07:03 23/03/2023

Chứng khoán Mỹ lao dốc sau khi Fed nâng lãi suất, giá dầu tăng 2%

Bình Minh

Có thời điểm trong phiên Dow Jones tăng hơn 200 điểm, nhưng chỉ số nhanh chóng đảo chiều sau đó và chốt phiên với mức giảm hơn 530 điểm. FED cho biết sẽ còn đợt tăng lãi suất nữa và không đảo chiều chính sách trước 2024...

Các nhà giao dịch chứng khoán Mỹ theo dõi thông tin về cuộc họp của Fed qua màn hình trên sàn NYSE ngày 22/3 - Ảnh: Reuters.
Các nhà giao dịch chứng khoán Mỹ theo dõi thông tin về cuộc họp của Fed qua màn hình trên sàn NYSE ngày 22/3 - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (22/3), khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tiếp tục tăng lãi suất và thừa nhận rằng biến động trong hệ thống ngân hàng có thể làm giảm tốc nền kinh tế vốn dĩ đang mong manh. Dù vậy, đồng USD trượt giá xuống mức thấp nhất trong 6 tuần sau động thái này của Fed đã giúp giá dầu tăng lên mức cao nhất 1 tuần.

Cổ phiếu các ngân hàng khu vực dẫn đầu phiên bán tháo này ở Phố Wall. Tâm trạng bi quan càng bị đẩy lên cao khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen phát biểu trước một uỷ ban thuộc Thượng viện rằng cơ quan chức năng hiện tại không làm việc về vấn đề “bảo hiểm bao trùm” cho tiền gửi tại các ngân hàng.  

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 530,49 điểm, tương đương giảm 1,63%, còn 32.030,11 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,65%, còn 3.936,97 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 1,6%, còn 11.669,96 điểm.

Có thời điểm trong phiên Dow Jones tăng hơn 200 điểm, nhưng chỉ số nhanh chóng đảo chiều sau đó. Tại đỉnh của phiên, S&P 500 và Nasdaq tăng tương ứng 0,9% và 1,3%. Điều này phản ánh mức độ biến động lớn của thị trường do tâm lý giằng co của nhà đầu tư.

“Các điều kiện tài chính có vẻ đã thắt chặt lại. Chúng tôi sẽ xem xét xem liệu sự thắt chặt này nghiêm trọng tới mức nào và có vẻ sẽ kéo dài hay không. Nếu đúng là như vậy, sự thắt chặt các điều kiện tài chính có thể sẽ dễ dàng gây ra ảnh hưởng lớn về mặt kinh tế vĩ mô, và chúng tôi sẽ phải tính tới yếu tố đó trong các quyết định chính sách của mình”, ông Powell phát biểu tại họp báo sau khi kết thúc cuộc họp của Fed.

Bước nhảy lãi suất 0,25 điểm phần trăm của Fed trong lần họp này là không nằm ngoài dự kiến. Trong tuyên bố sau cuộc họp, Uỷ ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - bộ phận ra quyết sách trong Fed - cho biết “sẽ theo sát những thông tin tiếp theo và đánh giá hàm ý đối với chính sách tiền tệ”. Ngoài ra, Fed rút khỏi tuyên bố lần này cụm từ “tiếp tục tăng lãi suất” đã sử dụng trong tuyên bố của các lần họp trước.

Đối với giới đầu tư, mặt tích cực của tuyên bố lần này là trong dự báo mới nhất được đưa ra, Fed dự định chỉ tăng lãi suất thêm 1 lần nữa trong năm nay. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo, ông Powell nói rằng cuộc chiến chống lạm phát còn xa mới đến lúc kết thúc.

“Các hành động ngày hôm nay của Fed nhất quán với quan điểm mà chúng tôi có lâu nay là Fed sẽ nâng lãi suất lên mức 5,25% và dừng ở đó trong một thời gian dài”, chuyên gia kinh tế trưởng Thomas Simons của Jefferies nhận định trong một báo cáo được hãng tin CNBC trích dẫn. “Ngoại trừ trường hợp có nguy cơ gia tăng về rủi ro lan rộng trong hệ thống ngân hàng, chúng tôi dự báo Fed sẽ đối mặt với một quyết định chính sách tương tự như lần này trong cuộc họp vào tháng 5, và họ sẽ phải có thêm một lần nâng lãi suất nữa”.

Đợt nâng lãi suất này của Fed diễn ra giữa lúc hệ thống ngân hàng toàn cầu rơi vào tình trạng bấp bênh nghiêm trọng nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính 2008. Tháng này chứng kiến 3 ngân hàng Mỹ lần lượt sụp đổ chỉ trong vòng 1 tuần, tiếp đó là vụ sáp nhập của ngân hàng lớn thứ hai Thuỵ Sỹ Credit Suisse vào ngân hàng lớn nhất nước này UBS trong một thương vụ được thúc đẩy bởi cơ quan chức năng nhằm bảo vệ hệ thống ngân hàng Thuỵ Sỹ.

Việc bà Yellen tuyên bố Bộ Tài chính Mỹ hiện không tính đến việc mở rộng diện bảo hiểm tiền gửi khiến giá cổ phiếu ngân hàng tụt dốc. Quỹ S&P Regioal Bank ETF chốt phiên với mức giảm hơn 5%.  Cổ phiếu ngân hàng First Republic Bank giảm 15,5%. Tuy nhiên, ông Powell nói rằng dòng chảy tiền gửi khỏi các ngân hàng đã ổn định trong tuần trước, sau khi Fed và các cơ quan chức năng khác phối hợp bảo vệ tiền gửi.

Đợt nâng lãi suất này của Fed đưa lãi suất quỹ liên bang (fed funds rate) lên mức 4,75-5%, từ mức 4,5-4,75% trước đó.

“Nếu căng thẳng trong hệ thống tại chính sớm giảm xuống, chúng tôi không loại trừ khả năng các số liệu kinh tế mạnh lên sẽ dẫn tới việc Fed tiếp tục tăng lãi suất qua tháng 5”, chuyên gia kinh tế trưởng Michael Gapen của Bank of America Securities nhận định. “Nhưng ở thời điểm này, chúng tôi cho là khả năng đang nghiêng về Fed kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn”.

Thị trường trái phiếu có vẻ đồng tình với nhận định của ông Gapen, thể hiện qua lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm giảm còn 3,9597%, từ mức đóng cửa của phiên ngày thứ Ba là 4,177%. Lợi suất của kỳ hạn 10 năm giảm còn 3,4509% từ 3,606%.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,37 USD/thùng, tương đương tăng 1,8%, đóng cửa ở 76,69 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,23 USD/thùng, tương đương tăng 1,8%, chốt ở 70,9 USD/thùng.

Đây là mức giá đóng cửa cao nhất của dầu thô kể từ hôm 14/3. Dầu tăng giá nhờ tỷ giá đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác giảm xuống mức thấp nhất kể hôm 2/2. Chỉ số đóng cửa với mức giảm 0,7%, còn 102,53 điểm.

Tuần trước, giá dầu WTI và Brent cùng giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2021 do lo ngại rằng cuộc khủng hoảng ngân hàng sẽ dẫn tới suy thoái kinh tế toàn cầu và gây suy giảm nhu cầu dầu. Cuộc giải cứu ngân hàng Credit Suisse vào cuối tuần đã giúp giá dầu hồi phục.