09:58 12/09/2014

Đồng Rúp mất giá kỷ lục sau lệnh trừng phạt mới

Diệp Vũ

Các nhà đầu tư lo ngại các lệnh trừng phạt mới của Mỹ và châu Âu đối với Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Bloomberg.<br>
Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Bloomberg.<br>
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua (11/9) tuyên bố, nước này và Liên minh châu Âu (EU)  quyết định sẽ tung đòn trừng phạt mới lên Nga. Động thái này được đưa ra bất chấp lệnh ngừng bắn ở miền Đông Ukraine tiếp tục được duy trì.

Theo hãng tin Bloomberg, trong một tuyên bố phát đi hôm qua, ông Obama nói, nước Mỹ sẽ “tăng cường và mở rộng” các biện pháp trừng phạt nhằm vào các ngành tài chính, năng lượng và quốc phòng của Nga. Ông Obama nói thêm rằng, các lệnh trừng phạt mới này sẽ có hiệu lực kể từ ngày mai (13/9) và khi đó, chi tiết của các biện pháp trừng phạt sẽ được công bố cụ thể.

EU cũng tuyên bố sẽ thực thi loạt lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga từ ngày mai. Cách đây ít hôm, khối này thông qua kế hoạch bổ sung trừng phạt Nga, nhưng chưa thực thi ngay, mà chờ xem diễn biến ở miền Đông Ukraine sẽ như thế nào.

Phản ứng trước động thái, Bộ Ngoại giao Nga nói, châu Âu đang chống lại giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Việc Mỹ và EU quyết định siết chặt lệnh trừng phạt Nga được đánh giá là đẩy mức độ đối đầu giữa hai bên xung quanh vấn đề Ukraine lên một nấc mới. Quyết định này được đưa ra sau khi Nga có những động thái trả đũa các lệnh trừng phạt trước đó, bằng cách cấm nhập khẩu một loạt loại thực phẩm từ Mỹ và châu Âu.

Những đòn “ăn miếng, trả miếng” qua lại lẫn nhau giữa Moscow và phương Tây được cho là sẽ gây phương hại lớn cho cả hai bên trên phương diện kinh tế. Việc Nga cấm nhập nông sản của châu Âu sẽ khiến châu lục này thiệt hại 6,5 tỷ USD mỗi năm.

“Chúng tôi luôn nhấn mạnh khả năng đảo ngược và thu hẹp lệnh trừng phạt”, Chủ tịch EU Herman Van Rompuy phát biểu từ Brussels. Theo ông Van Rompuy, đến cuối tháng 9 này, các bên sẽ rà soát lại tình hình ngừng bắn ở miền Đông Ukraine, và kết quả rà soát có thể dẫn tới việc EU “xem xét sửa đổi, hoãn, hoặc tiếp tục áp dụng một phần hoặc toàn bộ các lệnh trừng phạt đang có hiệu lực”.

Sau nhiều ngày tranh cãi, các chính phủ trong EU đã đạt được nhất trí về các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga. Theo đó, hỗ trợ của châu Âu đối với hoạt động thăm dò và sản xuất dầu thô sẽ bị cắt giảm, việc huy động vốn của các công ty quốc phòng và năng lượng của Nga tại châu Âu cũng bị hạn chế. Ngoài ra, EU còn ban lệnh cấm nhập cảnh và đóng băng tài sản với thêm 24 cá nhân bị cho là có vai trò gây bất ổn ở Ukraine, nâng tổng số cá nhân bị trừng phạt lên 119 người.

Theo một quan chức châu Âu, lệnh trừng phạt mà EU vừa công bố và lệnh trừng phạt áp dụng từ tháng 7 sẽ duy trì đến hết tháng 7/2015. Đến thời điểm đó, EU sẽ bỏ phiếu để xem xét có tiếp tục gia hạn trừng phạt hay không.

Tại Moscow, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich tuyên bố, Nga sẽ trả đũa đối với “chính sách kém thân thiện, không phục vụ cho các lợi ích của châu Âu”.

Ngoài ra, hãng tin RIA Novosti đưa tin, Bộ Kinh tế Nga còn soạn thảo một danh sách các mặt hàng châu Âu để cấm nhập khẩu. Mục tiêu của lệnh cấm này có thể bao gồm xe hơi, đặc biệt là xe đã qua sử dụng, và hàng dệt may. Moscow cũng cân nhắc hạn chế cho các hãng hàng không châu Âu bay qua không phận nước này tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Đồng Rúp hôm qua mất giá kỷ lục so với đồng USD do các nhà đầu tư lo ngại các lệnh trừng phạt mới. Trong phiên giao dịch, có lúc đồng Rúp giảm giá 0,9%, còn 37,6205 USD. Chỉ số Micex của thị trường chứng khoán Moscow giảm 1,3%, mạnh nhất từ ngày 29/8. Trái phiếu Nga kỳ hạn 10 năm phát hành bằng đồng Rúp giảm giá ngày thứ tư liên tục.

Thỏa thuận ngừng bắn mà Chính phủ Ukraine ký với quân nổi dậy hôm 5/9 đến hôm qua vẫn duy trì, nhưng khá mong manh. Phát ngôn viên quân sự Ukraine Andriy Lyshenko cho biết, trong 24 giờ qua, quân nổi dậy bắn đạn pháo về phía quân chính phủ 20 lần, nâng số lần tấn công lên 129 lần kể từ khi bắt đầu ngừng bắn.

Ông Oleksander Turchynov, Chủ tịch Quốc hội Ukraine, tuyên bố, nếu lệnh ngừng bắn không được duy trì, Kiev “sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc huy động tổng lực và thiết quân luật để quét sạch quân nổi dậy”.