17:46 16/06/2023

Động thổ xây dựng dự án Vành đai 3 tại TP.HCM

Thanh Thủy

Lễ khởi công xây dựng dự án Vành đai 3 sẽ được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh và kết nối trực tuyến với điểm cầu tại các tỉnh, thành địa phương….

Sơ đồ vị trí khu vực lễ Khởi công xây dựng dự án Vành đai 3 được tổ chức vào ngày 18/6 tại TP.HCM
Sơ đồ vị trí khu vực lễ Khởi công xây dựng dự án Vành đai 3 được tổ chức vào ngày 18/6 tại TP.HCM

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM và Lễ khởi công dự án chiều 15/6 tại TP.HCM, Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng các Công trình Giao thông TP.HCM đã thông tin về việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 4260/VPCPCN của Văn phòng Chính phủ về việc tổ chức khởi công các dự án đường bộ cao tốc và đường vành đai.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải phối hợp cùng các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk và TP.HCM xây dựng Kế hoạch tổ chức Lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM, Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.

Cụ thể, sáng 18/6/2023 lễ khởi công dự án Vành đai 3 sẽ được tổ chức tại Khu vực công trường thi công gói thầu XL3, đường 9A, phường Long Bình, Thành phố Thủ Đức, TP.HCM và kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính TP.HCM với các điểm cầu tại tỉnh Đắk Lắk và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ông Lương Minh Phúc, Trưởng Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng các Công trình Giao thông TP.HCM phát biểu tại buổi họp báo chiều 15/6 - Ảnh: TN
Ông Lương Minh Phúc, Trưởng Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng các Công trình Giao thông TP.HCM phát biểu tại buổi họp báo chiều 15/6 - Ảnh: TN

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,3km đi qua 4 địa phương: TP.HCM (47,35km), các tỉnh Đồng Nai (11,26km), Bình Dương (10,76km), Long An (6,81km). Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 75.378 tỷ đồng.

Trong đó, dự án được phân chia làm 8 dự án thành phần bao gồm 4 dự án thành phần xây dựng; 4 dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn 4 tỉnh, thành phố.

Với quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 8 làn xe cao tốc, cấp đường ô tô cao tốc 100 km/h; đường song hành hai bên (đường đô thị 2 - 3 làn xe), cấp đường ô tô đô thị 60 km/h. Quy mô giai đoạn phân kỳ là 4 làn xe cao tốc, đường song hành hai bên (đường đô thị 2 - 3 làn xe), đầu tư không liên tục.

Ông Lương Minh Phúc, Trưởng Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng các Công trình Giao thông TP.HCM cho biết, buổi lễ khởi công đã được chuẩn bị chu đáo với sự phối hợp thực hiện với các tỉnh, địa phương. “Lần đầu tiên trong lịch sử xây dựng dự án giao thông Thành phố có khối lượng mặt bằng lớn nhất vậy, mục tiêu trước 30/6 tốc độ giải phóng mặt bằng đạt 70%, tuy nhiên đến hôm nay tốc độ giải phóng mặt bằng toàn dự án đã đặt mức trên 83%”, ông Phúc cho biết thêm.

Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên môi trường và 4 địa phương, mặt bằng thi công xây dựng trên địa bàn Thành phố đã giải phóng đạt 356ha/410ha (đạt khoảng 87%). Trong đó, thành phố Thủ Đức đã thu hồi 72,8ha/99,8ha (đạt khoảng 73%); huyện Củ Chi đã thu hồi 54,2ha/65,3ha (đạt khoảng 83%); huyện Hóc Môn đã thu hồi 94,0ha/98,9ha (đạt khoảng 95%);  huyện Bình Chánh đã thu hồi 134,3ha/145,9ha (đạt khoảng 92%).

“Dự án đã được chuẩn bị và thực hiện với tốc độ chưa từng có, Thành phố đã có nguồn nhân lực tâm huyết, làm việc liên tục. Chưa bao giờ Trung ương và Thành phố quan tâm vào dự án nào như vậy, điều đó đã tạo nên “cú đúp” cho dự án Vành đai 3. Không chỉ vậy, các địa phương và người dân đã tích cực phối hợp, quan tâm thực hiện triển khai và thúc đẩy dự án”, ông Phúc cho biết.

Dù đã đạt được những bước chuẩn bị vượt trội, tuy nhiên ông Phúc cho biết, dự án vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, thách thức lớn liên quan đến vấn đề chuẩn bị về nguyên vật liệu, đặt biệt là khối lượng lớn về cát san lấp với khoảng 7,2 triệu m3 và hơn 4,4 triệu m3 đá.

Ngoài ra, vẫn còn những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng và vấn đề đảm bảo vệ sinh môi trường, chăm lo đời sống của người dân. Dự án vẫn sẽ cần sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban ngành và các tỉnh, thành phố như Đông Nai, Bình Dương, Long An.

“Những thành công đạt được chưa phải điểm dừng, thách thức vẫn còn nằm phía trước. Tuy vậy, tin rằng dự án Vành đai 3 sẽ hoàn thành sớm và tạo tiền đề thúc đẩy các dự án khác của Thành phố phát triển. Từ đó, tạo ra động lực để thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế đầu tàu, “Khát vọng Vành đai 3” sẽ giúp lan tỏa những điều tích cực cho kinh tế Thành phố”, ông Phúc nhấn mạnh.

Thành phố cũng đã thống nhất với Chính phủ sẽ nỗ lực hoàn thành dự án đúng mục tiêu thông xe lưu thông vào năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026. Kỳ vọng, dự án Vành đai 3 cùng với những dự án cao tốc, giao thông khác sẽ tạo ra mạch giao thông xuyên suốt giữa các tỉnh thành, biên giới tạo nên sức hút mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế Thành phố.