Tháng 5, thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý sụt gần 25%, nhiều khoản giảm sâu
Thu ngân sách nhà nước tháng 5 do cơ quan thuế quản lý ước đạt 85.200 tỷ đồng, sụt giảm 23,6% so với cùng kỳ. Trong 8 khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ rõ rệt, nhiều khoản giảm sâu 50% như: thu tiền sử dụng đất, thu tiền cho thuê đất, thuê mặt nước, thuế bảo vệ môi trường...
Thông tin về tình hình thực hiện chương trình công tác thuế những tháng đầu năm, Tổng cục Thuế cho biết tổng thu ngân sách nhà nước lũy kế 5 tháng đầu năm 2023 do cơ quan thuế quản lý ước đạt 663.843 tỷ đồng, bằng 48,3% so với dự toán pháp lệnh, bằng 96,9% so với cùng kỳ.
NHIỀU KHOẢN THU SỤT GIẢM ĐẾN 50%
Riêng thu ngân sách nhà nước tháng 5 do cơ quan thuế quản lý ước đạt 85.200 tỷ đồng, đạt 6,2% so với dự toán pháp lệnh, bằng 76,4% so với cùng kỳ.
Cụ thể, thu nội địa ước đạt 80.700 tỷ đồng, bằng 6,1% so với dự toán pháp lệnh, bằng 75,7% so với cùng kỳ.
Còn thu từ dầu thô ước đạt 4.500 tỷ đồng, bằng 10,7% so với dự toán, bằng 92,3% so với cùng kỳ, trên cơ sở giá dầu thô bình quân ước đạt 92 USD/thùng, bằng 131,4% so với giá dự toán, bằng 85,5% so với cùng kỳ, còn sản lượng ước đạt 650 ngàn tấn, bằng 8,8% dự toán, bằng 98,3% so với sản lượng cùng kỳ.
Đánh giá cụ thể về tiến độ thu các khoản thu, sắc thuế chính, Tổng cục Thuế cho biết so với dự toán, có 12/20 khoản thu, sắc thuế đạt khá, đạt trên 48%, còn lại 8/20 khoản thu đạt dưới mức 48%.
So với mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2022, cũng có 12/20 khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng thu so với cùng kỳ và 8/20 khoản thu, sắc thuế thu thấp hơn cùng kỳ năm 2022 như: thuế bảo vệ môi trường ước bằng 53%; lệ phí trước bạ ước bằng 72,5%; thu tiền sử dụng đất ước bằng 44,6%; thu tiền cho thuê đất, thuê mặt nước ước bằng 48,9%...
Về tiến độ thực hiện dự toán thu của 63 cục thuế địa phương, Tổng cục Thuế nêu rõ 17 cục thuế có tiến độ thực hiện dự toán đạt cao hơn 48%; 21 cục Thuế tiến độ thu ở mức trung bình (42-48%) và 25 cục thuế có tiến độ thu chậm (dưới 42%).
Đáng quan ngại, một số địa phương có tiến độ thu rất chậm dưới 35% dự toán như: Lào Cai, Thái Nguyên, Quảng Bình, Quảng Trị, Lai Châu, Thái Bình, Ninh Bình, Tuyên Quang, Bình Phước, Phú Yên, Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La.
Trước tình hình khó khăn của nền kinh tế, ngay từ đầu năm, ngành thuế phân tích, đánh giá cũng như tìm giải pháp cụ thể cần tập trung triển khai để thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách năm 2023.
Đặc biệt, ngành thuế tập trung rà soát, xác định chính xác những nguồn thu còn tiềm năng, nguồn thu chưa khai thác hết, còn dư địa, để giao nhiệm vụ đến từng cán bộ, đến từng đơn vị, từng địa bàn để thực hiện, khai thác tăng thu, bù đắp các khoản hụt thu; tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách, thu hồi nợ thuế…
Bên cạnh đó, trong 5 tháng đầu năm 2023, ngành thuế thực hiện tốt các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, tháo gỡ kịp thời những khó khăn cho doanh nghiệp, tạo đà cho doanh nghiệp và người dân nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển ổn định, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
SIẾT QUẢN LÝ THUẾ
Đối với kết quả thực hiện các chức năng quản lý thuế, Tổng cục Thuế cho hay 5 tháng đầu năm 2023, toàn ngành thuế thực hiện được 14.727 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 18,38% kế hoạch năm 2023 và bằng 121,1% so với cùng kỳ năm 2022; kiểm tra được 160.460 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế bằng 76,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, dù chưa thực hiện được 20% kế hoạch kiểm tra trong năm nay nhưng tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra lên đến 20.382 tỷ đồng, bằng 217,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Đối với công tác quản lý hoàn thuế, ngành thuế đẩy mạnh kiểm soát công tác hoàn thuế VAT đảm bảo hoàn thuế đúng quy định của pháp luật.
