18:10 05/01/2010

Đóng cửa sàn vàng: Ngổn ngang trăm mối

Kiều Oanh

Hạn chế tối đa những thiệt hại về cơ sở vật chất và nhân lực là một mục tiêu mà các sàn vàng đang hướng tới

Việc đầu tư trên sàn vàng đã tiêu tốn của nhà đầu tư nhiều thời gian và chất xám, do đó, việc chuyển kênh đầu tư cũng đòi hỏi họ có thời gian để cân nhắc và nghiên cứu trước khi ra quyết định.
Việc đầu tư trên sàn vàng đã tiêu tốn của nhà đầu tư nhiều thời gian và chất xám, do đó, việc chuyển kênh đầu tư cũng đòi hỏi họ có thời gian để cân nhắc và nghiên cứu trước khi ra quyết định.
Sau quyết định đóng cửa sàn vàng do Chính phủ đưa ra ngày 30/12/2009, các sàn vàng và các nhà đầu tư đều đang tìm cho mình hướng đi mới. Hạn chế tối đa những thiệt hại về cơ sở vật chất và nhân lực là mục tiêu mà các sàn vàng đang hướng tới.

Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư còn chưa thể xác định rõ sắp tới sẽ chuyển vốn sang kênh nào.

Loay hoay rút lui

Gần một tuần sau khi quyết định đóng cửa sàn vàng được công bố, các trung tâm giao dịch vàng thưa bóng nhà đầu tư. Buồn và vắng là những từ có thể dùng để miêu tả không khí tại các sàn vàng những ngày này.

Tại chi nhánh Hà Nội của Trung tâm Giao dịch vàng Việt Nam (VGB) lúc 10h sáng nay, các dãy ghế dành cho các nhà đầu tư trống trơn dù giá vàng thế giới vừa trải qua một phiên tăng mạnh tại thị trường New York đêm hôm trước và đang tiếp tục xu hướng đi lên.

Dạo một vòng quanh một số điểm nhận lệnh tại Hà Nội của các sàn ACB, Vàng 10… quang cảnh cũng tương tự. Đáng chú ý, tại Sàn giao dịch Vàng 10, tấm biển khai trương hôm 5/12/2009 thậm chí còn chưa kịp được gỡ xuống. Là một trong số những sàn vàng “sinh sau đẻ muộn” nhất, Vàng 10 mới chỉ đi vào hoạt động từ tháng 9/2009.

Nhân viên giao dịch tại VGB cho biết, số nhà đầu tư trực tiếp lên sàn đã giảm mạnh từ sau khi có quyết định đóng cửa sàn vàng. Một số ít nhà đầu tư đã đóng tài khoản, phần còn lại giao dịch hạn chế hoặc tạm ngừng giao dịch để nghe ngóng tình hình.

Việc chọn thời điểm rút lui có lẽ đang là câu chuyện khiến nhiều nhà đầu tư “đau đầu”.

Thông báo đề ngày 31/12/2009 đăng tải trên website của VGB đề nghị các nhà đầu tư lựa chọn mức giá phù hợp để tất toán trạng thái và rút khỏi sàn trước hạn chót 30/3/2010. Tuy nhiên, việc lựa chọn này sẽ phụ thuộc nhiều vào biến động của giá vàng thế giới.

Trao đổi với VnEconomy hôm 31/12, ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc VGB cho biết, ở thời điểm đó, các nhà đầu tư tại sàn này còn kẹt trạng thái hơn 100.000 lượng vàng, là số vàng mà các nhà đầu tư đã mua vào với giá cao hoặc bán khống với giá thấp hơn giá hiện tại.

Theo ông Hải, để các nhà đầu tư có cơ hội chốt lãi hoặc cắt lỗ, giá vàng thế giới cần có “sóng”. “Nếu giá vàng thế giới đi ngang, nhà đầu tư muốn tất toán ít nhiều phải chịu lỗ. Điều quan trọng là nhà đầu tư phải chọn được thời điểm và mức giá phù hợp để rút lui với thiệt hại ít nhất”, ông Hải cho biết.

Với mong muốn rút lui có lãi, hòa, hoặc chí ít là hạn chế thua lỗ ở mức tối thiểu, các nhà đầu tư đặt lệnh bán đang cố đặt các mức giá cao, trong khi các nhà đầu tư đặt lệnh mua tìm cách đẩy giá xuống. Thực tế này khiến các lệnh đặt mua và các lệnh đặt bán khó gặp nhau.

