16:23 18/10/2021

Đồng Tháp mong muốn mở rộng sản xuất và tiêu thụ nông sản

Chương Phượng

Trong 3 tháng cuối năm 2021, tỉnh Đồng Tháp có khoảng 21.000 tấn xoài, 600.000 tấn nhãn, 120 triệu quả trứng, hàng chục nghìn tấn cá tra… cần tìm các đơn vị thương mại kết nối tiêu thụ…

Thứ trưởng Trần Thanh Nam chủ trì Diễn đàn.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam chủ trì Diễn đàn.

Rất nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã ở Đồng Tháp bày tỏ mong muốn tìm kiếm đối tác để kết nối thu mua, tiêu thụ nông sản tại Diễn đàn trực tuyến "Kết nối tiêu thụ nông sản tỉnh Đồng Tháp năm 2021” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng UBND tỉnh Đồng Tháp vừa tổ chức

NHIỀU SẢN VẬT NỐI TIẾNG ĐỊNH DANH THƯƠNG HIỆU

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND Đồng Tháp, cho biết Đồng Tháp có nhiều nông đặc sản như hoa trái, gạo, thủy sản; nhiều sản vật nổi tiếng được định danh thương hiệu như Xoài Cao Lãnh; Bánh phồng tôm Sa Giang; Nem, Quýt hồng Lai Vung. Đặc biệt nơi đây nổi danh là xứ sở của sen hồng Tháp Mười.

 
Đồng Tháp có hoạt động kinh tế tập thể sôi động với trên 100 hội quán, 180 hợp tác xã nông nghiệp; hơn 900 tổ hợp tác nông nghiệp. 

Thời gian qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở miền Nam... với thời gian kéo dài nhiều tháng làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, lưu thông hàng hóa đến các thị trường. “Hiện tỉnh Đồng Tháp còn tồn 30.000 tấn thủy sản, bao gồm 20.000 tấn cá tra, còn lại là cá lồng bè rất cần tiêu thụ. Số lượng thủy sản này rất cần kết nối với các đơn vị thương mại để tiêu thụ gấp”, ông Tuấn cho hay.

Ông Huỳnh Tất Đạt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, chia sẻ: Sản lượng lúa hàng năm của Đồng Tháp đạt trên 3,37 triệu tấn, chủ yếu là lúa chất lượng, lúa đặc sản, lúa nếp giá trị cao. Trong 3 tháng cuối năm 2021, Đồng Tháp có khoảng 21.000 tấn xoài được sản xuất theo quy trình VietGAP, GobalGAP… Diện tích nhãn toàn tỉnh khoảng 5.600ha, sản lượng từ nay đến cuối năm khoảng 600.000 tấn.

Tổng đàn vịt trên địa bàn tỉnh có khoảng 5 triệu con, lượng trứng từ nay đến cuối năm khoảng 120 triệu quả.

 
"Hoa kiểng cũng là “đặc sản” của Đồng Tháp với truyền thống sản xuất 300 năm, mỗi năm cung cấp trên 2.500 loài hoa, đây là chuỗi mang lại thu nhập tương đối lớn cho bà con, sản phẩm phục vụ chủ yếu vào dịp Tết".
Ông Huỳnh Tất Đạt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp.

Đề cập tiềm năng du lịch, ông Đạt thông tin: Đồng Tháp đang tập trung phát triển mô hình homestay và du lịch nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, làng hoa Sa Đéc có 4 hợp tác xã, 10 hội quán, 2.500 hộ tham gia chuỗi sản xuất, kinh doanh hoa kiểng, một Trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và một Trung tâm thương mại hoa kiểng đã đưa vào hoạt động.

Hằng năm làng hoa Sa Đéc  đón khoảng 3 triệu lượt khách tham quan, trong đó có hơn 170.000 lượt khách quốc tế.

Tại Diễn đàn, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã ở Đồng Tháp đã “đăng đàn” giới thiệu sản phẩm và mong muốn được kết nối với các đầu mối tiêu thụ. Ông Huỳnh Văn Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Nam Huy cho hay, công ty có nhiều nông sản chế biến như mít sấy, hạt sen sấy, củ sen sấy, chuối sấy, khoai lang sấy… với sản lượng 60 tấn thành phẩm/tháng.

Nhu cầu về nguồn nguyên liệu của Nam Huy rất lớn: mít trái cần khoảng 600 tấn/tháng, khoai lang 42 tấn/tháng, hạt sen 20 tấn/ tháng, khoai môn 13 tấn/tháng, chuối 42 tấn/tháng… Các sản phẩm của Nam Huy đạt được nhiều tiêu chuẩn như HALAL, OCOP 4 sao, hiện xuất khẩu sang nhiều thị trường như Trung Quốc,Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia và Mỹ.

