Dòng tiền “buông”, thị trường tiếp tục suy yếu, thanh khoản sụt giảm đột biến
Thanh khoản khớp lệnh hai sàn niêm yết sáng nay giảm mạnh 38% so với sáng hôm qua đồng thời cổ phiếu từ từ trượt giảm khiến độ rộng co lại theo thời gian. Lý do duy nhất của hiện tượng này là bên mua đã giảm cường độ giao dịch...
Thanh khoản khớp lệnh hai sàn niêm yết sáng nay giảm mạnh 38% so với sáng hôm qua đồng thời cổ phiếu từ từ trượt giảm khiến độ rộng co lại theo thời gian. Lý do duy nhất của hiện tượng này là bên mua đã giảm cường độ giao dịch.
VN-Index vẫn có ít phút xanh trong nỗ lực kéo lên của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên sức mạnh của nhóm này cũng đã suy yếu. Chỉ số tăng cao nhất ngay những phút đầu tiên, trên tham chiếu khoảng 4,9 điểm nhưng đến sát 10h bắt đầu đỏ. Những nỗ lực hồi lại sau đó không giúp chỉ số có đỉnh cao hơn và chốt phiên sáng, VN-Index giảm 3,17 điểm (-0,25%).
Độ rộng thể hiện rõ nhất trạng thái suy yếu dần. Khoảng 9h45 VN-Index vẫn có 214 mã tăng/139 mã giảm. Đến 10h30 độ rộng cân bằng 194 mã tăng/178 mã giảm. Kết phiên sàn HoSE chỉ còn 167 mã tăng/233 mã giảm.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn còn một số mã xanh, nhưng về cơ bản là suy yếu. Toàn bộ 27 mã nhóm này, có 10 mã chốt được trên tham chiếu, trong đó 7 mã thuộc rổ VN30. 3 cổ phiếu vẫn đang dẫn đầu nhóm đỡ điểm cho VN-Index là VCB tăng 0,68%, BID tăng 1,04% và ACB tăng 1,22%. Cả 3 mã vẫn bị trượt giá, nhất là BID giảm tới 1,62% so với mức đỉnh đầu ngày, ACB giảm 1,2%. Rổ VN30 lúc tốt nhất có tới 24 cổ phiếu xanh, nhưng cuối phiên chỉ còn 11 mã, 17 cổ phiếu khác đảo chiều giảm. VN30-Index giảm 0,53% so với tham chiếu.
Thanh khoản rổ VN30 cũng cực thấp, giảm tới gần 37% so với sáng hôm qua, chỉ đạt 2.872,4 tỷ đồng. Nhiều cổ phiếu xuất hiện thanh khoản cao và giá giảm nhiều, xác nhận vẫn có lực bán mạnh ép xuống như FPT giảm 2,2% thanh khoản 500,3 tỷ; MSN giảm 1,67% với 233,9 tỷ. Dù vậy tổng thể biên độ giảm của cổ phiếu chưa lớn, cả rổ mới có 5 mã mất hơn 1% giá trị.
Mở rộng ra toàn sàn HoSE, đà trượt giá là rõ ràng, nhưng sức ép cũng không tạo biên độ rộng. Trong 233 mã đang đỏ, mới có 96 mã giảm quá 1%. Ngoài FPT, MSN, chỉ thêm vài cổ phiếu có giao dịch trên 100 tỷ đồng là HSG giảm 1,9%, DIG giảm 1,02%, TCH giảm 1,32%, DGC giảm 1,86%.
Hiện tượng trượt giá này đang do bên bán cầm trịch. Với mức thanh khoản rất kém, nhà đầu tư chủ yếu căng lệnh mua ở giá thấp, giao dịch mỏng quanh tham chiếu khiến cơ hội khớp thành công không nhiều. Do đó nếu bên bán vẫn giữ giá thì cung cầu không gặp nhau. Vì vậy từ góc độ tâm lý, đặc biệt là sau phiên hoảng loạn hôm qua, trạng thái giao dịch như vậy cũng phần nào thể hiện sự bình tĩnh.
Bên xanh cũng thể hiện lực mua không rõ ràng, dù vẫn có 167 cổ phiếu tăng giá nhưng thanh khoản đại đa số rất kém. Khoảng 40 mã đang giữ trên tham chiếu hơn 1% thì tổng giao dịch chỉ chiếm 11% sàn HoSE. EIB tăng 1,08% thanh khoản 154,1 tỷ; ACB tăng 1,22% với 129,9 tỷ; DCM tăng 1,62% với 74,2 tỷ; HBC tăng 6,32% với 40,2 tỷ; DPM tăng 1,14% với 37,9 tỷ; SBT tăng 3,27% với 34 tỷ là các cổ phiếu đáng kể nhất.
Trạng thái giằng co yếu sáng nay cũng có thể đến từ tâm lý chờ đợi phiên đáo hạn phái sinh. Thông thường nhà đầu tư lo ngại những biến động lớn về cuối ngày để chốt giá thanh toán cuối cùng, nên đứng im là một giải pháp hạn chế rủi ro.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng đang giảm cường độ giao dịch dù mức bán ròng có tăng. Cụ thể, tổng giá trị bán trên HoSE giảm 18% so với sáng hôm qua còn 777,4 tỷ, mua vào giảm 33% còn 512,2 tỷ. Giá trị bán ròng do đó tăng lên 265,2 tỷ đồng so với mức bán ròng 176,9 tỷ sáng hôm qua. Đây thuần túy là do thay đổi tương quan cung cầu chứ không phải áp lực bán tăng. Các mã bị bán nhiều nhất sáng nay là FPT -121,5 tỷ, MSN -59,2 tỷ, VPB -20,5 tỷ. Bên mua có MWG +26,3 tỷ là duy nhất đáng kể.