kết quả khảo sát áp dụng công nghệ cho thấy, với các loại hình kinh doanh khác nhau, trung bình chỉ có 20% doanh nghiệp Việt Nam sử dụng quy trình số hóa hoàn chỉnh trong triển khai các chức năng kinh doanh chung. Do đó, có rất nhiều dư địa để tăng cường số hóa các trong hoạt động của doanh nghiệp. Trong tương lai, Việt Nam cần tăng cường mức độ sẵn sàng ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số và nền sản xuất linh hoạt hơn trước các thách thức và “cú sốc” của Covid-19.
Hiện nay, số lượng doanh nghiệp ở Việt Nam có sử dụng các công nghệ công nghiệp 4.0 như in 3D, robot còn rất ít. Việc chỉ có 29% doanh nghiệp sử dụng máy móc được điều khiển bởi máy tính, công nghệ kỹ thuật số của công nghiệp 3.0 và chỉ 8,7% sử dụng công nghệ này một cách hiệu quả là vấn đề đáng quan ngại. Kết quả cho thấy vẫn còn khoảng cách đáng kể để bắt kịp mức độ phát triển công nghệ cao nhất và khó có thể phát triển nhảy vọt. Do đó, doanh nghiệp cần tiếp tục tích lũy năng lực đổi mới, thông qua chuyển đổi các quy trình sang sử dụng các công nghệ kỹ thuật số và tiến tới các công nghệ 4.0.
Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra, đầu tư cho khoa học công nghệ của cả xã hội cũng như doanh nghiệp chưa đến được ngưỡng cần thiết để tạo ra bước tăng trưởng nhảy vọt cho nền kinh tế. Khi luẩn quẩn trong bài toán “con gà quả trứng”, không đạt tới ngưỡng nên các nước đang phát triển trong khu vực Đông Á khó để bứt phá phát triển, thoát bẫy thu nhập trung bình.
YẾU TỐ THEN CHỐT QUYẾT ĐỊNH TĂNG TRƯỞNG
Đánh giá tác động của công nghệ đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam cho thấy yếu tố công nghệ đóng góp ngày càng nhiều vào tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2016-2019. Lần đầu tiên đóng góp của đổi mới công nghệ đã vượt đóng góp của thâm dụng vốn và chiếm tới hơn 50% tổng tăng trưởng kinh tế. Xét cả giai đoạn, đóng góp của đổi mới công nghệ vào tăng trưởng kinh tế có xu hướng tăng ở hầu hết các ngành kinh tế.
Kịch bản nghiên cứu dự báo, việc tăng đầu tư cho nghiên cứu phát triển cho phép kinh tế Việt Nam tăng trưởng từ 12-15%/năm đến năm 2045. Trong cả hai kịch bản, tác động của đầu tư cho R&D rõ ràng hơn sau 10 năm. Điều này khẳng định giá trị lâu dài của đầu tư vào đổi mới công nghệ đối với tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Yếu tố công nghệ đóng góp ngày càng nhiều vào tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2016-2019. Đóng góp của đổi mới công nghệ vào tăng trưởng kinh tế có xu hướng tăng ở hầu hết các ngành kinh tế. Kịch bản nghiên cứu dự báo, việc tăng đầu tư cho nghiên cứu phát triển cho phép kinh tế Việt Nam tăng trưởng từ 12-15%/năm đến năm 2045.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam sẽ cần những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế để có thể đạt được tham vọng trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045 và đổi mới sáng tạo sẽ là nền tảng cơ bản trong việc nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng tăng trưởng.
Báo cáo Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo khuyến nghị Việt Nam nên tái cân đối chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển từ tập trung đầu tư tạo ra công nghệ tiên tiến sang thúc đẩy hấp thụ và phổ biến công nghệ giữa nhóm các doanh nghiệp. Sự lan tỏa công nghệ không chỉ là nghiên cứu và phát triển có thể mang lại hiệu quả năng suất và chuyển đổi kinh tế đáng kể. Cùng với đó, việc quan tâm xây dựng năng lực để tận dụng tối đa các công nghệ hiện đại nên là ưu tiên hàng đầu.
Trong nhiệm vụ tái cơ cấu các chương trình khoa học công nghệ đã “xoay trục”, có thêm các công cụ hướng đến doanh nghiệp nhiều hơn. Đặc biệt trong dự thảo Chiến lược khoa học công nghệ 10 năm tới cũng xác định rõ thêm các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo khi lấy doanh nghiệp làm trung tâm...
Các chuyên gia nhấn mạnh, Việt Nam còn con đường rất dài để tối ưu hơn nữa các giá trị nguồn vốn con người để thẩm thấu tốt hơn những công nghệ tiên tiến đang có. Cùng với đó cần tăng tỷ trọng đầu tư để thúc đẩy phát triển đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp startup…