Bà Lưu Thị Yến Hằng, Công ty TNHH MTV Lương thực Hồng Tân, cho biết Công ty hiện đang chế biến một số mặt hàng như gạo thơm ST24, Hương Lài..., bún tráng gạo, gạo sấy ăn liền xuất khẩu sang thị trường châu Âu, châu Phi.

Năm 2020, Công ty đã có sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP và năm 2021 đang đẩy mạnh liên kết canh tác lúa an toàn, phát triển các dòng sản phẩm lúa dược liệu, lúa dinh dưỡng.

“Do đó, rất mong các đơn vị thu mua, chuỗi siêu thị nghiên cứu năng lực của Hồng Tân Food để kết nối tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị cho hạt gạo Việt Nam”, bà Hằng bày tỏ.

ĐƯA SẢN PHẨM OCOP TIẾP CẬN THỊ TRƯỜNG NƯỚC NGOÀI

Bà Tạ Thị Tú Uyên, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, cho rằng Đồng Tháp là tỉnh có nhiều phong cảnh thiên nhiên hữu tình, nhiều nét văn hóa dân gian độc đáo. Tuy nhiên, lượng khách du lịch đến Đồng Tháp chưa tương xứng với tiềm năng địa phương.

Để giải quyết vấn đề này, bà Uyên đề nghị các sở, ngành và từng địa phương của Đồng Tháp nên liên kết với nhau và liên kết mở rộng sang các tỉnh khác để tạo thành tour, tuyến du lịch đặc thù.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Công ty Vina T&T cho biết, sản phẩm xuất khẩu chủ lực của công ty là trái cây tươi. Đó là lý do Vina T&T sớm hợp tác và đẩy mạnh liên kết với Đồng Tháp – địa phương có thế mạnh về xoài, nhãn, sầu riêng và một số nông sản khác.

Ông Tùng nêu khó khăn nhất trong việc xuất khẩu nông sản là thời gian vận chuyển dài. Ví dụ, hàng xuất Mỹ, vận chuyển hơn 3 tuần, nhưng mất thêm khoảng 3 tuần nữa để nhập kho do hải quan chỉ làm việc 50%. Hàng đi Trung Quốc, trước là từ 4-5 ngày, nhưng giờ tăng thành 7-8 ngày do chậm thông quan.

“Chất lượng trái cây năm nay của Đồng Tháp không bằng mọi năm, người dân không đảm bảo được khâu chăm sóc. Châu Âu ưa chuộng thanh long dưới 300g, còn Mỹ lại trên 450g, nhưng rất ít nông dân ở Đồng Tháp biết điều này để điều chỉnh giống, kỹ thuật trồng thanh long cho phù hợp. Mặt khác, Đồng Tháp đang tái cơ cấu cây trồng, chuyển từ nhãn sang sầu riêng, nhưng hiện sầu riêng chưa xuất được chính ngạch sang Trung Quốc”, ông Tùng chỉ ra những điểm yếu của trái cây Đồng Tháp.

Để tăng cường kết nối tiêu thụ nông sản Đồng Tháp, ông Tùng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tích cực đàm phán để sầu riêng xuất chính ngạch vào Trung Quốc.

 
"Sắp tới, Bộ sẽ tổ chức diễn đàn về kết nối nông sản toàn cầu, để đưa nông sản Việt tiếp cận rộng rãi hơn với người tiêu dùng quốc tế thông qua các doanh nghiệp có uy tín toàn cầu của Việt Nam".
Ông Trần Thanh Nam-Thứ trưởng Bô Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thứ trưởng Bô Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhận định, Đồng Tháp còn có nhiều thế mạnh như du lịch cộng đồng, các sản phẩm OCOP. Điều này cho thấy tỉnh có rất nhiều tiềm năng về phát triển nông sản trong thời gian tới, từ nay đến cuối năm các doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ sẽ có nhiều cơ hội để kết nối với đơn vị sản xuất để nâng cao giá trị cho chuỗi sản xuất.

Ở góc độ quản lý Nhà nước, Thứ trưởng khuyến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp quan tâm chỉ đạo sản xuất vì thời gian qua chất lượng nông sản có giảm. Bên cạnh đó, nên tổ chức Lễ hội Xoài Đồng Tháp trong cuối năm nay.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với Bộ Ngoại giao để phối hợp, đưa các sản phẩm OCOP tiếp cận các thị trường nước ngoài.

“Chúng tôi mong muốn các hợp tác xã, cơ sở sản xuất cùng các doanh nghiệp, nhà bán lẻ phải đồng lòng để vừa nâng cao được chất lượng vừa quảng bá được thương hiệu cho nông sản Việt Nam”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.