Ở thời điểm 15h45 chiều nay trên sàn SBJ, các lệnh đặt mua có giá dao động từ 25,70-25,75 triệu đồng/lượng, trong khi các lệnh đặt bán có giá từ 25,85-25,90 triệu đồng/lượng.

“Vì vậy, các lệnh khó được khớp, thanh khoản của thị trường thấp. Theo tôi, các nhà đầu tư nên bình tĩnh vì 3 tháng là quãng thời gian đủ dài để lựa chọn thời điểm tất toán phù hợp”, ông Tôn Thế Vĩnh Quyền, Giám đốc kinh doanh của Sacombank-SBJ, khuyến nghị.

Cùng với sự co cụm và thận trọng của các nhà đầu tư, khối lượng giao dịch trên các sàn cũng sụt giảm mạnh. Tại Trung tâm Giao dịch vàng SBJ thuộc Công ty Vàng bạc đá quý Ngân hàng Sacombank (Sacombank-SBJ), khối lượng khớp lệnh từ sáng tới 15h chiều nay mới đạt mức hơn 71.000 lượng vàng, bằng khoảng 1/3 so với khối lượng khớp lệnh chỉ trong vòng buổi sáng tại sàn này cách đây chưa lâu.

Trên sàn vàng ACB, khối lượng khớp lệnh cùng thời điểm trên đạt chưa đầy 10.000 lượng, với tổng trị giá trên 248 tỷ đồng. Trong khi đó, theo bản báo cáo mà Ngân hàng Nhà nước vừa công bố về hoạt động sàn vàng, ở thời điểm giao dịch sôi động nhất, một ngày sàn vàng này có doanh số lên đến hơn 8.000 tỷ đồng.

Thiệt hại

Thiệt hại đối với các sàn vàng vì phải đóng cửa là điều mà ai cũng nhận thấy rõ. Thiệt hại này bao gồm thiệt hại về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, cộng với việc mất đi một nguồn thu quan trọng.

Theo ông Lê Hồng Thắng, Phó giám đốc kinh doanh của Sàn vàng Phố Wall, chi phí trung bình cho cơ sở hạ tầng ban đầu của một sàn vàng vào khoảng 10-20 tỷ. “Đối với những sàn vàng mới thành lập và không tìm được hướng kinh doanh khác để sử dụng cơ sở hạ tầng đã đầu tư, thì gần như số tiền đầu tư ban đầu này là mất trắng. Đối với những sàn vàng đã hoạt động được một thời gian tương đối thì thiệt hại sẽ nhỏ hơn. Dù ít dù nhiều, sàn nào cũng thiệt”, ông Thắng nói.

Một ví dụ về sàn vàng thành lập cách đây chưa lâu là VGB. Mới bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 9/2008, sàn này chịu nhiều bất lợi khi cuộc chơi bị dừng lại. Ông Trần Thanh Hải cho biết, hiện sàn VGB có khoảng 100 đại lý, với vốn đầu tư từ 150 triệu đến 1 tỷ đồng mỗi đại lý. “Ước tính sơ bộ, thiệt hại về cơ sở vật chất đối với hệ thống của VGB là từ 30 - 40 tỷ đồng, chưa kể chi phí đào tạo nhân lực, thuê mặt bằng…”, ông Hải nói.

Với việc lợi nhuận từ sàn vàng đóng góp một tỷ lệ không nhỏ trong lợi nhuận của các ngân hàng có hoạt động này, việc đóng cửa sàn vàng còn đồng nghĩa với sự khép lại một nguồn lợi nhuận quan trọng.

Đầu năm ngoái, tại cuộc gặp gỡ với các nhà đầu tư trình bày về kế hoạch năm 2009, ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB, cho biết: “Kinh doanh vàng đem lại khoản lãi lớn cho ACB”. Trong năm 2008, chính nguồn lợi nhuận từ kinh doanh vàng, trong đó có hoạt động sàn vàng, đã bù đắp cho sự đi xuống trong lợi nhuận của lĩnh vực khác trong tổng lợi nhuận ròng của ACB.

