12:24 23/08/2016

“Đối ngoại chiến lược nhiều thách thức chưa từng có”

Minh Hà

Tình hình biển Đông căng thẳng, thay đổi cơ bản nguyên trạng so với trước

Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khai mạc hội nghị ngoại giao lần thứ 29.
Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khai mạc hội nghị ngoại giao lần thứ 29.
Tình hình biển Đông căng thẳng, thay đổi cơ bản nguyên trạng so với trước. Môi trường đối ngoại chiến lược đang nổi lên nhiều thách thức chưa từng có, tác động trực tiếp đến lợi ích an ninh và phát triển của đất nước ta, Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu khai mạc hội nghị ngoại giao lần thứ 29, diễn ra hôm 22/8.

25 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện

Nhìn lại thế giới và khu vực 5 năm qua, Phó thủ tướng nhận định, tình hình quốc tế có những diễn biến mới rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều bất trắc, khó lường.

Ông nói, tình hình chính trị - an ninh quốc tế chuyển động phức tạp hơn trong giai đoạn thế giới đang định hình một cục diện mới, các yếu tố gây bất ổn có xu hướng gia tăng, kể cả ở những khu vực trước đây vốn tương đối ổn định.

Các biểu hiện của chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa cường quyền áp đặt, chủ nghĩa dân tộc thực dụng ngày càng nổi lên. Các vấn đề toàn cầu, thách thức an ninh phi truyền thống cũng diễn biến ngày càng gay gắt, vượt tầm xử lý của một quốc gia riêng lẻ.

Trong bối cảnh đó, theo Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, công tác đối ngoại của Việt Nam thời gian qua đã luôn kiên trì nguyên tắc độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, là bạn và đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Kết quả trước hết là mở rộng hợp tác và đưa các quan hệ đối tác ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, tăng đan xen lợi ích và tăng tin cậy chính trị. Đến nay, về cơ bản Việt Nam đã tạo dựng khuôn khổ quan hệ với hầu hết các đối tác ưu tiên, quan trọng.

Trong 5 năm (2011 - 2015), Việt Nam đã thiết lập thêm 8 quan hệ đối tác chiến lược và 3 quan hệ đối tác toàn diện, nâng tổng số các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện lên 25 nước trong vòng 15 năm qua, trong đó có cả 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, 12/20 nước nhóm G20.

Cũng trong thời gian đó, Việt Nam và các đối tác đã phối hợp củng cố hoặc thiết lập mới các cơ chế hợp tác, xây dựng chương trình hành động hoặc danh mục các hoạt động ưu tiên từng năm để cùng theo dõi, đôn đốc triển khai.

Như, giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có đến 52 cơ chế hợp tác, với Hoa Kỳ có 12 cơ chế đối thoại, với Nga,  thiết lập thêm đối thoại chiến lược ở cấp thứ trưởng Ngoại giao và cấp thứ trưởng Quốc phòng.

Về kinh tế, Phó thủ tướng cho biết, trong 5 năm qua, Việt Nam đã vận động được 64 nước công nhận quy chế kinh tế thị trường. Việt Nam cũng đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), trở thành một mắt xích quan trọng trong các liên kết kinh tế khu vực và liên khu vực, như FTA với liên minh kinh tế Á-Âu, Hàn Quốc và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); hoàn tất đàm phán hiệp định thương mại với EU, mở ra những cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn với dân số hơn 1,4 tỷ người và GDP trên 43 nghìn tỷ USD.

Linh hoạt nhưng kiên quyết

Liên quan tới nhiệm vụ giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, gìn giữ và tạo dựng môi trường hòa bình, tạo thuận lợi cho phát triển đất nước, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ, trước những diễn biến phức tạp ở biển Đông, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan đã theo dõi sát tình hình, phối hợp nhịp nhàng, kịp thời tham mưu với Bộ Chính trị, kiên trì sử dụng các biện pháp  chính trị - ngoại giao, đấu tranh linh hoạt nhưng kiên quyết, kết hợp song phương và đa phương, thúc đẩy giải quyết hòa bình tranh chấp  phù hợp luật pháp quốc tế.

Nhờ đó, Việt Nam đã tranh thủ được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, duy trì môi trường khu vực hòa bình, ổn định phục vụ phát triển đất nước.

Nhấn mạnh Việt Nam đã bước vào giai đoạn phát triển mới, nhiệm vụ của công tác đối ngoại cũng nặng nề hơn với yêu cầu cao hơn, Phó thủ tướng yêu cầu hội nghị ngoại giao lần thứ 29 cần nghiên cứu trả lời câu hỏi thế giới trong 5 - 10 năm tới sẽ ra sao. Đồng thời, nhận định những điểm mấu chốt của tình hình quốc tế có tác động tới môi trường an ninh và phát triển của Việt Nam.