Đồng Nai tăng tốc hơn nữa về xây dựng nhà ở cho công nhân
Gần 1,2 triệu lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tại Đồng Nai nhưng đến nay, cả tỉnh mới xây dựng được gần 3.500 căn nhà ở xã hội, trong đó, 1.581 căn dành cho công nhân đã không đáp ứng đủ nên đa số họ phải đi ở trọ.....
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai về các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh.
NHU CẦU VỀ NHÀ Ở CỦA CÔNG NHÂN RẤT LỚN
Báo cáo của UBND tỉnh cho biết, hiện Đồng Nai có gần 1,2 triệu lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, riêng các khu công nghiệp đã tập trung hơn 614.000 người, vì vậy nhu cầu về nhà ở rất cao. Nhưng đến nay, cả tỉnh mới xây dựng được gần 3.500 căn nhà ở xã hội, trong đó, 1.581 căn dành cho công nhân đã không đáp ứng đủ nên đa số họ phải đi ở trọ.
Về nhà trọ, theo thống kê toàn tỉnh có khoảng 20.000 cơ sở cho thuê tập trung với hơn 150.000 phòng, đáp ứng tương đương 450.000 người lao động. Các nhà trọ thường giá thuê thấp, phù hợp với thu nhập của công nhân nên thu hút được nhiều người. Tuy nhiên, các phòng diện tích chỉ dao động từ 12 - 14 m2 mà có tới 4 - 6 người sinh sống và không đáp ứng được tiêu chuẩn về phòng chống cháy nổ, môi trường, an ninh... Ngoài ra, trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp khi họ không thể đi làm mà phải ở suốt trong một không gian chật hẹp thì nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.
Căn cứ vào tình hình thực tế đó, Đồng Nai đang triển khai 13 dự án với diện tích 59,3ha đáp ứng 8.193 căn, riêng nhà ở xã hội cho công nhân có 3 dự án với diện tích 22,1 ha và 2.893 căn. Sang năm 2022, Đồng Nai sẽ triển khai thêm 9 dự án nhà ở xã hội với khoảng 6.000 căn thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Dự kiến 5 năm tới, tỉnh sẽ tập trung đầu tư nhà ở xã hội nhiều hơn nữa để đáp ứng nhu cầu của người lao động. Bởi việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân, trong đó có nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp luôn được tỉnh quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Có “an cư mới lạc nghiệp”, khi người lao động đã yên tâm về chỗ ở thì họ càng quyết tâm hơn trong công việc. Nhưng thời gian qua khi Đồng Nai đưa ra một số mô hình nhà ở xã hội, quá trình thực hiện đã gặp một số vướng mắc nên tỉnh rất cần Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể để triển khai.
Tại tọa đàm trực tuyến “Hạ tầng xã hội khu công nghiệp: Thực trạng và giải pháp” tổ chức mới đây, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: “Thực tiễn và lý luận đều chỉ ra, khi người lao động được quan tâm đến đời sống tinh thần, phúc lợi cũng như việc làm và cả vấn đề nhà ở thì họ mới cống hiến bền vững cho doanh nghiệp. Nhưng không thể phủ nhận một thực tế đang tồn tại trong các khu công nghiệp, đó chính là sự thiếu hụt các dịch vụ cho người lao động mà đặc biệt là phúc lợi xã hội, nhà ở cho công nhân... nên đã dẫn đến tình trạng nhiều khu công nghiệp chưa thu hút được lao động vào làm việc”.
XIN CHUYỂN 132 HA ĐẤT TRỐNG SANG ĐẤT XÂY DỰNG NHÀ Ở XÃ HỘI
Để tăng thêm số lượng nhà ở cho công nhân lao động, tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ Xây dựng hỗ trợ giải quyết việc tỉnh xin chuyển đổi 132 ha đất thương mại dịch vụ trong khu công nghiệp đang bỏ trống sang đất xây dựng nhà ở xã hội có đường riêng, kết nối ra khu đô thị bên ngoài để đáp ứng nhu cầu nhà ở cấp thiết cho người lao động.
Đồng thời tạo điều kiện để tỉnh thực hiện nhanh các vấn đề liên quan đến quy hoạch nhằm khai thác hơn nữa các lợi thế về hạ tầng giao thông, tạo đột phá trong phát triển kinh tế; cho di dời nhanh Khu công nghiệp Biên Hòa 1, xây dựng trung tâm hành chính tại đây; phê duyệt nhanh quy hoạch cải tạo cù lao Hiệp Hòa để tạo điểm nhấn cho TP. Biên Hòa; hướng dẫn chi tiết việc xây dựng thành phố thông minh; xử lý các trường hợp doanh nghiệp vi phạm về xây dựng nhà ở do làm trước một số bước.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, tỉnh Đồng Nai đã có nhiều cố gắng trong việc quản lý xây dựng trên địa bàn. Tỉnh có quan tâm đến phát triển đô thị, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, nhưng kết quả đạt mới chỉ hơn 10%.
Và hiện nay, Đồng Nai vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục, đấy là tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, phân lô bán nền đất nông nghiệp, quy hoạch chi tiết còn thấp hơn bình quân chung cả nước. Đặc biệt phải quan tâm hơn nữa đến nhà ở xã hội để tăng tốc, đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhất là nhà ở công nhân, sao cho sớm có sản phẩm bán, cho thuê đối với nhóm này, qua đó nâng cao chất lượng đô thị.
Mặt khác nên chú ý đến việc quy hoạch xây dựng, quy hoạch không gian, quy hoạch nông thôn, khung hạ tầng, không gian cảnh quan để quản lý và phát triển. Vì Đồng Nai đang được chọn thực hiện thí điểm đô thị thông minh, cần tập trung hơn nữa trong việc xây dựng, nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn.
Bộ trưởng lưu ý với đối tượng mua nhà còn bị hạn chế bởi các quy định như chủ đầu tư không được phép mua nhà ở xã hội phục vụ cho chính công nhân của họ. Tỉnh cần rà soát lại đất khu công nghiệp chưa xây dựng thì đầu tư nhà lưu trú, giao cho chính chủ đầu tư khu công nghiệp thực hiện. Để thuận lợi, Bộ trưởng giao nhiêm vụ cho Vụ Quy hoạch - Kiến trúc nghiên cứu, đưa ra thiết kế mẫu nhà công nhân nhằm tối ưu hóa chi phí đầu tư.
Cũng chia sẻ tại buổi làm việc, một số chuyên gia cho rằng, để đẩy nhanh chương trình nhà ở xã hội, nhà ở công nhân thì tỉnh Đồng Nai cần khai thác quỹ đất có được từ 20% đất dự án thương mại và có thể khuyến khích doanh nghiệp đầu tư khu lưu trú công nhân, ký túc xá tại khu đất dịch vụ công cộng trong khu công nghiệp khi Nghị định 82/2018/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế được sửa đổi.