Theo đó, cơ quan thuế ban hành 6.458 quyết định hoàn thuế VAT với tổng số tiền thuế hoàn là 42.670 tỷ đồng, bằng 23% so với dự toán hoàn thuế VAT năm 2023 được Quốc hội thông qua, bằng 82% so với cùng kỳ năm 2022.
Đẩy mạnh công tác quản lý thuế, sau nhiều thời gian xây dựng và phát triển, Tổng cục Thuế cũng chính thức vận hành Trung tâm Cơ sở dữ liệu hoá đơn điện tử, với chức năng phân tích dữ liệu hoá đơn điện tử, phục vụ cho công tác quản lý rủi ro về hoá đơn điện tử trong toàn ngành thuế.
"Hệ thống sẽ giúp các cán bộ ngành thuế có công cụ, nguồn dữ liệu để tập trung thực hiện rà soát, phân tích, phát hiện các dấu hiệu rủi ro trong việc phát hành, sử dụng hoá đơn điện tử", Tổng cục Thuế khẳng định.
Từ đó ngăn ngừa, xử lý kịp thời theo quy định pháp luật đối với các trường hợp vi phạm về hóa đơn cũng như các hành vi gian lận, trốn thuế, hoàn thuế VAT sai quy định, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho doanh nghiệp.
Về công tác vận hành, xử lý hạ tầng kỹ thuật hệ thống hoá đơn điện tử, Tổng cục Thuế cho biết hệ thống vận hành ổn định 24/7, đáp ứng yêu cầu tiếp nhận và xử lý cấp mã hoá đơn điện tử, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Tính đến tháng 5, cơ quan thuế tiếp nhận tiếp nhận và xử lý tổng số lượng hoá đơn điện tử đạt hơn 3,91 tỷ hóa đơn, trong đó, 1,14 tỷ hóa đơn có mã và hơn 2,77 tỷ hóa đơn không mã.
Về công tác quản lý thuế đối với thương mại điện tử, theo thông tin từ Tổng cục Thuế, hiện có 55 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Với tổng số số thu lũy kế từ đầu năm đến nay là 3.401 tỷ đồng.
Riêng đối với cổng tiếp nhận thông tin thông tin điện tử trong nước, hệ thống vận hành ổn định, tiếp nhận dữ liệu kê khai từ các sàn thương mại điện tử gửi cơ quan thuế.
Tại kỳ cung cấp thông tin đầu tiên vào quý 4/2022, có 309 sàn cung cấp thông tin trên Cổng thông tin thương mại điện tử của Tổng cục Thuế. Theo đó, cơ quan thuế có được danh sách của 159.218 cá nhân và 31.881 tổ chức đăng ký bán hàng trên sàn, với 50,7 triệu lượt giao dịch và tổng giá trị giao dịch là 15.272 tỷ đồng.
"Tại kỳ cung cấp thông tin quý 1/2023, tính đến ngày 1/6, có 254 sàn cung cấp thông tin. Cơ quan thuế có danh sách của 50.111 cá nhân và 14.604 tổ chức đăng ký bán hàng trên sàn, với 90,08 triệu lượt giao dịch và tổng giá trị giao dịch là 9.786 tỷ đồng", Tổng cục Thuế cho biết.
CHÚ TRỌNG DÙNG CÔNG NGHỆ ĐỂ QUẢN LÝ THUẾ, PHÁT HIỆN GIAN LẬN
Trong những tháng còn lại năm 2023, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành lưu ý ngành thuế tiếp tục bám sát và đánh giá tình hình kinh tế trong nước, thế giới; phân tích, nhận định những tác động từ những chính sách tài khóa tiền tệ mà các nước thực hiện đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước, để nhận diện đúng những rủi ro, kịp thời tham mưu cho Bộ Tài chính, Chính phủ có kịch bản, giải pháp chủ động trong điều hành thu ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, ngành thuế chủ động tuyên truyền về các quy định pháp luật thuế hiện hành, các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực thuế.
Đồng thời, tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, duy trì dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hệ thống hoá đơn điện tử; đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin thông suốt 24/7 để hỗ trợ người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước từ khâu đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử mà không cần phải đến trực tiếp cơ quan thuế.
Đặc biệt, "nghiên cứu giải pháp áp dụng công cụ phân tích dữ liệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác quản lý thuế, quản lý hóa đơn, kiểm soát rủi ro, phòng chống gian lận về hoá đơn điện tử, gian lận hoàn thuế VAT..., nâng cao hiệu quả quản lý thuế", lãnh đạo Tổng cục Thuế đề nghị.