12:06 15/08/2023

Đồng Rúp xuống đáy 16 tháng, Ngân hàng Trung ương Nga họp khẩn

Bình Minh

Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn về lãi suất vào ngày thứ Ba (15/8) sau khi tỷ giá đồng Rúp của nước này giảm quá ngưỡng 100 Rúp đổi 1 USD...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Cuộc họp bất thường này được công bố sau khi CBR nói có thể sẽ tăng lãi suất từ mức 8,5% hiện nay. Theo kế hoạch ban đầu, cuộc họp chính sách tiền tệ gần nhất của CBR sẽ diễn ra vào ngày 15/9.

Gần một năm rưỡi sau ngày nổ ra cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ ở Moscow vẫn đang loay hoay cân bằng giữa hai mục tiêu xung đột: một bên là ưu tiên tăng trưởng kinh tế và một bên là ổn định tỷ giá. Ở mức hiện tại, tỷ giá của đồng Rúp Nga đang thấp nhất 16 tháng so với USD.

Ngay sau khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, đồng Rúp rớt giá chóng mặt, tới mức 136 Rúp đổi 1 USD vào tháng 3/2022. Sau đó, Rúp tăng giá mạnh lên mức 50 Rúp đổi 1 USD vào tháng 6 năm ngoái, nhờ  giá dầu thô và khí đốt tăng mạnh mang lại nguồn thu dồi dào cho Nga.

Nhưng Liên minh châu Âu (EU) đã thành công trong việc “cai” dầu thô và khí đốt Nga, bằng cách tăng cường nhập khẩu năng lượng từ các nguồn khác như Mỹ, Canada và Na Uy. Cùng với đó, giá dầu thô và khí đốt giảm mạnh vì mối lo về suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu do lãi suất tăng, gây áp lực tài chính đối với Nga giữa lúc cuộc chiến ở Ukraine chưa kết thúc, đặt ra sức ép mất giá đối với đồng Rúp.

Kim ngạch xuất khẩu dầu thô và khí đốt, hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga, đã giảm 40% trong 7 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, có một tin vui là giá trị xuất khẩu dầu khí của Nga đã có sự hồi phục trong tháng 7 nhờ giá dầu khởi sắc, vượt ngưỡng 800 tỷ Rúp lần đầu tiên kể từ khi nhóm 7 nền công nghiệp phát triển G7 áp trần giá lên dầu Nga vào cuối năm ngoái.

Ngoài ra, áp lực mất giá đối với Rúp còn đến từ sự tháo chạy của nhà đầu tư nước ngoài khỏi thị trường Nga, nhu cầu nhập khẩu hàng hoá ngày càng tăng, và thâm hụt ngân sách ngày càng lớn của Chính phủ Nga. Trong đó, chi cho nhập khẩu của Nga đã tăng 20% trong 6 tháng đầu năm nay.

Diễn biến tỷ giá USD/Rúp Nga trong 2 năm trở lại đây. Đơn vị: Rúp/USD.
Diễn biến tỷ giá USD/Rúp Nga trong 2 năm trở lại đây. Đơn vị: Rúp/USD.

Từ đầu năm đến nay, Rúp đã giảm giá khoảng 25% so với USD. Xu hướng mất giá này của đồng Rúp đã dẫn tới một cuộc tranh cãi công khai hiếm gặp giữa các quan chức Nga.

Ông Maxim Oreshkin, cố vấn kinh tế của Tổng thống Putin, có một bài viết được hãng thông tấn nhà nước Nga Tass đăng tải hôm thứ Hai. Nội dung của bài viết ngầm chỉ trích CBR, nói rằng “một đồng Rúp mạnh mang đến lợi ích cho nền kinh tế Nga”. Ông Oreshkin nói đồng Rúp mất giá là do CBR nới lỏng chính sách tiền tệ, cho rằng chính sách này đã bơm thêm 12,8 nghìn tỷ Rúp vào nền kinh tế, khiến cho nền kinh tế trở nên quá nóng.

“Tỷ giá hiện nay đi trệch quá nhiều khỏi các yếu tố nền tảng và sẽ trở lại bình thường trong tương lai gần”, ông Oreshkin viết.

Trong khi đó, CBR - cơ quan đã thả nổi tỷ giá Rúp từ năm 2014 - nói rằng đồng Rúp đương đầu với áp lực mất giá từ các yếu tố khác, gồm kim ngạch xuất khẩu sụt giảm, nhu cầu nhập khẩu hàng hoá tăng và việc Chính phủ tăng vay nợ. Cũng theo CBR, việc cân nhắc tăng lãi suất tại cuộc họp định kỳ sắp tới là cần thiết để ổn định tỷ lệ lạm phát ở mức mục tiêu khoảng 4%, nhưng nói thêm rằng sự mất giá của Rúp không đe doạ ổn định tài chính của Nga.

Năm ngoái, CBR đã tăng lãi suất lên 20% để bảo vệ tỷ giá đồng Rúp, sau đó giảm dần lãi suất về mức 7,5% trong vòng chưa đầy 1 năm.

Đồng Rúp mất giá đang đẩy lạm phát ở Nga tăng nhanh. Tốc độ lạm phát ở nước này đã vượt mục tiêu của CBR, lên mức 4,3% vào tháng 7 vừa qua và được dự báo sẽ tăng lên mức 5-6,5% trong năm nay.

Mức lạm phát của Nga là thấp hơn so với lạm phát ở châu Âu, nhờ nước này sở hữu tài nguyên năng lượng dồi dào và sớm dỡ bỏ các biện pháp chống Covid, nhưng tỷ lệ lạm phát điều chỉnh theo mùa của Nga trong tháng 7 là 8,5% - nhà kinh tế trưởng Natalia Lavrova của BCS Global Markets cho biết.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng các nhà hoạch định chính sách Nga đang gặp khó khăn trong việc giữ cho nền kinh tế ổn định, chừng nào chiến tranh còn tiếp diễn và Nga còn gánh chịu những biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt của phương Tây.

“Đồng Rúp đang mất dần giá trị vì chiến tranh còn tiếp diễn và ngân sách chính phủ Nga còn thâm hụt trong những năm tới”, giáo sư kinh tế Konstantin Sonin của Đại học Chicago nhận định.