14:52 02/04/2008

Đồng loạt giảm lãi suất huy động VND

Minh Đức

Đến đầu giờ chiều nay (2/4), hầu hết các ngân hàng thương mại đều đã giảm lãi suất huy động VND về trần 11%

Nhiều ngân hàng bắt đầu cân nhắc điều chỉnh lãi suất cho vay đầu ra.
Nhiều ngân hàng bắt đầu cân nhắc điều chỉnh lãi suất cho vay đầu ra.
Đến đầu giờ chiều nay (2/4), hầu hết các ngân hàng thương mại đều đã giảm lãi suất huy động VND về trần 11%.

Theo thỏa thuận giữa các thành viên, từ ngày 2/4, lãi suất huy động VND được rút về trần 11%/năm, riêng kỳ hạn 6 tháng có trần là 10,5%/năm.

Tuy nhiên, phải đến đầu giờ chiều nay, sau khi nghe ngóng tình hình, một số ngân hàng cổ phần mới bắt đầu áp dụng biểu lãi suất mới từ 14 giờ cùng ngày; còn khối quốc doanh đã “gương mẫu” đi trước trong thỏa thuận này.

Ngoài thực hiện trần thỏa thuận, một số thành viên cũng đã bước đầu thực hiện cơ cấu lại các mức lãi suất theo từng kỳ hạn, thay cho việc áp dụng đồng loạt 12%/năm trước đó.

Ngược lại, nhiều thành viên vẫn tiếp tục áp dụng trần 10,5%/năm cho các kỳ hạn từ 1 đến 6 tháng.

Về việc thực hiện thỏa thuận lần này, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB), cho rằng “các thành viên khác cùng thống nhất điều chỉnh giảm lãi suất thì ngân hàng mình cũng phải thực hiện theo. Mặt khác, việc giảm lãi suất huy động như vậy cũng sẽ giúp bản thân ngân hàng giảm chi phí đầu vào. Theo đó, đây là một diễn biến tích cực”.

Như vậy, trước mắt lãi suất huy động VND đã được bình ổn. Vấn đề còn lại là lãi suất cho vay đầu ra có được điều chỉnh cân đối như mong đợi của thị trường?

Về câu hỏi này, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Ngân hàng Kỹ thương Techcombank, cho rằng lãi suất cho vay sẽ có hướng điều chỉnh, ngân hàng sẽ có thêm cơ hội để hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn. Và để bù lại cho mục tiêu lợi nhuận, ngân hàng sẽ phải đẩy mạnh phát triển các dịch vụ khác.

Ông Lê cũng hé mở khả năng SHB sẽ tiếp tục giải ngân mạnh trong thời gian tới. Lãi suất cho vay cũng sẽ được điều chỉnh theo hướng cân đối bình quân đầu vào và đầu ra. “Tôi cho rằng mục đích của việc điều chỉnh lãi suất cho vay là để góp phần giảm chi phí, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng bớt áp lực lãi suất. Đó là ý nghĩa mà các ngân hàng cần tính đến thời điểm này”, ông Lê nói.

Trong khi đó, đại diện một số ngân hàng khác cho rằng trong thời gian tới việc điều chỉnh lãi suất đầu ra sẽ được tính toán thận trọng hơn và có một độ trễ nhất định, bởi trước đó chi phí đầu vào của ngân hàng đội lên do huy động với lãi suất cao.

Còn theo một áp lực khách quan khác, các ngân hàng sẽ buộc phải giảm lãi suất cho vay VND để hạn chế rủi ro. Trong đợt biến động lãi suất vừa qua, những trường hợp chấp nhận vay vốn trên 20%/năm, thậm chí 25%/năm đi cùng với lo ngại khả năng gia tăng nợ xấu. Với chi phí vay vốn lên tới 25% như vậy, liệu hiệu quả sản xuất kinh doanh có đủ sức để đảm bảo cho khả năng trả nợ và lãi.

Trước mắt, lãi suất huy động bình ổn, lãi suất cho vay có cơ hội điều chỉnh. Tuy nhiên, dự báo đó chỉ là kết quả trong ngắn hạn. Bởi định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là các ngân hàng sẽ thực hiện lãi suất thực dương, trong khi lạm phát nhiều khả năng sẽ tăng cao (theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, có thể lên tới 12,6% như năm 2007).