Việc sa thải nhân viên cũng là điều khó tránh khỏi khi các sàn vàng thôi hoạt động. VGB có 100 nhân viên tại hội sở chính và chi nhánh, cộng thêm khoảng 400-500 nhân viên tại hệ thống đại lý. Sàn vàng Phố Wall có khoảng 100 nhân viên... Hiện đang có tổng số khoảng 20 sàn vàng, nên số nhân lực có nguy cơ bị dôi dư sắp tới cũng có thể lên tới cả nghìn người.

Sẽ đầu tư vào đâu?

Tận dụng hệ thống máy móc, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân đã đầu tư để chuyển hướng kinh doanh mới đang là vấn đề quan tâm hàng đầu hiện nay của các sàn vàng trước “giờ G” 30/3/2010.

Theo ông Trần Thanh Hải, sau khi ngưng hoạt động sàn vàng, VGB sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh vàng vật chất với sản phẩm chủ lực là vàng miếng SJC. “Tận dụng hệ thống đại lý rộng và các mối quan hệ sẵn có, chúng tôi hướng tới thực hiện giao dịch vàng miếng theo phương thức thanh toán bù trừ qua mạng để giúp khách hàng hạn chế rủi ro khi vận chuyển vàng”, ông Hải tiết lộ.

Đẩy mạnh kinh doanh vàng vật chất cũng là hướng đi sắp tới của Sacombank-SBJ. Ông Tôn Thế Vĩnh Quyền cho biết, sắp tới công ty của ông sẽ mở thêm các đại lý kinh doanh vàng miếng SBJ bên cạnh việc giao dịch sản phẩm này tại 310 điểm giao dịch của Sacombank trên toàn quốc.

Tuy nhiên, vàng vật chất có thể không phải là lựa chọn của mọi sàn vàng sau khi ngừng hoạt động vì không phải sàn vàng nào cũng có “gốc gác” từ hoặc có liên hệ mật thiết với vàng vật chất. Đại diện của một số sàn vàng vẫn đang giữ bí mật về hướng kinh doanh sắp tới, với lý do hiện đang là thời điểm nhạy cảm.

Vậy có thể xem việc đóng cửa sàn vàng đã mở ra một cơ hội mới cho các kênh đầu tư khác? Lượng vốn đầu tư trên sàn vàng là không nhỏ nên nhiều người đang hy vọng, sắp tới số vốn này sẽ chuyển sang vàng miếng, chứng khoán, hoặc bất động sản.

Anh T., chủ một công ty vàng tại Hà Nội, đồng thời cũng là một nhà đầu tư vàng trên sàn, cho biết, chắc chắn, sau khi sàn vàng đóng cửa, giao dịch vàng vật chất ít nhiều sẽ tốt hơn. Anh T. cũng thổ lộ ý định dùng số vốn thường dùng để đầu tư vàng tài khoản để mua chứng khoán hoặc nhà đất khi có cơ hội.

Mặc dù vậy, nhiều ý kiến vẫn tỏ thái độ thận trọng khi nói về tác động tích cực của việc ngừng hoạt động sàn vàng đối với các kênh đầu tư khác, ít nhất là trong ngắn hạn.

“Đầu tư vàng vật chất và vàng tài khoản là hai khái niệm hoàn toàn khác. Với đầu tư vàng trên sàn, nhà đầu tư có công cụ đòn bẩy tài chính, đầu tư trong môi trường tính thanh khoản cao, lại không phải chịu mức chênh lệch giá mua bán lớn như vàng miếng. Những người đã đầu tư vàng trên sàn sẽ cảm thấy vàng miếng kém hấp dẫn. Do vậy, vàng miếng không thể có chuyện vàng miếng sẽ hút hết vốn từ sàn vàng”, ông Tôn Thế Vĩnh Quyền nhận định.

Ngoài ra, việc đầu tư trên sàn vàng đã tiêu tốn của nhà đầu tư nhiều thời gian và chất xám, do đó, việc chuyển kênh đầu tư cũng đòi hỏi họ có thời gian để cân nhắc và nghiên cứu trước khi ra quyết định.

Ông Lê Hồng Thắng cho rằng, việc đóng cửa sàn vàng sẽ không có tác động quá lớn tới thị trường chứng khoán. “Việc thị trường chứng khoán lên điểm sau quyết định ngừng hoạt động sàn vàng chỉ là tác động tâm lý tức thời. Không phải nhà đầu tư sàn vàng nào cũng biết chơi chứng khoán. Tôi cho rằng, nhiều người sẽ gửi tiền vào ngân hàng để đợi cơ hội thích hợp”, ông Thắng dự báo.