Đồng Nai kiến nghị Quốc hội dùng đất sân bay Long Thành để làm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
Do gặp khó khăn về nguồn cát san lấp cho dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, tỉnh Đồng Nai, mới đây đã có văn bản báo cáo Thường vụ Quốc hội kiến nghị dùng nguồn đất đào tại dự án sân bay Long Thành làm đất đắp cho dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đoạn đi qua địa phận Đồng Nai...
Theo ước tính, dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đoạn đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai, cần khoảng 5,7 triệu m3 đất đắp san lấp thi công. Trong khi đó, nguồn vật liệu đất đắp đang khai thác phục vụ dự án ước vào khoảng 1,7 triệu m3 và hụt khoảng 4 triệu m3.
Tính toán của Bộ Giao thông vận tải cũng cho biết tổng khối lượng đá cần cho dự án khoảng 1,89 triệu m3; tổng khối lượng cát khoảng 0,87 triệu m3 và tổng khối lượng đất đắp khoảng 6,4 triệu m3. Riêng nguồn cung vật liệu đất đắp, chủ đầu tư cho biết hiện đang bị thiếu hụt nguồn cung, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Trong văn bản báo cáo Thường vụ Quốc hội, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết, tới nay phần diện tích đất thuộc giai đoạn 2 sân bay Long Thành rộng hơn 2.400 ha chưa được phê duyệt và đang giao Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý, khai thác, sử dụng quỹ đất đã được thu hồi… Phần diện tích giai đoạn 2 dự án sân bay có nhiều khu vực, trong đó có vị trí quy hoạch nhà ga T3 sân bay Long Thành với diện tích khoảng 187 ha.
Với lượng cát, đất đắp cần cho dự án khoảng 5,7 triệu m3 như trên, tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch, tính toán các mỏ, khu vực khai thác phục vụ cho dự án; tuy nhiên, vị trí từ các mỏ khai thác, tập kết và chuyến đến địa điểm công trình thi công khá xa, tiêu tốn nhiều chi phí vận chuyển, mặt khác chất lượng sản phẩm khai thác chưa bảo đảm tiêu chuẩn dành cho đường cao tốc. Vì những lý do đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai kiến nghị Thường vụ Quốc hội chấp thuận chủ trương cho phép thu hồi vật liệu san lấp tại một phần khu vực 187 ha quy hoạch nhà ga T3 sân bay Long Thành nhằm tạo nguồn đất đắp phục vụ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Vị trí từ sân bay đến cao tốc lại rất gần (chỉ khoảng 7 km), rút ngắn thời gian di chuyển.
Cũng theo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, địa phương sẽ tính toán, bổ sung quy hoạch khai thác vật liệu san lấp để có nguồn vật liệu san lấp nhằm cung cấp cho việc san lấp ở sân bay Long Thành khi triển khai giai đoạn 2. Ngoài ra, khi đưa vào khai thác giai đoạn 1 của sân bay Long Thành, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) chỉ thi công san nền tại khu vực 1.810 ha, chưa triển khai san nền khu vực quy hoạch nhà ga T3 nên sẽ tạo ra chênh lệch cao độ của 2 khu vực, từ 8 – 10 m. Vì vậy cần thiết phải hạ cao độ của khu vực này để không ảnh hưởng đến hoạt động của sân bay khi đi vào vận hành.
Tỉnh Đồng Nai trước đó từng đề xuất dùng đất của dự án sân bay Long Thành làm đất đắp dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đoạn đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai, gồm dự án thành phần 2. Cuối tháng 01/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh này tiếp tục nhắc lại đề xuất sử dụng nguồn đất đắp của khoảng 187 ha thuộc dự án sân bay Long Thành (trữ lượng khoảng 18 triệu m3) phục vụ thi công dự án cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu. Điểm thuận lợi theo tỉnh Đồng Nai là hiện trữ lượng đất này do tỉnh Đồng Nai quản lý.
Theo tính toán của các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai và Ban quản lý Dự án 85 (Ban 85) là đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông vận tải và được Bộ này giao làm chủ đầu tư dự án thành phần 2 đoạn qua Đồng Nai, sau khi tiến hành khảo sát các mỏ vật liệu đất đắp phục vụ thi công đã cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có 2 mỏ đất đắp thương mại đang khai thác là mỏ Tân Cang 7 và mỏ Núi Nứa với tổng trữ lượng còn lại khoảng 1,7 triệu m3 là có thể sử dụng được cho dự án.
Được biết, ngoài các vị trí mỏ đã có trong quy hoạch và sau khi Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023 về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, các cơ quan chức năng phối hợp với các chủ đầu tư các dự án thành phần, các nhà thầu cũng đã tiến hành khảo sát, rà soát thêm một số vị trí mới để kiến nghị triển khai các thủ tục cấp phép khai thác nhằm phục vụ thi công dự án.