14:54 02/09/2021

Đòn quyết chiến chiến lược

Nguyễn Quốc Uy

Một chiến dịch thể hiện quyết tâm kiên định của Đảng và Nhà nước cũng như toàn hệ thống chính trị trong nỗ lực đẩy lùi và kiểm soát dịch bệnh nhằm duy trì ổn định xã hội, khôi phục và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh cho người dân...

ĐÒN QUYẾT CHIẾN CHIẾN LƯỢC

Đêm 22 rạng ngày 23/8/2021 có thể đi vào lịch sử phòng chống dịch bệnh ở nước ta như thời điểm mở đầu một “trận chiến” mang tính quyết chiến chiến lược chống Covid-19, diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh.

Một “trận đánh” được xác định phải thắng.

Với đội ngũ đông đảo, cỡ cả chục sư đoàn, gồm cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, thày thuốc (cả dân y và quân y), dân quân tự vệ cùng các lực lượng chức năng khác và đại diện các tổ chức thuộc hệ thống chính trị ở Trung ương và địa phương, lại được triển khai ở một thành phố lớn, đông dân nhất cả nước, “trận đánh” này được coi là đòn “tổng công kích” nhằm vào sào huyệt Covid-19 lớn nhất ở nước ta.

Đòn quyết chiến chiến lược - Ảnh 1

Tất cả 312 phường, xã của toàn thành phố đã trở thành “pháo đài”. Hơn 300 chốt kiểm soát, 10 bệnh viện dã chiến và hơn 400 trạm y tế lưu động (ngoài các cơ sở khám chữa bệnh đã có của Thành phố) đã và đang được thiết lập, phục vụ yêu cầu siết chặt giãn cách xã hội từ thời điểm 0 giờ ngày 23/8/2021, theo chỉ đạo “ai ở đâu ở yên đó” của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Nhiệm vụ chủ yếu của đợt ra quân lần này tại thành phố Hồ Chí Minh là tổ chức thực hiện thật nghiêm nguyên tắc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhưng vẫn bảo đảm an sinh xã hội cho hàng triệu gia đình, khẩn trương tổ chức xét nghiệm cho những người ở “vùng đỏ” và “vùng cam” (vùng nguy cơ rất cao và vùng nguy cơ cao) để tách F0 khỏi cộng đồng, với yêu cầu thực hiện 2 triệu mẫu trong ba ngày. Trong khi đó, công tác phòng chống dịch bệnh, kể cả tiêm vaccine, vẫn tiếp tục được đẩy nhanh trên toàn địa bàn.

Đây là chiến dịch phòng, chống Covid-19 lớn nhất từ trước đến nay được triển khai tại một địa phương ở nước ta, xét về quy mô tổ chức, lực lượng tham gia cũng như phạm vi triển khai và đối tượng được phục vụ (người dân).

Chiến dịch, theo dự kiến, sẽ kết thúc sau ngày 6/9/2021. Do đó, còn quá sớm để đánh giá hiệu quả của nó đối với công tác phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, có thể khẳng định ngay rằng đây là phản ứng cần thiết, kịp thời và đúng hướng trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn ra ngày càng phức tạp ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Nếu không siết chặt giãn cách theo kiểu “quân lệnh như sơn” thì rất khó kiểm soát tình hình, khi một bộ phận không nhỏ người dân không tự giác chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch.

Từ sáng sớm, cả đội tình nguyện đã chuẩn bị dụng cụ cần thiết, đi từng con hẻm trên con đường Bàn Cờ (Quận 3) để tiêm vaccine cho những người lớn tuổi không có điều kiện đến các điểm tiêm tập trung. Ảnh: HCDC.
Từ sáng sớm, cả đội tình nguyện đã chuẩn bị dụng cụ cần thiết, đi từng con hẻm trên con đường Bàn Cờ (Quận 3) để tiêm vaccine cho những người lớn tuổi không có điều kiện đến các điểm tiêm tập trung. Ảnh: HCDC.

Chiến dịch này thể hiện quyết tâm kiên định của Đảng và Nhà nước cũng như toàn hệ thống chính trị trong nỗ lực đẩy lùi và kiểm soát dịch bệnh nhằm duy trì ổn định xã hội, khôi phục và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh cho người dân.

Diễn biến thực tế những ngày qua ở thành phố Hồ Chí Minh đã cho thấy ưu thế của hệ thống chính trị ở Việt Nam trong việc huy động và tổ chức thực hiện một chiến dịch phòng, chống dịch có quy mô lớn và phạm vi hoạt động rộng như thế; quyết liệt mà vẫn nhân văn, theo tinh thần “vì nhân dân phục vụ”.

Thành phố thực hiện giãn cách triệt để, nhưng mọi hoạt động thiết yếu không bị “nghẽn mạch”; người dân không cảm thấy đơn độc; an sinh xã hội cho cả chục triệu người vẫn được bảo đảm, dẫu không thể tránh khỏi khó khăn, thiếu thốn ở nơi này, nơi kia, lúc này, lúc khác.

Trước mắt, có thể thấy ngay hiệu ứng tích cực của chiến dịch này. Đó là được lòng dân. Hàng triệu gia đình được các chiến sĩ quân đội và công an cùng thành viên các tổ chức quần chúng ở cơ sở cung cấp lương thực, thực phẩm và các vật phẩm thiết yếu khác, kể cả thuốc chữa bệnh, phục vụ tại nhà thông qua cơ chế “đi chợ giúp dân”.

BS.Phạm Văn Cường, thuộc đội y tế tình nguyện từ bệnh viện TW Quân đội 108 (Hà Nội) cũng tham gia cùng đội tiêm vaccine tại nhà cho người dân. Ảnh: HCDC.
BS.Phạm Văn Cường, thuộc đội y tế tình nguyện từ bệnh viện TW Quân đội 108 (Hà Nội) cũng tham gia cùng đội tiêm vaccine tại nhà cho người dân. Ảnh: HCDC.

Người dân được thầy thuốc và nhân viên y tế tận tình hướng dẫn thực hiện quy trình xét nghiệm, khám chữa bệnh tại cơ sở, thậm chí tại nhà thông qua mạng lưới trạm y tế lưu động.

Một chiến dịch được lòng dân, ắt được dân ủng hộ.

Hơn nữa, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 vừa được nâng tầm và kiện toàn, do đích thân Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng ban, với ba Phó Thủ tướng và một Phó Chủ tịch Quốc hội làm Phó Trưởng ban, tạo thêm vị thế, trí lực và uy lực trong công tác chỉ đạo và điều hành hoạt động phòng, chống dịch bệnh trêm phạm vi toàn quốc, truyền thêm sức mạnh và quyết tâm cho những người tham gia chiến dịch phong tỏa Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác.

Với sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của toàn dân, đòn tấn công mang tính quyết chiến chiến lược trên mặt trận phòng, chống Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ thắng lợi, tạo thế và lực cũng như kinh nghiệm để Thành phố tiếp tục nỗ lực phòng, chống, tiến tới khống chế được dịch bệnh, đồng thời tạo đà cho các địa phương khác trong cả nước, nhất là các địa phương phía Nam, cùng giành thắng lợi trong nỗ lực kiểm soát virus SARS-CoV-2.